Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Nạn buôn bán người ở Mù Cang Chải: Nhiều nguy cơ còn đang tiềm ẩn

Hoài Dương - 21:44, 20/04/2020

Thời gian qua, các vụ án liên quan đến tình trạng mua bán người qua biên giới trên địa bàn huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã có xu hướng giảm rõ rệt. Tuy nhiên, tình trạng mua bán người trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp; đặc biệt là nhận thức của người dân về vấn nạn này vẫn còn nhiều hạn chế.

Đối tượng Vừ Thị Pàng (1988) trú tại xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái); Thào Seo Xóa (1991) và Lù Seo Châu (1990), cùng trú tại xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương (Lào Cai) vừa bị khởi tố về hành vi mua bán người vào tháng 3/2020
Đối tượng Vừ Thị Pàng (1988) trú tại xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái); Thào Seo Xóa (1991) và Lù Seo Châu (1990), cùng trú tại xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương (Lào Cai) vừa bị khởi tố về hành vi mua bán người vào tháng 3/2020

Vỡ mộng lòng tin

Tháng 7/2019, do nhu cầu tìm việc làm nên chị Sùng Thị Sua và Sùng Thị Giàng cùng trú tại bản Trống Gầu Bua, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải nhờ chị Vừ Thị Pàng (SN1989) đang làm thuê tại huyện Mường Khương (Lào Cai) giới thiệu việc làm. 

“Do khó khăn về kinh tế, lại mong mỏi có việc làm, nên khi chị Pàng gọi điện về báo đã tìm được công việc phù hợp và hướng dẫn bắt xe khách sang huyện Mường Khương (Lào Cai) để nhận việc, chúng tôi đã tin và làm theo ngay. Sang tới nơi, Pàng lại nói chúng tôi phải sang Trung Quốc mới có việc làm thu nhập cao. Chúng tôi đã đồng ý”, chị Sùng Thị Sua tâm sự. 

Nhưng thực tế không như Sùng Thị Sua nói. Sang Trung Quốc, chị Sua và chị Giàng được giao việc trồng và chăm sóc chuối. Sau hơn 1 tháng làm việc không thấy tiền lương đâu, hai chị đã đến gặp người chủ, lúc này mới biết mình bị bán và phải làm việc không công. 

 “Sang đó làm tôi ăn không được no, tiền công thì không có, công việc thì nặng nhọc làm liên tục từ 7h - 22h. Tôi tìm cách trốn về Việt Nam. Sau nhiều lần thất bại, đến đầu tháng 12/2019 tôi đã trốn thoát được qua đường tiểu ngạch. Còn Sùng Thị Giàng vẫn bên Trung Quốc. Ngày 3/12/2019, tôi đã đến Công an huyện Mù Cang Chải làm đơn tố cáo Vừ Thị Pàng”, chị Sua chia sẻ. 

Sùng Thị Sua chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân của nạn mua bán người. Nhưng đáng lo ngại hơn, vẫn còn rất nhiều phụ nữ đã bị lừa bán đang biệt vô âm tín, lưu lạc xứ người, chưa biết ngày trở về. 

Nguy cơ vẫn tiềm ẩn 

Theo báo cáo từ Công an huyện Mù Cang Chải, từ năm 2017 - 2020, Công an huyện đã tiến hành khởi tố 10 vụ mua bán người. Trong đó, năm 2017 khởi tố 6 vụ, 13 bị can, 6 nạn nhân; năm 2018 khởi tố 2 vụ, 3 bị can và 4 nạn nhân. Riêng năm 2019 và đầu năm 2020, mỗi năm khởi tố 1 vụ. So với năm 2017, số vụ khởi tố có xu hướng giảm 4 - 5 vụ/năm. 

Mặc dù số vụ khởi tố buôn bán người đã giảm, nhưng để có thể chấm dứt tình trạng buôn bán người, Trung tá Phạm Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Mù Cang Chải cho rằng, đây là vấn đề khó. Bởi, đối tượng phạm tội trên địa bàn có nhận thức, có hiểu biết về xã hội. Chúng có sự liên kết chặt chẽ, đồng thời có sự móc nối với các đối tượng ở các tỉnh lân cận gần khu vực biên giới như Lào Cai, Lai Châu, từ đó hình thành đường dây mua bán người chuyên nghiệp, tinh vi. Bên cạnh đó, với 90% là đồng bào dân tộc Mông, cuộc sống khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thiếu việc làm, nhận thức hạn chế, nhất là phụ nữ và trẻ em nhẹ dạ cả tin lại dễ trở thành “miếng mồi ngon” cho kẻ xấu lợi dụng. 

Để chấm dứt triệt để tình trạng mua bán người trên địa bàn, theo Thượng tá Đinh Xuân Thiệp, Trưởng Công an huyện Mù Cang Chải, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là khâu quản lý nhân khẩu. Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về các thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người. Bên cạnh đó, cần phải tạo được việc làm, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo giúp người dân ổn định đời sống vật chất và tinh thần.

Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là khâu quản lý nhân khẩu. Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về các thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người. Bên cạnh đó, cần phải tạo được việc làm, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo giúp người dân ổn định đời sống vật chất và tinh thần.

Thượng tá Đinh Xuân Thiệp, Trưởng Công an huyện Mù Cang Chải

Tin cùng chuyên mục
Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Trải qua những năm tháng khó khăn, bất ổn, được sự quan tâm chăm lo đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; tinh thần trách nhiệm của các cấp, lực lượng chức năng... diện mạo cơ sở hạ tầng, đời sống của đồng bào DTTS ở những bản làng vùng biên giới nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc hôm nay đã và đang ngày càng khởi sắc.