Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Mô hình nuôi lợn rừng giúp đồng bào DTTS ở Quảng Trị thoát nghèo bền vững

Khánh Ngân - 10:45, 04/11/2022

Nắm bắt được nhu cầu cao của thị trường về lợn rừng thương phẩm, nhiều phụ nữ Bru- Vân Kiều; người Chứt ở tỉnh Quảng Bình đã đưa lợn rừng về nuôi. Chính mô hình này đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mô hình nuôi lợn rừng đã giúp gia đình chị Hồ Thị Xăm người Bru- Vân Kiều ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình) thoát nghèo bền vững
Mô hình nuôi lợn rừng đã giúp gia đình chị Hồ Thị Xăm người Bru- Vân Kiều ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình) thoát nghèo bền vững

Mạnh dạn đi đầu

Nhiều năm trở về trước, cuộc sống của gia đình chị Hồ Thị Xăm ở bản Cây Cà xã vùng cao Trường Sơn thuộc vào diện đói nghèo. Cũng như nhiều hộ gia đình người Bru- Vân Kiều khác, gia đình chị cũng chỉ làm rẫy và trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Quyết tâm thoát nghèo, chị Xăm không ngừng tìm tòi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm của những người đi trước để tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù vùng đồi núi Trường Sơn.

Nhận thấy, nhu cầu tiêu thụ lợn rừng ngày càng cao, chị Xăm đã mạnh dạn vay vốn xây dựng mô hình nuôi lợn rừng lai F1. Khởi nghiệp với vốn liếng ít và chưa có kinh nghiệm, chị Xăm chỉ dám mua 3 con lợn giống về nuôi thử nghiệm. Để có thể tiết kiệm tối đa chi phí, vợ chồng chị tự tay làm chuồng trại, tận dụng các loại rau, lá cây quanh nhà để làm thức ăn cho lợn.

Từ 3 con lợn giống ban đầu, đến nay, chị đã mở rộng quy mô chuồng trại lên 60 con. Mỗi năm, gia đình chị xuất bán 10-15 con lợn rừng thương phẩm (giá bán 4,5-5 triệu đồng/con), 10-15 con lợn giống (giá bán 2,5 triệu đồng/con) cho thu nhập ổn định hơn 70 triệu đồng/năm.

Thành công từ nuôi lợn rừng, có vốn tích lũy gia đình chị Xăm đã nuôi thêm 8 con trâu, bò và trồng hơn 1.000 cây gỗ sưa. Hầu như quanh năm, gia đình chị đều có nguồn thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt.Từ một hộ nghèo, nhờ tìm ra hướng phát triển kinh tế đúng cùng với sự chăm chỉ trong lao động, gia định chị Xăm trở thành một trong những hộ điển hình thoát nghèo bền vững của xã. Cuộc sống của gia đình chị ngày càng ổn định, con cái có điều kiện học hành đầy đủ.

Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, chị Hồ Thị Xăm còn chia sẻ kinh nghiệm nuôi lợn rừng của mình cho nhiều chị em phụ nữ khác để cùng họ phát triển kinh tế gia đình, xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp.

Hiện toàn xã Hóa Sơn có 50 mô hình nuôi lợn rừng số lượng lớn
Hiện toàn xã Hóa Sơn có 50 mô hình nuôi lợn rừng số lượng lớn

Vật nuôi chủ lực để thoát nghèo

Ngược ra hướng Bắc theo đường mòn Hồ Chí Minh, phóng viên có mặt tại xã Hóa Sơn (Minh Hóa, Quảng Bình), nơi có đến 76% dân số ở đây là đồng bào Chứt sinh sống. Ở đây, lợn rừng đã trở thành vật nuôi chủ lực giúp nhiều hộ đồng bào thoát nghèo bền vững.

Từ Nghị quyết về phát triển chăn nuôi của Đảng ủy xã, trong đó xác định lợn rừng là vật nuôi chủ lực. Cùng với đó, những chính sách như hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ thuật nuôi lợn rừng… Đặc biệt chính sách liên quan đến đồng bào DTTS như Chương trình 135; Chương trình 30a đã hỗ trợ giống lợn rừng cho đồng bào về nuôi với mục đích phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, số lượng lợn rừng, số hộ tham gia nuôi lợn rừng ở xã Hóa Sơn ngày càng được phát triển. Lợn rừng đã trở thành con chủ lực xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS ở địa phương.

