Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Na Rì (Bắc Kạn): Tập trung phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng DTTS

Thanh Hoài - 10:20, 30/11/2022

Nhiều năm qua, tỉnh Bắc Kạn tập trung hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, tỉnh hình thành các vùng sản xuất hàng hoá lớn được bao tiêu qua các hợp tác xã (HTX), tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huyện Na Rì (Bắc Kạn) là một ví dụ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa thăm mô hình trồng gừng tại huyện Na Rì
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa thăm mô hình trồng gừng tại huyện Na Rì

Thời gian qua, huyện Na Rì thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, HTX. Nhiều tổ hợp tác (THT) được thành lập mới đã hoạt động tương đối ổn định, được quản lý chặt chẽ từ khâu góp vốn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến nay, trên địa bàn huyện có 105 THT hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, đây là tiền đề để phát triển lên thành HTX.

Ngoài ra, huyện có 42 HTX hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm, chăn nuôi, dược liệu, mộc dân dụng. Các HTX được thành lập có tư cách pháp nhân, hoạt động đúng quy định của Luật HTX năm 2012, nguồn vốn chủ yếu do các thành viên HTX đóng góp. Sau khi thành lập, các HTX đã từng bước khắc phục khó khăn, củng cố tổ chức, nỗ lực đổi mới, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động. Nhiều HTX hoạt động kinh doanh tương đối ổn định, hiệu quả, thực hiện đầy đủ các chính sách về thuế…

Việc thành lập các HTX, THT đã giúp huyện Na Rì giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều người lao động, góp phần giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu như HTX Nông sản an toàn Bình Minh (bản Đâng, xã Hữu Thác) triển khai Dự án liên kết trồng khoai tây trên địa bàn từ năm 2021. Được hợp HTX hỗ trợ đầu tư về giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên người dân phấn khởi tham gia. Bình quân khi thu hoạch, năng suất ước đạt 10 tấn/ha, người dân có thu nhập 60 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Quan trọng nhất là người dân không lo đầu ra cho sản phẩm khi HTX Nông sản an toàn Bình Minh thu mua với giá 6.000 đồng/kg.

Năm 2020, sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan thuộc xã Côn Minh, huyện Na Rì đã vinh dự đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia (Ảnh: Đóng gói miến dong tại Hợp tác xã Tài Hoan)
Năm 2020, sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan thuộc xã Côn Minh, huyện Na Rì đã vinh dự đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia (Ảnh: Đóng gói miến dong tại Hợp tác xã Tài Hoan)

Hay như HTX Tài Hoan thuộc xã Côn Minh chuyên sản xuất miến dong. Được sự hỗ trợ về vốn của Dự án hỗ trợ kinh doanh nông hộ và vốn đầu tư của tỉnh Bắc Kạn, năm 2020, HTX đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng rộng hơn 5.000 m2 để hoàn thiện dây chuyền tráng miến. Ngoài ra, HTX đầu tư xây dựng nhà màng phơi miến, nhà sấy miến cùng nhiều máy móc, thiết bị hiện đại khác để tập trung sản xuất theo phương pháp hiện đại. Nhờ đó, năng suất, chất lượng sản phẩm miến dong Tài Hoan ngày càng được nâng lên. Năm 2020, sản phẩm miến dong của Hợp tác xã (HTX) Tài Hoan đã vinh dự đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia. HTX đã tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động địa phương với thu nhập bình quân đạt trên 6 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, HTX ký hợp đồng bao tiêu 70 ha cây dong riềng, đã tạo việc làm cho gần 500 hộ liên kết bao tiêu củ dong riềng tại địa phương.

Ngoài ra có thể kể tới HTX Bình Minh (xã Trần Phú) chuyên trồng và cung ứng bí xanh; HTX Mía đường Cường Lợi chuyên sản xuất đường phên và mật mía; HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu (xã Văn Lang) chuyên sản xuất trà cà gai leo và trà giảo cổ lam; HTX Miến dong Huấn Liên (xã Côn Minh); Hợp tác xã trồng cây ăn quả, thôn Khuổi Nằn 2, thị trấn Yến Lạc; HTX Trần Phú thuộc xã Trần Phú… Nhờ mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất, chất lượng sản phẩm của các HTX ngày càng được nâng lên, được thị trường trong nước đón nhận và bắt đầu vươn xa ra thị trường quốc tế.

