Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau: Nền tảng để thích ứng với già hóa dân số

Nguyễn Thị Tư - 15:30, 11/09/2020

Ở nước ta, Người cao tuổi (NCT) luôn được Đảng và Nhà nước cũng như toàn xã hội dành sự quan tâm đặc biệt. Việt Nam cũng là một trong rất ít quốc gia trên thế giới đưa vấn đề chăm sóc, phát huy vai trò của NCT thành luật, tạo điều kiện cho NCT cũng như các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội ngày càng làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc NCT.

CLB dưỡng sinh của NCT xã Bản Hon (Tam Đường, Lai Châu) sinh hoạt đều đặn, thu hút đông đảo NCT tham gia.
CLB dưỡng sinh của NCT xã Bản Hon (Tam Đường, Lai Châu) sinh hoạt đều đặn, thu hút đông đảo NCT tham gia.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ già hóa dân số  của Việt Nam hiện nằm trong nhóm nhanh nhất thế giới. Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019, số lượng NCT nước ta tăng nhanh từ 7,67 triệu năm 2009 lên 11,4 triệu năm 2019 (chiếm 11,86%). Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ NCT nước ta đạt 16,66% vào năm 2029 và 26,10% vào năm 2049 và dự báo đến năm 2030 cứ 6 người dân thì có hơn 1 NCT.

Là tổ chức xã hội, hoạt động trong phạm vi cả nước, trong lĩnh vực NCT theo quy định của pháp luật, từ khi thành lập và đi vào hoạt động tới nay, Hội NCT đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc, phát huy và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NCT trong cả nước. Một trong những chính sách góp phần quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên là Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau (theo Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 2/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ).

Qua thực tiễn triển khai thực hiện Đề án, Trung ương Hội NCT Việt Nam là cơ quan thường trực chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra giám sát thực hiện Đề án. Báo cáo tổng kết thực hiện Đề án của 6 bộ, ngành và 58 địa phương, càng khẳng định CLB Liên thế hệ tự giúp nhau là một chính sách đúng đắn, nhân văn, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cộng đồng, đặc biệt hàng trăm nghìn NCT có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, cải thiện về kinh tế, sức khỏe, tinh thần, góp phần làm tốt công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT tại cộng đồng. Đồng thời tạo điều kiện để NCT tiếp tục đóng góp cho cộng đồng và sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Hiệu quả rất lớn của CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đã giúp cho rất nhiều NCT có hoàn cảnh khó khăn nhận được sự giúp đỡ từ những người thuộc thế hệ trẻ, từ cộng đồng, giải quyết các nhu cầu an sinh xã hội tại cơ sở, góp phần làm tốt công tác chăm sóc NCT đã được luật định. Tính đến hết tháng 7/2020, đã có 58/63 tỉnh/thành phố có Đề án với gần 3.000 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau được duy trì và thành lập mới.

Năm 2020 là năm kết thúc giai đoạn 5 năm thực hiện Đề án, Trung ương Hội NCT Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương đánh giá cụ thể kết quả đạt được theo các tiêu chí, chỉ tiêu của Đề án triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời xây dựng Đề án Nhân rộng CLB Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đúng dịp Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám thành công (Quyết định số 1336/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ).

Mục tiêu và các chỉ tiêu cơ bản của Đề án CLB Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025, có ít nhất 95% các tỉnh/thành phố trong cả nước có CLB Liên thế hệ tự giúp nhau; có thêm ít nhất 3.000 CLB mới được xây dựng với 150.000 thành viên, trong đó có hơn 100.000 là NCT. Chú trọng việc nhân rộng CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đối với các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động và quản lý 100% CLB liên thế hệ tự giúp nhau đã thành lập giai đoạn 2016 - 2020 và các CLB mới được thành lập.

Tin cùng chuyên mục