Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX : Trải nghiệm văn hóa ẩm thực của người miền Tây

Hồng Diễm - 18:11, 15/04/2022

Tiếp nối sự kiện khánh thành Đền thờ Vua Hùng TP. Cần Thơ, là Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III - Cần Thơ 2022 và Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX , đồng thời được diễn ra tại Quảng trường quận Bình Thủy đã thu hút hàng nghìn du khách từ khắp nơi về tham quan, thưởng thức.

Người dân nô nức tham gia Lễ hội bánh dân gian
Người dân nô nức tham gia Lễ hội bánh dân gian năm 2022

Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX, có quy mô khoảng 200 gian hàng bánh dân gian truyền thống, sản phẩm OCOP, ẩm thực và bánh hiện đại, đặc sản vùng miền,...do các nghệ nhân, nhóm bạn trẻ mang đến, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực, nhất là các loại bánh dân gian truyền thống của Nam Bộ nói chung và ở Cần Thơ nói riêng; Đồng thời, tạo điều kiện khuyến khích sự sáng tạo của nghệ nhân làm bánh dân gian, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để mở rộng thị trường, cũng như góp phần phát triển ngành công nghiệp không khói của vùng đất Tây Đô trong điều kiện bình thường mới.

Nhiều loại bánh truyền thống hấp dẫn thực khách
Nhiều loại bánh truyền thống hấp dẫn thực khách

Tham gia sự kiện nhiều nghệ nhân không giấu được niềm vui. Tại gian hàng trưng bày tỉnh An Giang, nghệ nhân Ro Fi Ah, dân tộc Chăm cho biết, bà mang đến Lễ hội hai loại bánh đặc sản của người Chăm là bánh bò nướng và bánh bông lan. Điểm độc đáo của các loại bánh này, là được chế biến bằng nồi đất, trên bếp củi, nắp nồi cũng phải được nung nóng trên lửa trước khi đậy lên khuôn bánh. Do sự cầu kỳ trong cách chế biến nên các loại bánh này đang dần mai một. 

 "Qua Lễ hội, tôi hy vọng thu hút sự hứng thú của các bạn trẻ đối với bánh dân gian nói chung và bánh của dân tộc Chăm nói riêng”, nghệ nhân Ro Fi Ah chia sẻ.

Trở về Việt Nam sau thời gian dài dịch Covid-19, bạn trẻ Đoàn Thụy Tâm My, đang sinh sống và học tập tại Australia chia sẻ, cô vô cùng thích thú và ấn tượng với nhiều loại bánh đặc sản của các dân tộc mang đến lễ hội. Mỗi loại lại có hương vị, màu sắc, cách thưởng thức độc đáo khác nhau. My cho biết, cô sẽ chụp nhiều ảnh và quay video để giới thiệu đến bạn bè các nước về con người và đất nước Việt Nam.

Trong khuôn khổ lễ hội Ban tổ chức còn tổ chức Hội thi Bánh dân gian năm 2022, với chủ đề “Bánh dân gian Việt Nam - Hội nhập và phát triển”. Hội thi thu hút 31 đơn vị đăng ký tham gia, với 173 nghệ nhân và 97 món bánh, được chế biến từ thực phẩm ngũ cốc, rau, củ, quả, đến từ các địa phương: TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Sóc Trăng và Cần Thơ.

Du khách tham gia trải nghiệm, thưởng thức các món bánh dân gian của đồng bào Nam Bộ
Du khách tham gia trải nghiệm, thưởng thức các món bánh dân gian của đồng bào Nam Bộ

Ông Trương Công Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, Kỳ vọng của Ban tổ chức về sự kiện lần này, là dịp để các tổ chức, hiệp hội, làng nghề, nghệ nhân làm bánh dân gian có cơ hội giới thiệu sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để mở rộng thị trường; từng bước xây dựng thương hiệu bánh dân gian, trở thành thương hiệu quốc gia để quảng bá đến nhiều nước trên thế giới. Qua đó, nâng cao giá trị gia tăng của các loại bánh dân gian truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.

Không chỉ trong không gian hội bánh, các làng nghề bánh dân gian cũng đẩy mạnh liên kết với các công ty du lịch dã ngoại trong và ngoài thành phố để xây dựng các tour. Cụ thể, tại một số điểm du lịch nhà vườn, du lịch sinh thái, làng nghề nên có chương trình mời du khách tham quan, trải nghiệm, thử làm và thưởng thức bánh dân gian cùng nghệ nhân.

Để góp phần phong phú thêm cho Lễ hội Bánh dân gian lần này, nghệ nhân Bảy Muôn (một nghệ nhân làm bánh dân gian nổi tiếng ở Cần Thơ) cũng như các nghệ nhân khác tại Cồn Sơn đã chuẩn bị “đồ nghề” gia truyền, từ cối xay bột đến khuôn làm bánh để du khách có thể xem và thực hiện hoạt động trải nghiệm làm bánh tại chỗ. 

"Tất cả các loại bánh như bánh kẹp cuốn, bánh lá mít,… ở đây đều được nghệ nhân làm thủ công và sử dụng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên có sẵn tại nhà và địa phương. Rất nhiều du khách có mặt tỏ ra thích thú, khi lần đầu tiên tự tay được xay bột bằng cối đá, đổ bánh", nghệ nhân Bảy Muôn chia sẻ.

Du khách tham gia trải nghiệm làm bánh tại các điểm du lịch
Du khách tham gia trải nghiệm làm bánh tại các điểm du lịch

Chị Thái Yến Linh, du khách đến từ Đồng Tháp, vừa cho bột vào khuôn bánh kẹp, vừa phấn khởi nói: Thật thú vị, đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm làm bánh kẹp. Sau chuyến du lịch, tôi sẽ có nhiều chuyện để kể cho người thân, bạn bè của mình biết và mong rằng họ sẽ có dịp đến đây để trải nghiệm những nét văn hóa của người miền Tây.

Điều khiến du khách bất ngờ, có lẽ chính là sự tỉ mỉ của nghệ nhân trong từng động tác để rê ra từng miếng bánh hỏi có hình mặt võng. Và khi chính du khách là những người được trải nghiệm và thưởng thức hương vị tuyệt vời của món bánh.

Anh Nguyễn Văn Thiết, du khách đến từ Thanh Hóa thích thú nói: Trước giờ tôi chỉ mua hoặc có người khác làm cho ăn chưa từng trải nghiệm hoạt động này nên cảm thấy rất thú vị, hi vọng lần sau khi về Cần Thơ tôi sẽ có thể trải nghiệm làm thêm nhiều loại bánh hơn nữa.

Được biết, ở Cần Thơ, không chỉ có địa chỉ quen thuộc Cồn Sơn là nơi dừng chân trải nghiệm làm bánh dân gian của khách du lịch, khoảng 10 năm nay, nhà vườn sinh thái – lò bánh hỏi mặt võng Út Dzách ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, cũng là một trong những điểm tham quan, trải nghiệm làm bánh dân gian của TP. Cần Thơ được khá nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.

Tin cùng chuyên mục
Gia đình 7 đời làm nghề chạm bạc trên cao nguyên đá

Gia đình 7 đời làm nghề chạm bạc trên cao nguyên đá

Trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), thôn Lao Xa, xã Sủng Là là cái nôi của nghề chạm bạc truyền thống của người Mông. Đã từ rất lâu, không chỉ riêng người Mông, mà bất cứ ai muốn mua được một món đồ trang sức bằng bạc ưng ý, đều lên đường đến Lao Xa…