Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Mùa Xuân nơi thượng nguồn sông Đà

Hoài Dương - 14:14, 29/01/2020

Xã Ka Lăng, huyện Mường Tè (Lai Châu) là nơi con sông Đà chảy vào đất Việt. Ở nơi địa đầu Tổ quốc này, suốt nhiều năm qua các chiến sĩ mang quân hàm xanh luôn sát cánh cùng đồng bào Hà Nhì, La Hủ đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ấm no, giữ yên mảnh đất biên cương. Để từ đó, người dân và chiến sĩ nơi đây luôn cảm nhận được sự ấm áp, bình yên mỗi khi mùa Xuân về…

Cán bộ chiến sĩ tham gia gói bánh chưng cùng dân. (ảnh tư liệu)
Cán bộ chiến sĩ tham gia gói bánh chưng cùng dân. (ảnh tư liệu)

Từ TP. Lai Châu, vượt quãng đường gần 300km là tới Ka Lăng. Vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc những ngày cuối năm như khoác lên mình một chiếc áo mới. Dọc theo những con đường vào các bản gần, bản xa ở Ka Lăng, từng thảm cúc quỳ nở vàng rực rỡ, ẩn hiện phía sau là những cánh rừng xanh thẳm.

Đón chúng tôi tại Đồn Biên phòng Ka Lăng, Trung tá Lương Xuân Hà, Đồn trưởng cùng các chiến sĩ của Đồn đã chờ sẵn với một tình cảm nồng ấm. Theo lời Trung tá Hà, Ka Lăng là xã biên giới thuộc diện xa xôi nhất của tỉnh Lai Châu, có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống. Trước đây, nghe đến Ka Lăng, người ta thường dùng đến những cụm từ như “hãi hùng Ka Lăng”, “xa tít Ka Lăng”… bởi đường vào xã biên giới này cực kỳ hiểm trở.

Nhưng nay, Ka Lăng đã “thay da đổi thịt”, đường ô tô đã vào tận trung tâm xã, sóng điện thoại di động đã được bao phủ thuận lợi cho liên lạc; hệ thống giáo dục từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông; trạm y tế chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân… đều được đầu tư xây dựng. Đây là lý do Ka Lăng ngày càng có nhiều du khách quan tâm đến thăm thường xuyên hơn.

Trung tá Hà chia sẻ, ngoài việc quản lý, bảo vệ đường biên dài gần 30km thuộc địa bàn hai xã Tá Bạ và Ka Lăng, Đồn Biên phòng Ka Lăng xác định giúp dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng của đơn vị. Do đó, cán bộ chiến sĩ ở đây đã sống cùng với cuộc sống của bà con. Mùa trồng trọt thì lên nương cùng bà con trồng ngô, hướng dẫn bà con cách phòng trừ sâu bệnh lúa, mùa thu hoạch thì cùng bà con đi gặt lúa, bẻ ngô…

Để gần gũi, chia sẻ cùng người dân, các chiến sĩ đã thực hiện tốt phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương). Chưa biết tiếng của bà con thì phải học, học từng câu, từng chữ; cách học cũng đa dạng, vừa học trong lúc “cùng ăn”, “cùng ở”, “cùng làm” với bà con, vừa học từ đồng đội là người địa phương.

“Các chiến sĩ đều rất tích cực học tiếng, tích lũy vốn từ vựng. Học từ bữa cơm, từ trong sinh hoạt hằng ngày. Mình ăn cơm, uống nước, hỏi ăn cơm là gì, uống nước là gì, … cứ thế bà con dạy mình”, Trung úy Sừng Phi Hùng, dân tộc Hà Nhì, Đội trưởng đội vũ trang - Đồn BP Ka Lăng cho biết.

Đặc biệt, để giúp dân có thể tự mình phát triển kinh tế, Đồn cũng đã triển khai mô hình trồng ngô lai với diện tích 2ha để bà con thăm quan, học hỏi. Hiện đã có hơn 80% hộ dân xã Ka Lăng và gần 40% hộ xã Tá Bạ học tập và làm theo. Bên cạnh đó, Đồn cũng đang trực tiếp chăm sóc 2 em học sinh ở xã Tá Bạ theo chương trình “Nâng bước chân em tới trường”,…

Mùa Xuân nơi thượng nguồn sông Đà 1

Theo chân Đồn trưởng Lương Xuân Hà vào Trạm Biên phòng Kẻng Mỏ cách Đồn hơn 30km. Trên đường đi, Trung tá Lương Xuân Hà chia sẻ Trạm Biên phòng Kẻng Mỏ có 5 cán bộ, chiến sĩ, trong đó lớn tuổi nhất sinh năm 1972, ít tuổi nhất là sinh năm 2000. Hiện nay, địa bàn Trạm Kẻng Mỏ vẫn chưa có sóng điện thoại, nên những lá thư tay vẫn là cầu nối yêu thương giữa các cán bộ, chiến sĩ với gia đình.

Chiến sĩ Sừng Phí Hừ, ở bản Gò Khà, xã Thu Lũm (Mường Tè) là người trẻ nhất Trạm. Hừ mới nhập ngũ được gần một năm nên đây là Tết xa nhà đầu tiên. Hừ tâm sự rất thật: “Em nhớ nhà, nhớ bữa cơm gia đình ngày Tết, nhớ bạn bè. Nhưng vì nhiệm vụ đảm bảo bình yên cho bà con vùng biên đón Tết an toàn, vui vẻ… em không thấy vất vả nữa mà còn rất tự hào với nhiệm vụ quan trọng này”.

Cũng là một trong những chiến sĩ được phân công trực Tết tại Trạm Biên phòng Kẻng Mỏ, Tết Canh Tý này là năm thứ hai Binh nhất Mè Văn Nhất, sinh năm 1999, quê ở Than Uyên (Lai Châu) được phân công trực Tết ở Trạm. Nhất bảo, đến giờ em vẫn nhớ như in cảm giác vừa vui, vừa buồn vào thời khắc đất trời chuyển giao trong cái Tết năm trước. “Lúc đó em đã buồn vì nhớ nhà, nhớ người thân nhưng khi có dân bản cùng lãnh đạo địa phương đến chúc Tết, được thăm hỏi, quan tâm, động viên em lại cảm thấy rất vui, hạnh phúc và quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”.

Chia sẻ với nỗi niềm của các chiến sĩ trẻ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ka Lăng Lương Xuân Hà cho biết thêm: Trong những ngày Tết Nguyên đán, cán bộ, chiến sĩ luôn thường trực 24/24 giờ, bám sát địa bàn để nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý những diễn biến phát sinh ngay từ cơ sở.

Ngoài ra, đơn vị cũng cử lực lượng vận động quần chúng về các bản làm công tác bám nắm địa bàn, ăn Tết cùng với đồng bào. Do điều kiện kinh tế của đồng bào còn khó khăn, nên trước khi lên đường, các tổ công tác cũng đã chuẩn bị đầy đủ các món ăn như: bánh chưng, thịt lợn, bánh mứt kẹo... để về chung vui với bà con.

Chia tay Ka Lăng trong chiều muộn, chúng tôi mang về xuôi niềm tin về sự đổi thay nhanh chóng nơi mảnh đất biên viễn này. Ở Ka Lăng, dẫu còn đó những khó khăn nhưng với sự đoàn kết, vượt mọi khó khăn, các chiến sĩ mang quân hàm xanh vẫn đang ngày đêm bám dân, bám bản cùng đồng bào các dân tộc dựng xây một cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc...

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.