Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Mường Lát (Thanh Hóa): Sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới vẫn chưa có xã về đích

Quỳnh Trâm - 08:22, 20/02/2023

Là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Thanh Hóa, sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới (NTM), đến nay huyện Mường Lát vẫn chưa có một xã nào về đích NTM. Bên cạnh đó, nhiều xã lại bị tụt tiêu chí sau khi rà soát áp dụng Bộ tiêu chí mới ban hành năm 2022.

Năm 2023 xã Quang Chiểu đặt ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và hoàn thành xây dựng 4 bản NTM
Xã Quang Chiểu đang đặt ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và hoàn thành xây dựng 4 bản NTM

Xuất phát điểm thấp

Huyện Mường Lát có 7 xã và 1 thị trấn, trong đó hơn 90% là đồng bào DTTS, chủ yếu là người dân tộc Mông, Mường, Thái... Thời điểm bắt tay vào xây dựng NTM hơn 10 năm trước, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mường Lát chiếm tới 65,4% và 14% hộ cận nghèo. Bình quân số tiêu chí NTM của huyện bấy giờ mới chỉ đạt 2,5 tiêu chí/xã, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của tỉnh. Trong khi, nhiều địa phương việc triển khai xây dựng NTM được nhìn nhận là một “cú hích” thúc đẩy sự phát triển, thì với huyện Mường Lát, việc hoàn thành các tiêu chí luôn là bài toán khó.

Minh chứng ở xã Mường Chanh, 1 trong 2 xã, được huyện Mường Lát đặt ra mục tiêu phấn đấu “cán đích” NTM trong giai đoạn 2021 - 2025. Đây cũng là xã vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm (tháng 9/2011). Hơn 10 năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và các nguồn vốn hỗ trợ khác, xã đã được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách, trong đó, xã được xây dựng mới nhiều hạng mục công trình quan trọng như công sở, điện, đường, trường, trạm y tế, nhà văn hóa...

Xã Mường Chanh, một trong 2 xã được huyện Mường Lát đặt ra mục tiêu phấn đấu “cán đích” xây dựng NTM trong giai đoạn 2021-2025
Mường Chanh là 1 trong 2 xã được huyện Mường Lát đặt ra mục tiêu phấn đấu “cán đích” xây dựng NTM trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế mục tiêu này rất khó đạt được nếu không có sự quyết tâm, dồn lực

Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Nhân - Chủ tịch UBND xã, đến nay kết quả xây dựng NTM của xã mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí. Những tiêu chí còn lại để hoàn thành như giao thông, hộ nghèo, cơ sở vật chất văn hóa, trường học... với Mường Chanh là vô cùng khó khăn, không chỉ đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, mà việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân luôn là bài toán chưa có lời giải.

Cũng theo ông Nhân, toàn xã có gần 4.000 dân, trong đó tỷ lệ dân trong độ tuổi lao động chiếm hơn 60% nhưng trên địa bàn lại chưa có một doanh nghiệp, cơ sở ngành nghề nào để thu hút nguồn lao động trên, dẫn tới nguồn lực này chủ yếu là làm nông nghiệp, lao động thời vụ, thu nhập thấp.

Khó lại chồng khó

Bên cạnh đó, mặc dù kinh tế địa phương chủ yếu dựa vào nông nghiệp để phát triển sản xuất, nhưng quỹ đất nông nghiệp lại thiếu, phần lớn là đất lâm nghiệp, đất rừng. Đơn cử như bản Lách, với 55 hộ dân thì gần một nửa là hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào Khơ Mú.

Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, dấu ấn rõ nét nhất với bản này, có lẽ chỉ là con đường bê tông dẫn vào bản. Do thiếu đất sản xuất, số diện tích trồng lúa ít ỏi, chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp nên đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, khi bản này có tới 27 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, đến nay cũng chưa được di dời để ổn định cuộc sống. 

Ngoài ra, nhiều hạng mục công trình được đầu tư còn mang tính chất dàn trải, chưa đồng bộ; thiệt hại từ thiên tai, bão lũ gây ra hàng năm làm ảnh hưởng đến các tiêu chí như, giao thông, hạ tầng cơ sở vật chất... chỉ sau một mùa mưa lũ. 

“Trận bão lũ đầu tháng 9/2018, Mường Chanh từ xã đạt 13 tiêu chí trong xây dựng NTM tụt xuống còn 9 tiêu chí. Với mục tiêu đến năm 2024, bản Lách sẽ về đích NTM xem ra còn là câu chuyện xa vời, nếu như không có giải pháp căn cơ và toàn diện", ông Nhân cho biết.

Tại huyện vùng biên này, riêng tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo đang là bài toán khó đối với địa phương
Tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo đang là bài toán khó đối với các xã ở Mường Lát

Với xã Quang Chiểu, xã đang đạt 6 tiêu chí (năm 2021) nhưng qua rà soát theo bộ tiêu chí xây dựng NTM, thì tụt xuống còn 5 tiêu chí. Nói về những khó khăn, ông Vi Văn Thứ - Phó Chủ tịch UBND Quang Chiểu cho rằng: Những tiêu chí như điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, nhà ở, thu nhập, lao động, tỷ lệ hộ nghèo, y tế, đòi hỏi nguồn vốn lớn. 

Đặc biệt,  tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo đang là bài toán khó đối với địa phương. Mặc dù được xem là xã có phong trào xuất khẩu lao động  khá sôi nổi, nhưng con số này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, nhưng nông nghiệp  thiếu ổn định do địa hình chia cắt, ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ nên mức thu nhập rất thấp.

Cần sự thay đổi đồng bộ

Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, bình quân số tiêu chí ở Mường Lát chỉ đạt 6,86 tiêu chí/xã; 17/77 bản được công nhận đạt chuẩn NTM  vào năm 2021. Tuy nhiên, nếu áp theo Bộ tiêu chí mới được ban hành năm 2022, thì số tiêu chí bình quân của huyện chỉ còn 4,86 tiêu chí/xã. Một số xã bị tụt tiêu chí như: Nhi Sơn từ 9/19 tiêu chí năm 2021 còn 5/19 tiêu chí năm 2023; Quang Chiểu từ 6/19 tiêu chí năm 2021 còn 5/19 tiêu chí năm 2023; Tam Chung từ 7/19 tiêu chí năm 2021 còn 4/19 tiêu chí năm 2023...

Ông Hà Văn Ca - Bí thư Huyện ủy Mường Lát, cho biết: Mặc dù huyện đang thụ hưởng nhiều chính sách ưu tiên đầu tư của Nhà nước. Nguồn lực này là động lực để địa phương phát triển, song để có được xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, cũng như không còn xã dưới 15 tiêu chí trong giai đoạn 2021 - 2025, thì cần phải có một “cuộc cách mạng” thay đổi tư duy, nhận thức trong hành động, việc làm từ các cấp lãnh đạo đến người dân, trong đó phải xóa bỏ hoàn toàn tâm lý trông chờ, ỷ lại, phụ thuộc vào chính sách...

Tin cùng chuyên mục
Huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) khánh thành Chợ trung tâm Phja Đén và đón bằng công nhận cây di sản

Huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) khánh thành Chợ trung tâm Phja Đén và đón bằng công nhận cây di sản

UBND huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng vừa tổ chức lễ khánh thành Chợ phiên Phja Đén; công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng về công nhận làng nghề miến dong Phja Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình và đón Bằng công nhận cây di sản Việt Nam.