Chương trình bao gồm 3 phần chính, lần lượt có tên gọi: Hát Ả đào, Talkshow “Tinh hoa văn hóa ca trù” và Hát thơ.
Ở phần đầu tiên, khán giả được tìm hiểu tổng quan về nghệ thuật ca trù, thưởng thức những tác phẩm kinh điển đến từ các ca nương ưu tú như: Ca nương Nguyễn Thúy Hòa, ca nương Đinh Thị Vân và ca nương Nguyễn Thu Thảo.
Bên cạnh việc biểu diễn, Talkshow với chủ đề “Tinh hoa văn hóa ca trù” do MC Trịnh Lê Anh dẫn dắt, với sự tham gia của các diễn giả: Nhà nghiên cứu, Ts. Nguyễn Đức Mậu; Nghệ nhân Dân gian, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Khuê; ca nương Nguyễn Thúy Hòa đem lại cho khán giả cái nhìn sâu sắc về việc gìn giữ và phát triển ca trù.
Nhắc đến vấn đề lưu giữ ca trù trong giai đoạn hiện nay, nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê - hậu duệ của dòng tộc họ Nguyễn có 7 đời làm nghề và truyền nghề diễn ca trù cho biết: “Hiện ca trù có 70 làn điệu, hơn 100 các thể cách. Dù đã xuất hiện từ rất lâu nhưng đến nay ca trù vẫn là một điều bí ẩn đối với tất cả nhà nghiên cứu, với nhiều điều cần phải tìm hiểu”.
Nói về việc bảo tồn ca trù trong đời sống đương đại, Nhà nghiên cứu, Ts. Nguyễn Đức Mậu nhấn mạnh: “Câu chuyện bảo tồn đã đặt ra từ lâu, từ hồi đổi mới đã có một số câu lạc bộ thơ được hình thành. Rất nhiều người nghĩ nên đưa vào nhà trường để học sinh tiếp cận, cũng có ý kiến cho rằng đấy là sự áp đặt với học sinh bởi hiện nay có quá nhiều loại hình truyền thống. Tôi cho rằng, muốn bảo tồn nghệ thuật ca trù, các nơi có truyền thống ca trù như Lỗ Khuê, Cổ Đại nên tạo điều kiện cho họ nuôi dưỡng các thế hệ sống bằng niềm vui của văn nghệ. Từ đó, mới nuôi dưỡng được nghệ thuật ca trù”.
Ca nương Nguyễn Thúy Hòa chia sẻ: “Để bảo tồn ca trù, không cần số lượng quá nhiều. Bởi bây giờ có nhiều thứ để giải trí, tiếp cận nhiều thú vui khác và ca trù chỉ là một trong những cái đó thôi. Giờ mình làm rộng ra, thì chất lượng lại không tốt. Để diễn được ca trù rất khó, đó không chỉ là câu hát thông thường, mà mỗi ca nương cần có sự hiểu biết về văn học, lịch sử. Ngoài ra, vẫn phải giữ được mái đình, không gian cửa đình, đầu tư vào những điểm đó để cho những ca nương được sống bằng chính nghề, không phải lo làm những nghề khác, thì việc bảo tồn nghệ thuật ca trù sẽ thành công”.
Tại phần cuối sự kiện, khán giả được giao lưu, trò chuyện với các ca nương, quan viên và kép đàn - 3 nhân vật “cộm cán” trong một buổi biểu diễn ca trù. Không chỉ vậy, khán giả còn được trực tiếp sáng tác văn - thơ để các ca nương biểu diễn thành lời ca.
Trong không gian đậm chất cổ xưa của Hội quán Phúc Kiến, khán giả còn được tham gia Workshop “Tìm về ký ức dân gian”, được trải nghiệm mặc thử trang phục truyền thống như áo dài, Việt phục... và thưởng trà trong không gian truyền thống Bắc Bộ.
Ngoài ra, khách tham dự cũng được quay về thời thơ ấu, với trò chơi ô ăn quan, chơi chuyền và lưu giữ những tấm ảnh bên gian hàng trưng bày về bộ môn nghệ thuật ca trù.
“Vọng khúc Ca trù” đem đến cho khán giả một đêm diễn mãn nhãn về cả thính giác lẫn thị giác. Tại đây, khán giả được tham gia vào hành trình ngược dòng thời gian, khám phá những giá trị văn hóa độc đáo của ca trù. Đến với sự kiện khán giả, được thưởng thức những điệu hát đậm chất “xưa” tưởng chừng đã đi vào quên lãng qua phần trình diễn của các ca nương chuyên nghiệp cùng lễ mở xiêm y truyền thống - một nét đặc sắc riêng chỉ ca trù mới có.
Ca trù là một loại hình nghê thuật có từ lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc Việt Nam và được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại näm 2009.
Sau gần 15 nåm vượt qua khó khăn, thể hiện sức sống mạnh mẽ, nghệ thuật ca trù dần được hồi sinh, thu hút sự quan tâm của khán giả từ nhiều độ tuổi.
Tuy nhiên hiện nay sự hồi sinh mới chỉ còn trong phạm vi các giáo phường tổ chức biểu diễn thiếu vắng những chương trình kết nối với các khán giả đưa đến cái nhìn rõ nét hơn về ca trù.