Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Lòng người nơi biên viễn: Giữ đường biên, cột mốc - việc không của riêng ai (Bài 1)

Hiếu-Hồng, Hường-Tiến - 15:39, 02/12/2021

Nhiều năm qua, trên dọc tuyến biên giới đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cùng chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang chung sức, đồng lòng xây dựng một dải biên cương ngày càng vững vàng, phát triển. Từ hoạt động kết nghĩa, giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, giao lưu giữ gìn bản sắc văn hoá giữa Nhân dân và chính quyền hai bên biên giới, đã góp phần thay đổi đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, giữ gìn an ninh biên giới, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị . Báo Dân tộc và Phát triển khởi đăng loạt bài " Lòng người nơi biên viễn" hầu mong đem đến cho bạn đọc những thông tin về một miền biên viễn dẫu gian lao nhưng luôn thẫm đẫm tình người, tình yêu quê hương, đất nước.

Các cấp chính quyền địa phương huyện Trùng Khánh thăm hỏi động viên cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Chung phòng, chống dịch Covid-19
Các cấp chính quyền địa phương huyện Trùng Khánh thăm hỏi động viên cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Chung phòng, chống dịch Covid-19

Cùng với các chiến sĩ, chính quyền địa phương, các tổ chức chức chính trị xã hội, những năm qua đồng bào các dân tộc tích cực bảo vệ đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh quốc gia. Họ làm việc ấy như một nhiệm vụ tự thân, tận tâm, tận lực, một lòng, một dạ hướng vì Tổ quốc thân yêu.

Về nơi tiên phong trong phong trào toàn dân bảo vệ cột mốc

Chiều cuối tháng 11/2021, trong cái lạnh của mùa Đông tràn về, chúng tôi có mặt tại nơi ghi dấu ấn đầu tiên của phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc”, đó là dải biên cương thuộc huyện Quảng Hòa (Cao Bằng).

Ông Ma Văn Vinh, Trưởng xóm Nà Trào, xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa tự hào nói, nhắc đến phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc” phải nhắc đến vị “tiền bối” - già làng Luân Văn Thành.

Sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, không ít hộ gia đình ở Nà Trào lần lượt rời quê hương, tìm nơi khác sinh sống. Khi đó, gia đình ông Thành là một trong số ít hộ còn ở lại, nhưng không khỏi trăn trở, băn khoăn. Ngày ngày đi dưới chân núi Pho Luông, Ái Nhì, nhìn đồng ruộng bỏ hoang, dòng suối Bản Phân vắng bóng người, lòng ông như thắt lại. Nà Trào là nơi ông cất tiếng khóc chào đời, nơi ông lớn lên, gắn liền như máu thịt. Do vậy, ông đã tự nhủ dù khó khăn, vất vả thế nào cũng không bao giờ rời bỏ mảnh đất này.

Vậy là từ năm 1979 đến năm 1990, ông Thành tự nguyện tham gia Đội Dân quân tự vệ xã, tích cực phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng vận động Nhân dân, làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biên giới. Ông có khả năng nhớ rất nhanh và rõ ràng các điểm tọa độ trên địa bàn núi cao hoang vắng, nhiều rừng rậm, thuộc độ nông, sâu của từng con suối. Vì vậy, ông luôn được tin cậy, chọn là người dẫn đường trong các cuộc tuần tra, tăng cường xuống bản, hay tham gia trinh sát cùng bộ đội.

Giờ đây, khi tuổi cao sức yếu, ông Thành không thể đi trực tiếp đến từng cột mốc, thì con cháu trong dònghọ của ông, cùng các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, lại tiếpnối phối hợp với lực lượng Biên phòng và chính quyền địa phương thực hiện tuần tra đường biên cột mốc.

Già Làng Ngọc Văn Khôi cùng lực lượng chức năng kiểm tra mốc giới
Già Làng Ngọc Văn Khôi cùng lực lượng chức năng kiểm tra mốc giới

Lan tỏa tới các vùng biên

Nói về ý tưởng hình thành chương trình toàn dân bảo vệ đường biên, cột mốc, Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, những năm 1994 - 1997, ông là Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng (Đơn vị quản lý khu vực biên giới ở Nà Trào). Khi ấy, ông rất xúc động chứng kiến người dân tự nguyện, tận tâm tận lưc bảo về đường biên mốc giới.

