Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Một đêm ở điểm hẹn Nàng Màn

Thanh Hải - 07:35, 19/04/2024

Tôi đã gặp ở Con Cuông những đêm hội rượu cần chếnh choáng men say. Tôi cũng đã gặp ở Con Cuông những đêm giã bạn bên ánh lửa nồng nàn trong mắt, cuốn hút và mời mọc… Đêm nay, tôi cũng đã bắt gặp lại những điều như thế và còn hơn thế ở “Điểm hẹn Nàng Màn”.

Ghé thăm Thẳm Nàng Màn không thể không trải nghiệm những phong tục truyền thống như làm vía, buộc chỉ tay cầu may mắn,.. của đồng bào Thái
Ghé thăm Thẳm Nàng Màn không thể không trải nghiệm những phong tục truyền thống như làm vía, buộc chỉ tay cầu may mắn,.. của đồng bào Thái

 Tôi đã đi qua cung đường độc đạo từ Bồng Khê, qua Yên Khê, vào Lục Dạ, Môn Sơn, với nhiều di tích, danh thắng, địa chỉ du lịch nổi tiếng của huyện Con Cuông (Nghệ An), như Khe Rạn, bản Nưa, bản Pha, đền Cửa Lũy, nhà cụ Vi Văn Khang, thác Khe Kèm, suối nước Mọc, hang Thẳm Màn, bản Xiềng, Đập Phà Lài… đầy cuốn hút và mời mọc. Trong chuyến công tác về lại Môn Sơn, tôi đã chú ý nhiều hơn với những gì mình đã đi qua, bắt đầu từ bản Pha.

Đây là bản nằm đầu đất Yên Khê, có điểm du lịch cộng đồng, sau các bản Nưa xã Yên Khê, bản Xiềng xã Môn Sơn và bản Khe Rạn xã Bồng Khê. Dù “sinh sau đẻ muộn”, nhưng lợi thế du lịch cộng đồng ở bản Pha lại đầy hấp dẫn, mê hoặc.

Từ lâu, những vườn cam lúc lỉu ở bản Pha do tổ chức Jica (Nhật Bản) hỗ trợ xây dựng đã là điểm đến cuốn hút tren hành trình trải nghiệm của du khách. Du khách đến với bản Pha có thể thỏa thích tham quan, chụp ảnh và ăn trái trong vườn cam. 

Ngoài xây dựng mô hình cam sinh thái, những trái cam còn được lựa chọn để người dân chế biến thêm các sản phẩm từ cam: tinh dầu đốt, tinh dầu treo xe, xà phòng cam, rượu hương cam, mứt vỏ cam..., góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của địa phương, rất được ưa chuộng.

Sau khi sinh con, nàng Màn ôm con đứng hướng về phía cửa hang, nhìn ra bản làng với niềm khát khao...
Truyền thuyết kể rằng, sau khi sinh con, nàng Màn ôm con đứng hướng về phía cửa hang, nhìn ra bản làng với niềm khát khao...

Nhưng cuốn hút và mời mọc hơn thảy, vẫn là điểm dừng chân tại Thẳm Nàng Màn. Ở đây có căn nhà sàn được dựng lên theo phong cách cổ, được bài trí thành các gian hàng giới thiệu và bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương như thổ cẩm, rượu men lá, cam Con Cuông, dược liệu, mây tre đan, tre mét mỹ nghệ và các nông sản, ẩm thực của đồng bào Thái.

 Và trên hành trình dừng chân ở Thẳm Nàng Màn, tôi đã có cơ may được hòa mình trong “Điểm hẹn Nàng Màn” - một hoạt động được tổ chức hàng tuần của người dân địa phương. Để rồi, cứ thế uống cạn vào lòng những chung rượu sóng sánh, những lời thủ thỉ về câu chuyện nhuốm màu liêu trai của Nàng Màn.

Xưa kia, nàng là con một gia đình giàu có nhất vùng, lại đẹp người đẹp nết, múa đẹp, hát hay. Lớn lên, nàng có nhiều người giàu có tìm đến dạm hỏi, nhưng nàng chỉ đem lòng yêu thương chàng trai nghèo cùng bản. Mối tình ấy bị ngăn cấm vì lý do không môn đăng hộ đối. Bị cấm đoán nhưng đôi trẻ vẫn tìm cách để hẹn hò, trao duyên, rồi nàng có thai. Theo lệ của bản, nàng bị giam vào một cái hang có hình thù xấu xí để tự lo việc sinh nở.

Cảm thương với nỗi éo le, bất hạnh của đôi trẻ, Ngọc Hoàng sai các tiên nữ xuống hạ giới sắp xếp, bài trí lại cảnh vật trong hang thật đẹp để nàng được sinh nở mẹ tròn, con vuông. Sau khi sinh con, nàng ôm con đứng hướng về phía cửa hang, nhìn ra bản làng với niềm khát khao được trở về cuộc sống bản làng, bên người mình yêu thương. Cho đến một ngày, mẹ con nàng hóa đá…

Việc UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng Thẳm Nàng Màn là di tích, danh thắng cấp tỉnh ngày 28/12/2017 như thêm một cái cớ để níu khách phương xa trên bước đường hành hương về với Con Cuông
Việc UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng Thẳm Nàng Màn là di tích, danh thắng cấp tỉnh ngày 28/12/2017 như thêm một cái cớ để níu khách phương xa trên bước đường hành hương về với Con Cuông

Tưởng nhớ nàng, trân trọng mối tình đẹp đẽ nhưng đầy bi kịch của nàng, bản mường đã đặt tên cho hang đá nơi nàng từng bị giam hãm là Thẳm Nàng Màn. Chẳng biết tự bao giờ, đồng bào Thái nơi đây đã xem Thẳm Nàng Màn là một điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của mọi người dân. Họ cũng tin rằng các chàng trai, cô gái yêu nhau đến cầu may, cầu tình duyên, mong hạnh phúc bên nhau sẽ được linh hồn của mẹ con nàng phù hộ.

Cùng với đó, thì vị trí địa lý của Thẳm Nàng Màn rất đẹp, bên trong có những khối thạch nhũ kỹ vĩ… ngoảnh mặt ra cánh đồng bản Pha bốn mùa lúa ngô biêng biếc… đã trở thành điểm dừng chân khó cưỡng trên hành trình trải nghiệm miền Tây xứ Nghệ.

Việc UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng Thẳm Nàng Màn là di tích, danh thắng cấp tỉnh ngày 28/12/2017, như thêm một cái cớ để níu khách phương xa trên bước đường hành hương về với Con Cuông. Nhưng cũng là hành lang pháp lý để bảo vệ cho Thẳm Nàng Màn được vẹn nguyên như thuở sơ khai.

“Điểm hẹn Nàng Màn” đã vượt núi rừng Con Cuông, để thành tour du lịch trải nghiệm, thành điểm hẹn của văn hóa văn nghệ, của cồng chiêng, khắc luống, rượu cần… Còn tôi, thì cũng đã có một đêm với Nàng Màn, không thể mĩ mãn hơn.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.