Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lễ cưới hỏi của người Mông xanh ở Lào Cai

Trọng Bảo - 10:11, 26/06/2020

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, người Mông xanh (một nhóm của dân tộc Mông) cư trú chủ yếu ở 2 thôn Nậm Tu Thượng và Nậm Tu Hạ của xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn. Người Mông có phong tục cưới hỏi với một số nghi lễ rất độc đáo.

Trong nghi lễ ăn hỏi, Đoàn có 3 người, ông mối đi đầu tay cầm sáo vầu.
Trong nghi lễ ăn hỏi, Đoàn có 3 người, ông mối đi đầu tay cầm sáo vầu.

Nghi lễ cưới hỏi của người Mông xanh gồm các bước như: Lễ ăn hỏi, lễ cưới và lễ lại mặt. Để tổ chức lễ ăn hỏi, người Mông thường chọn ngày Hợi, ngày Tuất hoặc ngày Thìn. Đoàn đi ăn hỏi chỉ có 3 người, thường đi vào buổi chiều tối. Đi đầu là ông mối, tay cầm sáo vầu, tiếp đến là chú rể và sau cùng là phù rể. Ông mối được chọn cho lễ ăn hỏi thường là người giỏi giao tiếp, có tài hát đối đáp, đặc biệt phải biết thổi sáo vầu để thổi bài sáo xin mở cửa vào nhà, xin treo ô…

Khi đoàn ăn hỏi đến trước cửa chính của nhà cô gái, ông mối lấy sáo ra thổi 3 hồi sáo báo hiệu để nhà gái ra mở cửa cho đoàn vào nhà. Bố cô gái ra mở cửa mời đoàn nhà trai vào, đoàn nhà trai được gia đình nhà gái mời ngồi ở bên bếp lửa chính của gia đình.

Sau khi nghe ông mối trình bày xong lý do, bố cô gái sẽ hỏi ý kiến con gái mình. Nếu con gái đồng ý, thì nhà gái sẽ dọn cơm, mỗi người phải ăn một bát cơm thật đầy thể hiện tấm chân tình. Nếu cô gái không đồng ý, mẹ cô gái sẽ rót 3 bát rượu và lạy trả nhà trai 3 lạy, đoàn ăn hỏi sẽ ngủ lại một đêm, sáng hôm sau được nhà gái đưa đi phát nương hoặc đắp bờ ruộng.

Để tổ chức cho lễ cưới, nhà trai chuẩn bị đồ sính lễ gồm: Thịt, gạo, rượu, 2 đồng bạc trắng hoa xòe để sang nhà gái từ chiều hôm trước. Đoàn đón dâu gồm: Vợ chồng ông mối, chú rể, phù rể, chị hoặc em gái của chú rể, phù dâu, một cặp vợ chồng làm người đón thông gia, một người gùi đồ lễ.

Khi đến nhà gái, ông mối xin phép vào nhà chào bố cô dâu và anh em bên nhà gái. Ông cậu bên nhà gái đại diện đón tiếp đoàn và trực tiếp nhận, kiểm tra lễ vật. Khi đoàn đón dâu vào nhà, ông mối lấy thuốc lào mời anh em bên nhà gái, sau đó rót rượu vào 2 bát to để trình bày lý do xin cưới. Đêm đó, đoàn đón dâu ngủ lại nhà gái, đến 12h 30 phút trưa hôm sau, ông mối làm thủ tục xin đón dâu về. Đoàn đón và đưa dâu đều mặc trang phục truyền thống dân tộc. Đặc biệt cô dâu đầu đội khăn đen dài phủ che kín mặt, khi đi về nhà chồng không được quay mặt nhìn về nhà bố mẹ vì sợ sau này cuộc sống không hạnh phúc. Trên đường về nhà, đoàn đón dâu dừng lại ăn cơm rồi mới đi tiếp.

Sau khi đoàn đón dâu về đến nhà trai, cô dâu được đưa thẳng vào buồng. Đại diện nhà trai đem thuốc lào, nước chè mời đoàn nhà gái, rồi cùng tổ chức tiệc cưới. Đêm đó, hai họ hát đối, giao duyên… và nhà gái ngủ lại một đêm. Sáng sớm hôm sau, nhà trai tặng đùi lợn cho nhà gái mang về. Cùng ngày hôm đó, nhà trai sẽ tổ chức ăn thủ lợn, còn nhà gái mời anh em thân thiết trong dòng họ cùng đến ăn đùi lợn.

Sau khi cưới 3 ngày, cô dâu chú rể sẽ về bên nhà gái để gặp gỡ, lại mặt và nhận đồ, tặng phẩm do nhà gái tặng mang về. 

Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.