Anh Phan Văn Hữu, Giám đốc HTX HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu (xã Văn Lang) bên vườn cây dược liệu
Anh Phan Văn Hữu, Giám đốc HTX HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu (xã Văn Lang) bên vườn cây dược liệu

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Rì Hoàng Thu Nguyệt cho biết, thời gian qua, huyện thực hiện 4 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, gồm: trồng cây khoai tây, trồng dược liệu, trồng gừng và trồng dong riềng. Kết quả đánh giá các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Đây là định hướng lâu dài, đúng đắn, do vậy, huyện tiếp tục thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Có thể thấy, việc phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Na Rì thời gian qua có những thuận lợi cơ bản và đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế.

Một trong những khó khăn mà HTX của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Na Rì khi là huyện vẫn còn tồn tại hạn chế đó là nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất hiện nay còn rất nhiều trong khi vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của CT135 hiện vẫn còn thấp chỉ bằng giai đoạn 2010-2015; chưa tạo được nhiều đột phá trong việc tạo sinh kế bền vững cho hộ nghèo với đặc điểm sản xuất của từng địa phương. Việc hỗ trợ sản xuất vẫn theo quy mô hộ gia đình, không có mô hình theo chuỗi, theo nhóm sở thích, tổ nhóm. Bên cạnh đó còn một bộ phận người nghèo vẫn mang tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo...

Tuyến đường hoàn thành không chỉ giúp nhân dân đi lại dễ dàng hơn mà còn góp phần quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa, giao thương, nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy nền kinh tế – xã hội địa phương phát triển
Tuyến đường hoàn thành không chỉ giúp nhân dân đi lại dễ dàng hơn mà còn góp phần quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa, giao thương, nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy nền kinh tế – xã hội địa phương phát triển

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về Luật HTX chưa được sâu rộng, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể còn thiếu về số lượng và kỹ năng quản lý kinh tế tập thể còn hạn chế. Đa số các HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp chưa thực sự đổi mới về cách thức tổ chức, quản lý và hoạt động. Một số chính sách lớn của Trung ương, của tỉnh khi triển khai thực hiện các HTX có nhu cầu tiếp cận nhưng không đủ điều kiện tham gia. Phần lớn các HTX có mức đầu tư ban đầu còn thấp, hiệu quả liên doanh, liên kết chưa cao, chưa tổ chức được chuỗi giá trị từ khâu đầu vào đến khâu tiêu thụ sản phẩm, do đó hiệu quả sản xuất còn thấp, chưa có tính bền vững.

Năm 2022, huyện Na Rì tiếp tục tuyên truyền về Luật HTX năm 2012; xây dựng và phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX; cải thiện đời sống cho các thành viên HTX; phát triển thành viên thông qua việc thu hút Nhân dân và các hộ kinh tế cá thể tham gia HTX. Huyện phấn đấu trong năm 2022, thành lập mới 2 HTX, 4 THT; thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt 4 triệu đồng/người/tháng.

Để tháo gỡ khó khăn, giải pháp trước mắt là tập trung nâng cao năng lực hoạt động của của HTX hiện có và thành lập thêm các HTX mới để thực hiện vai trò “bà đỡ” cho đồng bào và thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị ở vùng này.

Đồng thời, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, triển khai kịp thời đồng bộ các chủ trương của Đảng, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể, HTX phát triển. Tiếp tục tư vấn cho các HTX sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy, đào tạo, dồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật, nhằm nâng cao năng suất, nâng cao sức cạnh tranh, tăng thu nhập; tăng cường mối quan hệ hợp tác với các thành phần kinh tế khác. Xây dựng và đúc rút kinh nghiệm để phổ biến, nhân rộng các mô hình điển hình, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới./.

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.