Chuyện bắt đầu vào năm 2015, Đảng ủy xã Hóa Sơn ban hành Nghị Quyết về phát triển chăn nuôi. Cùng với đó những chính sách hỗ trợ nhằm giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, thời kỳ đầu đồng bào chưa mặn mà với nuôi lợn rừng. Sau 3 năm kiên trì thực hiện Nghị Quyết, đến năm 2018 phong trào phát triển mô hình nuôi lợn rừng mới phát triển rầm rộ ở Hóa Sơn.

Ở thời điểm hiện tại, xã miền núi Hóa Sơn có 50 hộ gia đình nuôi lợn rừng có quy mô từ 30- 50 con. Trong đó có nhiều mô hình của người đồng bào DTTS như gia đình anh Đinh Minh Lưu, dân tộc Chứt nuôi 50 con lợn rừng; Đinh Minh Thân, dân tộc Chứt nuôi 50 con lợn rừng, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Nhóm quy mô hộ gia đình nuôi 10-15 con hay 5-7 con thì rất nhiều. Nhờ tận dụng được quỹ đất thả lợn, sẵn nguồn thức ăn tại chỗ nên hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Từ mô hình nuôi lợn rừng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ người Chứt ở Hóa Sơn vươn lên trở thành hộ khá.

 Với quy mô nuôi 50 con lợn rừng, gia đình anh Đinh Minh Thân người Chứt ở xã Hóa Sơn (Minh Hóa, Quảng Bình) có thu nhập trên 100 triệu đồng năm
Với quy mô nuôi 50 con lợn rừng, gia đình anh Đinh Minh Thân người Chứt ở xã Hóa Sơn (Minh Hóa, Quảng Bình) có thu nhập trên 100 triệu đồng năm

Anh Đinh Minh Thân chia sẻ: “3 năm trước, tôi được xã hỗ trợ giống lợn rừng cộng với việc vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa nên đã đầu tư trang trại nuôi lợn rừng. Đến nay, tổng đàn lợn rừng của tôi hơn 50 con, mỗi năm thu lãi từ việc bán lợn rừng đạt hơn 100 triệu đồng".

Để phát triển hơn nữa mô hình nuôi lợn rừng, chính quyền xã Hóa Sơn đã mở thêm nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi lợn rừng cho đồng bào. Cùng với đó, những chính sách khuyến nông giúp đồng bào phát triển chăn nuôi vẫn tiếp tục được thực hiện. Lợn rừng đã trở thành con chủ lực giúp đồng bào thoát nghèo bền vững.

Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, ông Đinh Hồng Tuyên Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn (Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết: Lợn rừng đã trở thành con vật nuôi chủ lực giúp đồng bào DTTS ở địa phương thoát nghèo bền vững. Trung bình mỗi năm số hộ nghèo ở địa phương giảm trên 10%, điều đáng vui là số hộ khá tăng lên nhanh.

Từ mạnh dạn đi đầu, thay đổi cách nghĩ, cách làm mà nhiều hộ gia đình người đồng bào DTTS ở Quảng Bình đã thoát nghèo bền vững. Cùng với những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và sự cần mẫn lao động, nhiều hộ gia đình người đồng bào DTTS ở Quảng Bình đã có cuộc sống ấm no, đây chính là tiền đề thực hiện đạt mục tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tin cùng chuyên mục
Giữ được rừng không ai khác chính là Nhân dân

Giữ được rừng không ai khác chính là Nhân dân

Giữ được rừng, không ai khác, chính là Nhân dân. Những cánh rừng được bảo vệ tốt, chỉ khi nào lợi ích của kinh tế rừng gắn liền với đời sống của mỗi hộ gia đình. Đó là những gì mà chúng tôi đã ghi nhận được ở tỉnh miền núi cực Bắc Hà Giang đã ngút ngàn màu xanh của rừng...