Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Mùa du lịch ở “vương quốc vải thiều”

Nguyễn Hưởng - 15:18, 30/06/2023

Phát triển du lịch mùa vải trên đất Lục Ngạn (Bắc Giang) đã được thực hiện từ nhiều năm trước. Từ nền tảng đó, năm nay với cách làm bài bản, đa dạng và nhiều nét mới đã tạo sự hấp dẫn, sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Những thành công trong việc xây dựng, phát triển Tour du lịch mùa vải thiều sẽ góp phần quan trọng để huyện khai thác hiệu quả tiềm năng, nâng giá trị quả vải.

Vườn vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Vườn vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu

Nhiều sáng tạo

Mùa thu hoạch vải thiều đang bước vào chính vụ. Những ngày này lên Lục Ngạn, ai cũng cảm thấy choáng ngợp bởi không gian tràn ngập màu vải chín đỏ trên những vườn đồi. Với chủ đề “Lục Ngạn mùa vải chín”, địa phương kỳ vọng sẽ đón khoảng 100.000 lượt khách, tạo ra điểm nhấn trong phát triển du lịch. Trong đó trọng tâm là tổ chức các Tour du lịch trải nghiệm vườn vải kết hợp tham quan hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, chùa Am Vãi, suối và núi rừng vùng cao.

Năm nay, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm phối hợp với HTX Sản xuất nông nghiệp du lịch sinh thái Giáp Sơn (gọi tắt là HTX Giáp Sơn) tổ chức Tour du lịch vườn vải thiều GlobalGAP. Tham gia Tour, du khách được tham quan vườn vải rộng 2 ha và nhiều nhà vườn lân cận để tìm hiểu quy trình sản xuất, trải nghiệm hái vải chín tại vườn, check in, mua vải làm quà biếu. Trước đó, vào mùa vải nở hoa, đơn vị lữ hành này đã đưa khách ở Hà Nội tới đây trải nghiệm, dựng lều cắm trại dưới tán cây, Check-in cùng hoa vải thiều. Có 14 cây vải đã được mua với giá hơn 10 triệu đồng/cây để khi vải chín, du khách sẽ lên thu hoạch.

Chị Trương Thị Bẩy - Giám đốc HTX Giáp Sơn cho hay: “HTX có hơn 2 ha trồng theo quy trình GlobalGAP với sản lượng khoảng 30 tấn. Dịp này, Tour du lịch vải thiều sẽ càng hấp dẫn khi vườn vải trĩu trịt những chùm quả chín đỏ, du khách thoải mái thu hoạch, thưởng thức. Để tạo không gian mát mẻ, thư thái cho du khách thoải mái dạo chơi trong vườn, đơn vị lữ hành đã hỗ trợ HTX xây dựng các chòi nghỉ chân, bàn ghế và lắp đặt dàn phun sương chạy quanh vườn”.

Người dân Lục Ngạn thu hoạch vải thiều.
Người dân Lục Ngạn thu hoạch vải thiều.

Theo Tour du lịch được thiết kế, chỉ với 100.000 đồng khi mua vé trực tiếp tại vườn, du khách có thể tham gia trải nghiệm vườn vải, tự do ăn vải thỏa thích, tham quan, trải nghiệm những hoạt động thú vị và Check-in nhiều điểm đẹp. Ngoài ra còn có Tour trải nghiệm hái vải ban đêm với giá 500.000 đồng, du khách sẽ được ăn “Buffet vải”, ăn tối cùng các bác nông dân và nghỉ qua đêm tại nhà dân; tham gia cuộc thi ảnh “Đại sứ vải thiều” với nhiều phần thưởng hấp dẫn…

Nhà vườn, HTX chủ động vào vụ

Trên địa bàn huyện Lục Ngạn hiện có gần 20 HTX kinh doanh dịch vụ du lịch. Trước mùa vải chín, huyện đã khảo sát, lựa chọn những điểm du lịch, HTX, nhà vườn có cảnh đẹp, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, chủ nhà thân thiện, nhiệt tình… để thiết kế vào tuyến Tour. Các xã có nhiều nhà vườn đẹp được lựa chọn như: Thanh Hải, Quý Sơn, Tân Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp, Nam Dương, Trù Hựu, Phượng Sơn…

Thời điểm này các HTX có tiếng đã hoàn thiện nhiều hạng mục cơ sở vật chất đón tiếp khách và đang tích cực quảng bá, liên kết với các nhà vườn, công ty lữ hành đưa khách đến. Chị Phương Thị Lý, Phó Giám đốc HTX Du lịch tổng hợp Sơn Hải nói: “Chúng tôi đã chủ động xây dựng lịch trình tham quan của khách, tổ chức quay Clip, chụp ảnh đăng bài lên mạng xã hội và đã nhận được nhiều hợp đồng phục vụ cả khách trong và ngoài tỉnh. Theo đó, sau khi tham quan, trải nghiệm vườn vải tại xã Thanh Hải, mọi người sẽ di chuyển bằng thuyền ra đảo nổi trên hồ Cấm Sơn để ăn nghỉ tại đây với các món ăn dân dã như cá hồ, gà đồi, thịt nướng, canh chua... Một số đơn vị lữ hành cũng như đoàn khách lẻ đã đăng ký sử dụng dịch vụ của chúng tôi”.

Du khách tham quan vườn vải thiều tại xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn.
Du khách tham quan vườn vải thiều tại xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn

Nâng giá trị quả vải, tăng thu nhập

Ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Năm nay lần đầu tiên địa phương tổ chức chương trình du lịch “Lục Ngạn mùa vải chín” tại điểm du lịch Bầu Tiên (xã Quý Sơn) với nhiều hoạt động mới như: Tổ chức thi hái, bó và đóng vải, chế biến, trưng bày các sản phẩm, món ăn, đồ uống từ vải, kết hợp trưng bày các sản phẩm đặc trưng để du khách tham quan, thưởng thức. Cơ quan chức năng của huyện đã thành lập các tổ hướng dẫn viên, thuyết minh viên để giới thiệu đến khách du lịch…

Dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cũng đã chủ động thông tin, kết nối với các đơn vị lữ hành đưa khách đến trải nghiệm các Tour du lịch tham quan vườn vải.

Lục Ngạn là “vựa” cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, trong đó vải thiều là cây chủ lực có thương hiệu từ lâu. Năm 2023 diện tích vải thiều toàn huyện là hơn 17.000 ha, sản lượng khoảng 98.000 tấn. Hiện nay, phần lớn người dân Lục Ngạn chăm sóc cây vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP”.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.