Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Lạng Sơn: Gìn giữ văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Khánh Sơn - 07:41, 01/12/2023

Lạng Sơn là mảnh đất có nhiều lợi thế để phát triển du lịch theo hướng khai thác tiềm năng văn hóa truyền thống, gắn với tôn giáo tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh, kinh tế cửa khẩu. Việc khai thác những thế mạnh này sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội.

Lễ hội Xuân của người dân Lạng Sơn luôn thu hút đông đảo khách du lịch quan tâm và đến thăm quan vào mỗi dịp Xuân mới.
Lễ hội Xuân của người dân Lạng Sơn luôn thu hút đông đảo khách du lịch quan tâm và đến thăm quan vào mỗi dịp Xuân mới.

Gắn bản sắc văn hóa với phát triển du lịch

Triển khai thực hiện Dự án 6 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. 

Theo thống kê, tỉnh Lạng Sơn hiện có 280 lễ hội; 139 di tích được xếp hạng các cấp (gồm 2 khu di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích quốc gia, 108 di tích cấp tỉnh. Tiêu biểu là các di tích quốc gia đặc biệt: Khu di tích lịch sử Chi Lăng, Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn và các di tích quốc gia, như: Nhị -Tam Thanh, Núi Tô Thị, Thành Nhà Mạc...); hơn 100 câu lạc bộ dân ca và sinh hoạt văn hóa truyền thống, cùng hàng trăm tổ, đội văn nghệ cơ sở; 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại… góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch.

Một hoạt động văn hóa và sản phẩm du lịch tiêu biểu, nổi bật, đặc sắc vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về của tỉnh Lạng Sơn là "Lễ hội Hoa đào" nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, kinh tế của cây hoa đào; đồng thời tôn vinh cây hoa đào, người trồng đào Xứ Lạng. Đơn cử như Lễ hội Hoa đào xứ Lạng Xuân Quý Mão 2023 với chủ đề “Kỳ hoa Xứ Lạng - Sắc màu biên cương” đã thu hút gần 10.000 du khách tới tham quan và trải nghiệm. Đồng thời, lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động giao lưu sôi động, mang đậm nét văn hóa bản địa đặc sắc như: Giao lưu hát Sli, hát lượn, hát then; múa sư tử dân tộc Tày, Nùng; giao lưu các câu lạc bộ khiêu vũ mở rộng; giao lưu nhảy đường phố cùng các hoạt động triển lãm sách, báo Xuân; trưng bày 1.500 gốc đào gồm đa dạng giống quý bản địa, trao đổi các sản phẩm OCOP, ẩm thực đặc sắc của tỉnh đã xác lập Kỷ lục món ăn Việt Nam; biểu diễn nhạc nước nghệ thuật…, tạo ra không gian văn hóa - du lịch với những điểm nhấn vừa mang đậm bản sắc truyền thống, vừa hiện đại, tạo sức hút mới lạ cho Lễ hội đã góp phần tuyên truyền, quảng bá rộng rãi hình ảnh vùng đất, con người, nét đẹp văn hóa, truyền thống của đồng bào DTTS và miền núi…

Lạng Sơn luôn trú trọng việc bảo tồn, lưu giữ những nét đẹp, bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.
Lạng Sơn luôn trú trọng việc bảo tồn, lưu giữ những nét đẹp, bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.

Lạng Sơn không chỉ thu hút du khách gần xa với những Lễ hội truyền thống, với những điểm du lịch tâm linh, mà Lạng Sơn còn tập trung phát triển du lịch cộng đồng. Tiêu biểu như làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, thuộc huyện Bắc Sơn.

Sau hơn 10 năm triển khai, làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn đã có gần 10 hộ gia đình xây dựng homestay đạt tiêu chuẩn đón tiếp khách, từ đó tạo ra sinh kế để đảm bảo cuộc sống.

Niềm vui tuổi già của ông Dương Công Chài (làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, Bắc Sơn, Lạng Sơn) giờ đây, là được chăm sóc điểm tô cho ngôi nhà cổ gần 100 năm tuổi của mình. Là một trong những hộ dân đầu tiên tham gia làm du lịch cộng đồng, ông rất phấn khởi vì có thêm thu nhập, có tháng lên tới 20 triệu đồng.