Những việc làm này đã gợi mở cho ông ý tưởng về việc, tổ chức một phong trào thu hút Nhân dân cùng tham gia bảo vệ vùng biên. Vậy là phong trào đã bắt đầu được hình thành từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng rồi lan dần ra toàn tỉnh Cao Bằng và sau này là vùng biên trên toàn quốc.

Từ năm 2015 đến nay, ở các vùng biên giới đã thành lập và duy trì 1.513 Tổ tự quản/53.543 hộ gia đình và 96.079 cá nhân tham gia tự quản 4.201 km đường biên, 3.160 mốc quốc giới, 111 công trình biên giới. Nhân dân đã tham gia tuần tra, kiểm soát 34.778 đợt/69.214 lượt người, phát quang đường biên, đường tuần tra biên giới 10.761 buổi/90.060 ngày công. Qua tuần tra, tổ công tác đã phát hiện, đấu tranh ngăn chặn 91 vụ việc/991 đối tượng vi phạm chủ quyền lãnh thổ, 106 vụ/433 đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia; thu giữ 2.825 trang tài liệu phản động”.

Thiếu tướng Phùng Quốc TuấnPhó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Hôm nay, có dịp đến thăm thôn Bản Mon, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, chúng tôi đã chứng kiến người dân vẫn tận tụy với công việc thiêng liêng bảo vệ đường biên cột mốc.

Ông Ngọc Văn Thạnh, 59 tuổi, dân tộc Tày, thôn Bản Mon chia sẻ, đất của gia đình ông nằm ở biên giới, nên bản thân ông coi việc bảo vệ đất đai của tổ tiên cũng chính là bảo vệ lãnh thổ quốc gia.

Vì vậy, từ năm 2001 đến nay, từ khi tham gia Hội Cựu chiến binh xã Đàm Thủy, rồi sau này là Người có uy tín, bản thân ông Thạnh thường xuyên túc trực canh giữ đường mòn lối mở. Hằng quý, ông đều cùng Mặt trận Tổ quốc xã, các đoàn thể và Nhân dân trong thôn phát quang đường biên mốc giới.

Không những vậy, ông còn trực tiếp yêu cầu người con trai út của mình là anh Ngọc Văn Khôi (23 tuổi) phải ở lại cùng ông trông coi đất đai của tổ tiên. Anh Khôi hiện nay cũng đang là dân quân của xã, thường xuyên cùng cha canh giữ đường mòn lối mở tại địa phương.

Ông Trần Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy cho biết, thực hiện Chương trình Bảo đảm an ninh biên giới, từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ huy quân sự xã cắt cử lực lượng Dân quân phối hợp với Bộ đội Biên phòng trực chốt chặn 24/24 giờ các đường mòn, lối mở qua địa bàn.

Từ đầu năm đến nay, UBND xã đã huy động được 415 lượt người là cán bộ, Nhân dân trong xã tuần tra các đường mòn, lối mở và các mốc từ Mốc 816 đến 830. Qua tuần tra, tổ công tác đã phát hiện 4 vụ với 14 đối tượng đưa đón người xuất, nhập cảnh trái phép; phát hiện 7 vụ/59 công dân Việt nam (trong đó có 1 trẻ em gái) nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam qua khu vực Mốc 820, 822 đưa đi cách ly theo đúng quy định; phát hiện 2 vụ với 15 công dân Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, đã bàn giao cho Công an tỉnh; ngăn chặn 1 vụ với 16 công dân Việt Nam có ý định xuất cảnh trái phép, đã bàn giao cho Công an tỉnh và đưa đi cách ly theo đúng quy định.

Có thể nói, từ Nà Trào, “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc” đã trở thành một phong trào tự nguyện, tự giác của toàn thể Nhân dân, các đoàn thể chính trị xã hội ở các địaphương vùng biên giới của đất nước. Họ đã thực sự trở thành những “cột mốc sống” giữ vững bình yên cho Tổ quốc. Đây là những đóng góp hết sức thiết thực,cụ thể của đồng bào các dân tộc sinh sống trên miền biên viễn, luôn xứng đángđược ghi nhận, biểu dương và trân trọng.

Tin cùng chuyên mục