Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lễ hội đền Hoàng Lục năm 2024 sẽ diễn ra ngày 6/4

Thanh Thuận - 07:47, 03/04/2024

Lễ hội đền Hoàng Lục năm 2024 sẽ được tổ chức ngày 6/4 (tức ngày 28/2 năm Giáp Thìn) tại đền Hoàng Lục, xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng.

Màn rước lễ tại Lễ hội Đền Hoàng Lục. Ảnh Nông Hậu
Màn rước lễ tại Lễ hội Đền Hoàng Lục. Ảnh Nông Hậu

Tướng quân Hoàng Lục là một tù trưởng người dân tộc Tày, sinh vào thế kỷ XI tại vùng Lũng Đính, châu Thượng Lang (nay là xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng). Là người tài giỏi, am hiểu sử sách, tinh thông binh pháp, 18 tuổi ông đã được cử làm thổ tù cai quản một vùng, được người dân kính trọng. Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ hai, thực hiện kế sách “Tiên phát chế nhân” của Lý Thường Kiệt, tướng Hoàng Lục đem quân đánh vào đất Tống, đột phá nhiều thành trì, đập tan các căn cứ hậu cần phục vụ cuộc chiến xâm lược Đại Việt của giặc. Khi quân Tống tiến vào nước ta, với lối đánh du kích táo bạo, đội quân do ông chỉ huy đã đánh phá phía sau và gây tổn hao nhiều sinh lực địch, góp phần vào chiến thắng chung của cả dân tộc.

Với công lao to lớn đó, ông đã được triều đình phong là An Biên tướng quân và giao trấn giữ một dải biên ải rộng lớn từ Cao Bằng đến tận Lạng Sơn ngày nay. Để ghi nhớ công lao của vị tướng trấn giữ biên cương, khi ông mất, nhân dân đã lập đền thờ ông ngay tại quê hương Lũng Đính.

Năm 2004, đền Hoàng Lục được tỉnh Cao Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Nhiều năm qua, ngôi đền vẫn thu hút được du khách muôn phương đến cầu lộc, cầu tài, cầu bình an.

Lễ hội đền Hoàng Lục được tổ chức vào ngày 28/2 âm lịch hàng năm, người dân mổ lợn, dâng rượu, xôi.. cúng lễ, cầu phúc lộc, cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống người dân yên lành.

Lễ hội là dịp tri ân các bậc tiền bối có công với dân, với nước, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, đồng thời thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.