Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Mường Nhé bình yên

Thiên An - 18:44, 22/02/2021

Huyện Mường Nhé có vị trí quan trọng trong chiến lược an ninh biên giới của tỉnh Điện Biên và quốc gia. Là huyện vùng cao nghèo nhất trong 62 huyện nghèo của cả nước. Huyện có 16 xã đều thuộc diện xã đặc biệt khó khăn, nằm trong Chương trình 135 giai đoạn II. Thế nhưng, Mường Nhé hôm nay đã có nhiều đổi khác, nhờ chính sách dân tộc, sự chung tay của các tổ chức, cơ quan bộ ngành, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và nỗ lực của Nhân dân...

Cán bộ chiến sĩ công an chung tay làm nhà mới cho hộ nghèo
Cán bộ chiến sĩ công an chung tay làm nhà mới cho hộ nghèo

Vừa qua, chúng tôi có dịp đến thăm một số gia đình vừa được nhận nhà trong chương trình hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo tại bản Mường Nhé 2. Thiếu tá Tống Văn Chỉnh, Phó Trưởng Công an huyện Mường Nhé, người dẫn đường thăm bản vui vẻ cho biết: Bản Mường Nhé 2 được thành lập từ Đề án sắp xếp ổn định dân cư phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh huyện Mường Nhé (còn gọi tắt là Đề án 79) với 18 hộ dân và 130 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Qua chuyến đi kiểm tra, khảo sát thực tế cơ sở, thấy nhiều nhà dân bị dột nát, xuống cấp, Công an xã đã hướng dẫn dân làm thủ tục xin được làm nhà mới trong Chương trình hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo do Bộ Công an chủ trì.

Tiếp lời Thiếu tá Tống Văn Chỉnh, Thượng úy Hạng A Tu, người vừa được điều chuyển từ Phòng Điều tra hình sự của huyện về làm Công an xã Mường Nhé cho biết, người dân ở bản Mường Nhé 2 sống khá tình cảm, hàng xóm láng giềng thân thiết và coi nhau như anh em. Như anh Giàng Seo Tỏa, rất chịu khó tham gia các công việc chung của bản;  gia đình anh Tỏa cũng vừa được nhận nhà mới vào cuối năm 2020.

Chia sẻ với khách, anh Giàng Seo Tỏa khoe, nhà mới của anh có khung cột chắc chắn lắm, mái lợp tôn lạnh, vách làm bằng tôn-nhựa nhiều lớp cách nhiệt nên ấm vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè.

“Mình là người Mông ở huyện Bắc Hà, Lào Cai về đây sinh sống. Cuộc sống tuy vất vả nhưng mà vui. Mình được mọi người trong thôn bản quan tâm, chính quyền và công an xã tạo điều kiện, bọn trẻ được chăm lo học hành. Vì thế chả muốn di cư đi đâu nữa, chỉ thích ở đây phát triển kinh tế thôi. Nếu những kẻ xấu có tuyên truyền và kêu gọi lập “Nhà nước dân chủ dân tộc Mông”, mình không tin đâu. Mình cũng đã dặn con cháu, người thân trong gia đình không nghe theo lời xúi giục”, anh Giàng Seo Tỏa cho biết. Người đàn ông dân tộc Mông này còn khẳng định, anh sẵn lòng nói rõ cho bà con trong thôn bản về những cái sai, không đúng của tà đạo ấy.

Cách bản Mường Nhé 2 không xa, là bản Mường Nhé mới. Bản được thành lập năm 2015, trên cơ sở chia tách từ bản Mường Nhé; toàn bản có 140 hộ dân, với hơn 540 nhân khẩu, 5 cộng đồng dân tộc sinh sống.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh căn nhà rộng 36m2 được xây dựng theo thiết kế “3 cứng” gồm nền cứng, mái cứng và tường cứng, chị Lò Thị Quyết cho biết: "Trước đây nhà cũ của tôi làm bằng tre, mái lợp lá. Cứ mưa là cả nhà ngập trong nước, đâu đâu cũng bị dột. Hồi đầu năm, thấy nhà tôi đổ nát quá, con lại nhỏ, các anh công an xã đã tận tình hướng dẫn tôi cách làm đơn và các thủ tục để xin được hỗ trợ làm nhà theo chương trình của Bộ Công an.

Để giúp người dân ổn định cuộc sống, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, UBND huyện Mường Nhé, UBND tỉnh Điện Biên đã chủ trương triển khai cấp hộ khẩu, chứng minh Nhân dân và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đối với những hộ dân di cư từ nhiều năm trước đã có nhà ở và đất canh tác hợp pháp. Đồng thời phát hiện, vận động và kiên quyết đưa về nơi ở cũ đối với số dân di cư ngoài kế hoạch mới vào địa bàn huyện.