Một ngày đầu Xuân, chúng tôi tới thăm Đồn Biên phòng Mường Khương, được nghe cán bộ, chiến sỹ kể về những chuyến tuần tra, đường biên, cột mốc nơi đây. Do điều kiện kinh tế của bà con vùng giáp biên giới rất khó khăn, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, mỗi năm chỉ có một vụ ngô và một vụ lúa nên tình trạng bà con vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Khi màn đêm buông xuống, sương mù giăng kín lối cũng là lúc các đồng chí trong Đội Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) lại chuẩn bị lên đường tuần tra, ngăn chặn tình trạng vận chuyển hàng hóa, xuất nhập cảnh trái phép, giữ gìn an ninh trật tự biên giới....
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Triệu Trung Kiên, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Khương cho biết: “Năm 2018 có 209 công dân vượt biên trái phép không có giấy tờ sang bên kia biên giới nhưng năm nay anh em trong Đội PCMT&TP tích cực tuyên truyền để bà con hiểu rõ và thực hiện theo pháp luật. Cuối năm 2019 số lượng bà con vượt biên trái phép chỉ còn 90 người. Đây là một trong những thành công của Đội chúng tôi”.
Với giọng nói trầm ấm, đôi mắt sáng và sự chân thành trong từng lời nói, anh trăn trở: “Chủ yếu người lao động vượt biên trái phép qua biên giới do nhu cầu công ăn việc làm nhưng cũng có một số người do ít hiểu biết về pháp luật bị những thành phần xấu rủ rê, lừa bịp về công việc có thu nhập cao ở bên kia biên giới mà họ không lường được những rủi ro sẽ gặp phải như: bị chủ bóc lột sức lao động, bị đánh đập, nợ lương hoặc có khi không trả … khi bị bắt thực sự rất thương bà con ”.
Tôi chia sẻ ý định viết bài về những người chiến sỹ thầm lặng, anh cười bảo: “Nhiệm vụ của bọn anh không dễ nhìn thấy và không phải lúc nào cũng thành công. Công việc vất vả, khó khăn, khó chia sẻ nhưng còn nhiều người, nhiều ngành còn vất vả hơn em ạ”. Tôi hiểu sự khiêm tốn ấy và luôn khâm phục các cán bộ chiến sỹ của Đồn biên phòng Mường Khương nói riêng và các chiến sỹ biên phòng nói chung. Theo chân các anh trong một buổi tuần tra, mật phục để tận mắt chứng kiến, thấu hiểu hết sự vất vả, gian khổ của cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm “căng mình” bảo vệ biên giới.
Một giờ đêm, sau khi Thiếu tá Triệu Trung Kiên, Phó Đồn trưởng, Đội trưởng Đội tuần tra quán triệt xong nhiệm vụ, chúng tôi nhanh chóng rời khỏi đồn. Con đường dẫn vào nơi mật phục ngổn ngang đất đá, từng đoạn quanh co, đường trơn và rất nhỏ. Chúng tôi khom người, dò dẫm từng bước, chỉ có tiếng lạo xạo của lớp cỏ dưới chân. Tôi có cảm giác mình như một đứa trẻ lẫm chẫm tập đi, có lúc tưởng như có thể ngã nhào bất cứ lúc nào. Vậy mà, anh em trong Đội cứ thoăn thoắt đôi chân tiến thẳng về phía trước, các anh như thuộc lòng từng gốc cây, rãnh nước. Đi gần một tiếng thì đến nơi, anh em nhanh chóng triển khai đội hình theo kế hoạch bố trí từ trước. Tôi thắc mắc: “Hôm nào các anh em cũng đi vào đây như này ạ?”. Thượng úy Nguyễn Thành Tin, Đội trưởng Đội Trinh sát nói nhỏ: “Tùy vào kế hoạch và địa hình thực tế mà mỗi lần Đội sẽ phục kích ở một địa điểm khác nhau, nhưng quan trọng nhất là đảm bảo được thời gian đón đầu những nhóm người vận chuyển hàng hóa qua biên giới và xuất nhập cảnh trái phép....”
Vừa dứt lời, phát hiện đối tượng có hành vi xuất cảnh trái phép, các đồng chí sử dụng ám hiệu quy định từ trước triển khai đội hình. Khi đối tượng đi sâu vào vùng phục kích, đồng chí Đội trưởng ra hiệu lệnh cho đối tượng dừng lại. Sau khi kiểm tra giấy tờ tùy thân và thăm hỏi biết các đối tượng này muốn vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Đồng chí Đội trưởng đã giải thích cho các đối tượng hiểu rõ hoạt động xuất cảnh trái phép sang biên giới lao động là hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời yêu cầu họ quay trở về.
Đại úy Vũ Ngọc Anh, Đội trưởng Đội PCMT&TP chia sẻ: “Công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý với hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép gặp rất nhiều khó khăn. Cần tuyên truyền, ngăn chặn, răn đe và yêu cầu họ trở về địa phương”.
Kết thúc buổi tuần tra, các anh trở về khi thị trấn vẫn chìm trong giấc ngủ, trên con đường mòn vắng lặng vẫn in dấu chân của những chiến sỹ Biên phòng đang làm nhiệm vụ, các anh không ngủ để cho phố huyện bình yên đón Xuân.