Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Nậm Nhùn (Lai Châu): Bớt nỗi lo cho người dân vùng có nguy cơ cao về thiên tai

Trọng Bảo - 23:11, 21/07/2024

Nậm Nhùn là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu, trên địa bàn thường xuyên xảy ra các sự cố mưa lũ, sạt lở, trượt đất, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của Nhân dân. Trước thực tế này, thời gian qua, huyện đã rất nỗ lực trong việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đối với các điểm bố trí, sắp xếp dân cư nằm trong khu vực có nguy cơ cao về thiên tai nhằm ổn định đời sống người dân.

Hàng trăm hộ dân đã được chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn
Hàng trăm hộ dân đã được chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn

Năm 2022, do khu vực sinh sống cũ nằm trong vùng nguy hiểm, khoảng 100 hộ dân được Nhà nước di chuyển đến nơi ở mới tại bản Nậm Cầy, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu,. Để bảo đảm cuộc sống của người dân, khu vực tái định cư được đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất điện, đường, nước sạch, nhà văn hóa cùng nhiều hạ tầng thiết yếu khác.

“Trước đây, khi còn ở chỗ cũ gia đình tôi và bà con đều rất lo lắng mỗi khi mùa mưa lũ về vì có thể xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào. Từ khi được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng khu tái định cư mới, bà con trong bản ai cũng vui mừng, yên tâm lao động sản xuất để có cuộc sống ấm no hơn”, bà Khoàng Thị Doanh tâm sự.

Đặc biệt, thời gian gần đây, hàng chục hộ dân tại điểm sắp xếp ổn định dân cư bản Nậm Pồ, xã Nậm Manh đang tập trung xây dựng nhà cửa để ổn định cuộc sống. Với quan điểm “điều kiện nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ”, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bà con.

“Khi chuyển về nơi ở mới, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng; về đây được sử dụng nước sạch, đường giao thông đi lại thuận tiện, các con đi học gần nhà… ai cũng vui mừng”, chị Sùng Thị Giàng - một trong những hộ dân đầu tiên chuyển về khu tái định cư Nậm Pồ chia sẻ.

Người dân đang khẩn trường xây dựng nhà cửa để chuyển về khu tái định cư Nậm Pồ, sớm ổn định cuộc sống
Cùng với chính quyền địa phương, người dân đang khẩn trương xây dựng nhà cửa để chuyển về khu tái định cư Nậm Pồ, sớm ổn định cuộc sống

Tháng 6/2023, tỉnh Lai Châu phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình sắp xếp, ổn định dân cư bản Nậm Pồ, xã Nậm Manh và bản Nậm Cười, xã Hua Bum của huyện Nậm Nhùn, với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng từ vốn ngân sách Trung ương. Dự án thực hiện sắp xếp chỗ ở cho 132 hộ trên tổng diện tích đất hơn 22,4ha. Hiện nay, tại hai điểm tái định cư này đã cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng như: Đường giao thông, trường học, nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đã có gần 60 hộ di chuyển đến nơi ở mới.

“Chúng tôi đang khẩn trương hoàn thiện những hạng mục còn lại; đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nhanh chóng đo đạc, giải phóng mặt bằng, bổ sung kinh phí hỗ trợ di chuyển người dân ra khỏi vùng nguy cơ xảy ra thiên tai”, ông Đoàn Văn Chuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng cơ bản huyện Nậm Nhùn cho biết.

Năm 2024, qua rà soát toàn huyện Nậm Nhùn có khoảng 300 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm cần di dời đến nơi ở an toàn. Hiện nay huyện Nậm Nhùn đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng 3 điểm tái định cư tại xã Nậm Hàng, xã Nậm Manh và xã Nậm Pì, với tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng. Dự kiến các điểm tái định cư này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024 để bố trí cho khoảng 250 hộ dân về sinh sống.

“Chúng tôi đã và đang chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã đẩy nhanh tiến độ san gạt mặt bằng, hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt để ổn định đời sống lâu dài cho các hộ dân tái định cư. Qua kiểm tra thực tế, đối với các hộ dân đã chuyển đến nơi ở mới đang có những thay đổi tích cực, tạo nên một sức sống mới ở vùng đồng bào DTTS”, ông Hà Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn nhấn mạnh.

Với sự cố gắng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, hàng trăm hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đã và đang được di chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn, điều kiện tốt hơn. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực vùng sâu, vùng xa, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa lũ.