Còn chị Dương Thị Ngọc Hà, Đội trưởng Đội Văn nghệ Du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn phấn khởi chia sẻ: Bây giờ hết dịch COVID-19 rồi, đội văn nghệ lại tập hợp và chăm chỉ tập luyện để bảo tồn nét văn hóa riêng đặc sắc của dân tộc Tày chúng tôi với những làn điệu then cổ, then mới, rồi những làn điệu các cụ thời xưa truyền lại. Qua đó, giới thiệu với du khách những nét đẹp, nét đặc sắc của văn hóa truyền thống, thu hút ngày càng đông khách du lịch trong và ngoài nước đến trải nghiệm.

Cùng với việc phát huy giá trị của văn hóa truyền thống, chất lượng dịch vụ, phục vụ khách du lịch của các làng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đang từng bước được nâng cao. Qua đó các làng đã cung cấp những sản phẩm văn hóa/loại hàng hóa đặc biệt mang "giá trị kép" cho du khách, đồng thời, tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân địa phương, nhất là đồng bào DTTS và miền núi, tạo nguồn thu ổn định, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. 

Toàn cảnh Thung lũng Bắc Sơn được chụp từ trên mây, một loại hình du lịch Danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Lạng Sơn.
Toàn cảnh Thung lũng Bắc Sơn được chụp từ trên cao, một địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Lạng Sơn.

Giải pháp mang tính bền vững

Theo dòng lịch sử, văn hóa Lạng Sơn được hình thành và phát triển đa dạng gắn với nền văn hóa Mai Pha và nền văn hóa Bắc Sơn rực rỡ, với hệ thống di tích, di chỉ khảo cổ như: Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng, Phai Vệ, Mai Pha... phản ánh sinh động đời sống và sự tiến hóa không ngừng của loài người từ thời tiền sử đến ngày nay. Theo đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn luôn xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, các mục tiêu phát triển du lịch luôn được xác định trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để tập trung chỉ đạo thực hiện.

Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu, triển khai các giải pháp để phát triển các loại hình du lịch, trong đó phát huy lợi thế tài nguyên du lịch văn hóa (di sản văn hóa, giá trị lịch sử, tâm linh). Đầu tư cho bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tín ngưỡng tôn giáo và những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với tâm linh, để trở thành yếu tố hấp dẫn đặc sắc của Lạng Sơn.

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lạng Sơn cho biết: Tỉnh Lạng Sơn luôn xác định tiềm năng để phát triển du lịch gồm có 5 loại hình như: du lịch sinh thái; du lịch văn hóa; du lịch tâm linh; du lịch mua sắm; du lịch cửa khẩu. Bởi vậy tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện và đầu tư những điểm du lịch cộng đồng, sinh thái dựa trên khai thác giá trị văn hóa của từng địa phương. 

Tiếp tục tập trung vào các sản phẩm du lịch hiện có và khai thác các sản phẩm mới đa dạng, phong phú có chất lượng hơn. Đồng thời, thường xuyên giới thiệu, quảng bá đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phát triển hệ thống các trung tâm mua sắm tại thành phố Lạng Sơn và khu vực kinh tế cửa khẩu. Đẩy mạnh sự chuyên nghiệp các điểm dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi có chất lượng cao nhằm thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.

Hiện tại, tỉnh Lạng Sơn đang tích cực triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu, khi được công nhận đây sẽ là sản phẩm du lịch mới dựa trên giá trị văn hóa gắn với thiên nhiên, đa dạng sinh học... thu hút đông đảo khách du lịch và đặc biệt kỳ vọng vào lượng khách du lịch quốc tế.

Năm 2022, tổng lượng khách du lịch của Lạng Sơn ước đạt khoảng 3,5 triệu lượt, doanh thu ước đạt 2.100 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Lạng Sơn đã thu hút hơn 1,3 triệu lượt khách, đạt 35,9% kế hoạch, tăng 78,6% so với cùng kỳ. Doanh thu 1.055 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch, tăng 281% so với cùng kỳ năm trước.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.