Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Lào Cai: Ngôi trường "đặt nền móng" tạo nguồn cán bộ DTTS của địa phương

Trọng Bảo - 20:12, 18/10/2022

Nhiều năm nay, Trường Trung học phổ thông phổ thông Dân tộc nội trú (TH PTDTNT) tỉnh Lào Cai, luôn là một trong những trường điểm của địa phương về công tác thi đua dạy và học. Hằng năm, tỷ lệ học sinh khá, giỏi của trường đạt từ 70 - 80%. Đặc biệt, sau 30 năm thành lập, từ nền móng của Nhà trường, đã có hàng nghìn học sinh của nhà trường tiếp tục học lên cao, từ đó trưởng thành, phát triển khi tham gia công tác trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương...

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường tặng quà cho nhà trường nhân dịp khai giảng năm học 2021-2022
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường tặng quà cho nhà trường nhân dịp khai giảng năm học 2021-2022

Vượt khó vươn lên

Năm 1991, tỉnh Lào Cai được tái lập, đến tháng 5/1992 UBND tỉnh ra quyết định thành lập trường Phổ thông DTNT tỉnh Lào Cai, nay là trường Trung học PTDTNT, ngôi trường chuyên biệt có nhiệm vụ dạy kiến thức cho học sinh con em đồng bào DTTS trong tỉnh.

 Cô giáo Lê Ngọc Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Khi mới thành lập, Nhà trường có 14 thầy cô giáo, 9 nhân viên hành chính, chịu trách nhiệm đón 35 học sinh lớp 10, cùng 29 học sinh lớp 11 và 09 học sinh lớp 12 ở Lào Cai đang học từ trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Yên Bái chuyển về. 

Để đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo cán bộ DTTS cho địa phương, từ năm học 1998 - 1999, trường chuyển về trụ sở mới được xây dựng tại phường Kim Tân, thành phố Lào Cai. Đến năm học 2012-2013, nhà trường phát triển lên 12 lớp học, với tổng số 490 học sinh và từ năm học 2012-2013 đến nay nhà trường phát triển quy mô 15 lớp, với tổng số 525 học sinh.

Đi lên từ bộn bề gian khó, nhà trường đã có bước đột phá về chất lượng; trong những năm gần đây, tỉ lệ học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh tăng qua từng năm (từ trên 20 học sinh đạt giải/năm học đã tăng lên 55 em đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/năm học). Hằng năm, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 100%, với điểm bình quân xét tuyển đại học đạt 24,86 điểm, nhà trường đã dần khẳng định được vị thế của mình trong lĩnh vực giáo dục con em đồng bào DTTS trong tỉnh. Năm 2010, trường THPTDTNT Lào Cai vinh dự được công nhận trường chuẩn Quốc gia.

Nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành sau khi học tập tại trường THPTDTNT Lào Cai
Nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành sau khi học tập tại trường THPTDTNT Lào Cai

Sau 30 năm xây dựng và trưởng thành, đã có hàng nghìn học sinh là con em đồng bào DTTS trong tỉnh rời ghế nhà trường tiếp tục học lên cao, trưởng thành tham gia công tác và giữ nhiều trọng trách từ trung ương đến địa phương như, anh Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XV; anh Sùng A Lềnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Lào Cai khóa XV; anh Lý Bình Minh hiện là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai; chị Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; anh Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa…

Đổi mới đáp ứng yêu cầu giáo dục trong giai đoạn mới

Với mục tiêu “Đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nguồn nhân lực, Khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2025”, hiện nay trường THPTDTNT Lào Cai đang tập trung đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong đó, chú trọng chất lượng thi học sinh giỏi, thi KHKT... đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học và trong quản lý.

Cô giáo Lê Ngọc Quỳnh (đứng giữa), Hiệu trưởng nhà trường với các em học sinh
Cô giáo Lê Ngọc Quỳnh (đứng giữa), Hiệu trưởng nhà trường với các em học sinh

"Nhà trường phấn đấu đứng  trong tốp đầu các trường THPT trong tỉnh và là trường chất lượng cao trong hệ thống trường DTNT khu vực miền núi phía Bắc...”, cô Lê Ngọc Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Cô Quỳnh phấn khởi thông tin: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo chính quyền địa phương dành cho con em đồng bào DTTS, nhà trường đã được đầu tư dự án xây dựng cơ sở vật chất mới, với tổng mức đầu tư trên 120 tỷ đồng trên diện tích 9,3ha. Dự án cơ bản đã hoàn thành, dự kiến thời gian tới là chuyển về. Nhiệm vụ đặt ra lúc này của  nhà trường là, chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đáp ứng cho việc nâng cao chất lượng giáo dục học tập; chăm lo đời sống, tạo tâm thế, tư tưởng tốt để cán bộ, giáo viên yên tâm công tác, tâm huyết, gắn bó với sự nghiệp giáo dục học sinh DTTS. 

Đặc biệt, tích cực đổi mới phương pháp, hình thức dạy học cho học sinh, phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp với yêu cầu hiện nay. Tăng cường giáo dục lý tưởng, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân; phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh. 

Xây dựng mô hình trường học gắn với lao động sản xuất, hướng nghiệp, dạy nghề, nghiên cứu khoa học, văn hóa dân tộc. Thực hiện tốt công tác phân luồng sau khi tốt nghiệp học sinh có kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, kỹ năng thực hành một số nghề phổ thông; có tư duy ban đầu về nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế đối với nghề được học và phát triển kinh tế gia đình...

Các em học sinh dân tộc Bố Y (dân tộc rất ít người của tỉnh Lào Cai) đang học tập tại trường
Các em học sinh dân tộc Bố Y (dân tộc rất ít người của tỉnh Lào Cai) đang học tập tại trường

“Với đặc thù của trường có 100% học sinh là con em đồng bào DTTS,  nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh giáo dục truyền thống, đoàn kết các dân tộc. Phấn đấu xây dựng nhà trường trở thành trung tâm văn hóa cộng đồng; mời những nghệ nhân tham gia các buổi tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa; hướng dẫn, dạy một số nghề truyền thống tại địa phương cho học sinh…”, cô Quỳnh cho biết thêm.

Chặng đường 30 năm với một cơ sở giáo dục chưa phải là dài, nhưng cũng đủ để giúp cho thầy và trò trường THPTDTNT Lào Cai khẳng định thương hiệu, chất lượng dạy và học trong hệ thống các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Xứng đáng là ngôi trường chuyên biệt tạo nguồn cán bộ DTTS cho địa phương./.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.