Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Mồ mả “mọc” trước nhà dân

Việt Thắng – Khánh An - 09:18, 31/08/2022

Mộ cũ, mộ mới thi nhau “mọc” cạnh nhà dân, làm cho bà con hết sức khổ sở. Có người còn vần vè để “tố khổ” về tình trạng trên: “Có nơi nào như đất quê ta/Cửa nhà chen lấn với mồ ma”. Đó là tình cảnh ở xóm 1 và xóm 2, xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương (Nghệ An).

Ngôi mộ mới chôn cất ngay trước nhà dân, rạp còn chưa tháo dỡ
Ngôi mộ mới chôn cất ngay trước nhà dân, rạp còn chưa tháo dỡ

Muốn bán nhà đi chỗ khác

Khoảng vào năm 1987, một số hộ dân làm nhà trên khu đất thuộc xóm 1 và 2, xã Thanh Lương. Lúc bấy giờ, khu vực này có một số ngôi mộ cũ nên bà con cũng yên tâm để sinh sống. Mấy năm lại nay, ngoài một số ngôi mộ cũ nói trên, người ta tiếp tục chôn người chết ở ngay giữa xóm, thậm chí có nhiều gia đình, dòng họ còn xây nghĩa trang kiên cố luôn. Nhìn những ngôi mộ vừa mới chôn được vài ba ngày sát ngay nhà dân, chúng tôi không khỏi ái ngại cho vấn đề môi trường và sức khoẻ của bà con.

Chỉ vào ngôi mộ vừa chôn được 2 ngày, ông Nguyễn Văn Huỳnh ở xóm 2, xã Thanh Lương cho biết: “Họ vừa chôn cất hôm qua, rạp che mộ chưa dỡ vì còn làm lễ cúng 3 ngày. Nhà có khách đường xa, tôi giải thích về những ngôi mộ vừa mới chôn sát ngay cạnh nhà mình, không ai tin đó là sự thật. Có những người đến chơi một lần rồi không bao giờ dám trở lại đây nữa”.

Không chỉ có ông Huỳnh, nhiều bà con cũng “tố” rằng, mới đây, một người trong xóm qua đời, gia đình cũng chọn chỗ này đề an táng. Bà con phản ứng dữ lắm, thậm chí báo với cả chính quyền để can thiệp. Lãnh đạo xã có về, có giải thích nhưng cuối cùng thì việc chôn cất vẫn cứ diễn ra ngay sát nhà dân.

Do ngôi mộ vừa mới chôn nằm ngay trước nhà, không còn cách nào khác, ông Huỳnh phải khoá cửa cổng, lấy bạt nilon chắn lại, rồi mở lối khác để làm đường ra vào. Vẫn chưa hết kinh hãi, ông Huỳnh xây kín luôn tường bao phía trước để khỏi “mở mắt ra là nhìn thấy mồ ma”.

“Chúng tôi phải chịu khổ sở như thế này từ nhiều năm rồi nhưng xã không có cách gì giải quyết. Năm nào cũng có vài người chết chôn cất ở đây, mộ mới mọc sát trước nhà khiến cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn. Nhà nào có con mới sinh, đều phải đi ở nhờ nhà người thân một vài tháng mới dám đưa về. Khổ nhất là những người bị bệnh phải kiêng tử khí, cứ phải trốn biệt ở trong nhà không dám ra cổng”, ông Huỳnh thở dài.

Xung quanh nhà dân mộ “mọc” san sát
Xung quanh nhà dân mộ “mọc” san sát

Tiếp lời con trai, bà Nguyễn Thị Đàn, đã ở tuổi gần đất xa trời, nói: Nhà tui có 7 đứa con, may cho 5 đứa khác là đã “thoát” được xóm này, giờ còn 2 đứa đang phải ở đây. Bà rơm rớm: “Tui đã nhiều lần bàn với con bán nhà để đi nơi khác sống, nhưng nào ai dám mua nhà ở đây. Người chết chôn ở ngay đó, mình vẫn phải múc nước giếng ở ngay đây để dùng. Khổ nhất là con nít mới đẻ, vừa hơi hám, vừa nguy hại vì nguồn nước”.

Kế bên là nhà ông Nguyễn Sỹ Sơn. Ông cho hay, năm 1987, ông lên đây dựng nhà. Lúc đó chỉ có một ít ngôi mộ lác đác, nhiều năm sau do khu nghĩa trang chính của làng hết chỗ nên người chôn người chết ngay ở khu vực này, sát ngay cạnh nhà dân, dù chúng tôi đã nhiều lần phản đối quyết liệt.

Ông Sơn nói trong bực bội: “Phần mộ cũ thì chúng tôi chấp nhận, nhưng chôn người chết ngay trong khu dân cư đông đúc thế này, thì không thể chấp nhận. Ô nhiễm môi trường, sức khoẻ chúng tôi bị ảnh hưởng, ai chịu trách nhiệm. Chúng tôi cũng hiểu về quy chuẩn nghĩa trang, theo đó hung táng phải cách tường nhà dân tối thiểu là 500 m, nhưng ở đây chỉ có… 3m.

Cũng theo ông Sơn, nhiều năm về trước, xã thông báo sẽ quy hoạch khu nghĩa trang mới, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Ông cũng thông tin về sự đắt đỏ của đất nghĩa trang ở đây: “Khu nghĩa trang chính của xóm, hễ có một phần mộ cất bốc thì lập tức có người mua ngay, giá không hề rẻ chút nào, từ 5 đến 10 triệu đồng”.

Người ta còn xây luôn cả nghĩa trang dòng họ ngay giữa khu dân cư
Người ta còn xây luôn cả nghĩa trang dòng họ ngay giữa khu dân cư

Nghĩa trang vẫn đang chờ…

Chủ tịch UBND xã Thanh Lương, ông Nguyễn Doãn Sơn, thừa nhận xã đang thiếu nghĩa trang đủ tiêu chuẩn, và đó đang là nỗi bức xúc của Nhân dân. Việc vận động thân nhân của người quá cố không chôn cất giữa khu dân cư cũng rất khó vì gia đình cho rằng không còn nơi nào để chôn cất nữa.

Cũng theo ông Sơn, do quỹ đất của xã quá ít nên việc quy hoạch để xây dựng nghĩa trang gặp rất nhiều khó khăn. Và hiện nay, chúng tôi đang làm thủ tục để quy hoạch vùng nghĩa trang mới, cũng gần đây thôi. Khu đất này trước đây đã được phê duyệt để làm nghĩa trang liệt sỹ, nhưng ở đó lại đang có một số ngôi mộ cũ rất khó giải toả nên xã dự kiến chuyển nghĩa trang liệt sỹ đến địa điểm khác, chỗ này sẽ xây nghĩa trang Nhân dân. Cũng do khó khăn về quỹ đất, về kinh phí nên việc quy hoạch xây dựng nghĩa trang chậm, gây nên bức xúc trong quần chúng nhân dân. Cuối cùng ông Sơn khẳng định: “Xã cố gắng đẩy nhanh tiến độ, làm xong quy hoạch để sớm trình huyện Thanh Chương phê duyệt. Lúc đó chắc chắn sẽ không còn tình trạng chôn cất trong khu dân cư như hiện nay”.

Tin cùng chuyên mục
Phân bổ số tiền 948 tỷ đồng đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra

Phân bổ số tiền 948 tỷ đồng đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra

Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Vận động Cứu trợ Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3, đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra.