Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nâng cao giá trị cà phê từ ứng dụng công nghệ cao

Minh Thu - 01:53, 19/06/2024

Thời gian gần đây, tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc xuất khẩu cà phê. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ cao để nâng tầm giá trị cà phê.

Ứng dụng công nghệ trong quá trình trồng cây cà phê giúp tiết kiệm chi phí sản xuất cho bà con nông dân. (Ảnh minh hoạ)
Ứng dụng công nghệ trong quá trình trồng cây cà phê giúp tiết kiệm chi phí sản xuất cho bà con nông dân. (Ảnh minh hoạ)

Gia tăng giá trị sản phẩm từ công nghệ cao

Điển hình, như Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông triển khai Dự án “Áp dụng công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh đa chức năng và phân bón hữu cơ vi sinh vật đa chức năng tại Đắk Nông”. Sau một thời gian triển khai, dự án đã góp phần định hướng phát triển nông nghiệp bền vững cho người dân...

Đến nay, đa số người dân và các Hợp tác xã (HTX) trồng cà phê đã tiếp nhận quy trình và biết cách xử lý phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm phân bón hữu cơ vi sinh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất. Chất lượng sản phẩm nông sản được nâng cao.

Hiện nay, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Đắk Nông được đầu tư thực hiện với quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những kết quả đạt được lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đắk Nông có tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào các DTTS trong tỉnh; xây dựng được nền tảng phát triển quan trọng, tạo đà cho những năm tiếp theo.

Ông Lê Quang DầnPhó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông

Như gia đình ông Trần Văn Lợi ở thôn 2, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong có 2ha cà phê kinh doanh và 1ha hồ tiêu, hằng năm số lượng vỏ cà phê thải ra môi trường lên đến trên 3,5 tấn.

Theo chia sẻ của ông Lợi, trước đây, lượng vỏ cà phê được ông bón trực tiếp vào gốc cà phê, tiêu, nhưng cách bón này chỉ có tác dụng làm cho đất tơi xốp. Bây giờ, khi đã áp dụng mô hình ủ phân vi sinh, ông Lợi đã tận dụng lượng vỏ cà phê này để ủ thành phân hữu cơ, bổ sung tốt nguồn dinh dưỡng cho cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Còn ở HTX Công Bằng Đắk Ka, huyện Đắk R’lấp, dù mới thành lập được hơn 4 năm nhưng đã đầu tư sản xuất, chế biến cà phê chất lượng cao bài bản, đạt chuẩn chất lượng. Ngoài việc chăm sóc cà phê theo hướng đặc sản, HTX đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng 1.000m2 nhà kính để phơi sấy và các máy móc rang xay hiện đại.

Cùng với đó, HTX Đắk Ka đã đầu tư hơn 360 triệu đồng mua máy bắn màu hiện đại (trong đó, Sở NN&PTNT hỗ trợ 50%, còn lại HTX đối ứng). Máy có công suất 500kg/giờ, mỗi ngày chế biến khoảng 4 tấn cà phê nhân. Máy bắn màu giúp loại bỏ những hạt cà phê nhân bị lỗi, bị sâu, đen… giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Cà phê sau khi rang nếu có những hạt bị cháy, hạt non, không đều màu sẽ bị máy thải loại.

“Từ khi sử dụng máy bắn màu, chế biến 100 tấn cà phê chất lượng cao đã tiết kiệm được khoảng 300 triệu đồng. Máy bắn màu có tính chính xác cao, công suất lớn, giúp kịp thời vụ, cà phê giữ được hương vị thơm ngon hơn, đảm bảo chất lượng hơn” - ông Trần Văn Phú, Giám đốc HTX Đắk Ka cho biết.

Ngành cà phê Đắk Nông hướng tới sản xuất sạch theo tiêu chuẩn thế giới
Ngành cà phê Đắk Nông hướng tới sản xuất sạch theo tiêu chuẩn thế giới

Hướng tới sản xuất bền vững

Đồng hành với nông dân tỉnh Đắk Nông, ngoài Dự án “Áp dụng công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh đa chức năng và phân bón hữu cơ vi sinh vật đa chức năng tại Đắk Nông” đã và đang góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cà phê, Dự án “Ứng dụng đồng bộ một số tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất, chế biến cà phê theo hướng an toàn, bền vững tại huyện Đắk Mil” cũng mang lại hiệu quả.

Dự án đã giúp xây dựng vườn nhân chồi 5 dòng cà phê chọn lọc trên diện tích 2.000m2, bảo đảm cung cấp 200.000 chồi ghép tốt cho người dân mỗi năm. Dự án xây dựng được 2 vùng mô hình thâm canh cà phê tổng hợp, với diện tích 100ha cà phê vối kinh doanh hiện có, dựa trên việc ứng dụng đồng bộ một số tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, thu hoạch, chế biến. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm cà phê được bảo đảm an toàn, sản xuất bền vững. Đến nay, mô hình đang được người dân nhân rộng.

Để thúc đẩy ngành hàng cà phê phát triển đột phá, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã tập trung triển khai các dự án thuộc chương trình nông thôn, miền núi, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ trong quá trình canh tác, sản xuất cà phê. Qua quá trình thực hiện, các dự án đã giúp thay đổi tư duy canh tác về cây nông nghiệp nói chung và cây cà phê nói riêng cho bà con Đắk Nông.

Cùng với việc phát triển, nghiên cứu, thực hiện các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cho cây cà phê, tỉnh Đắk Nông còn chú trọng phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ cà phê. Đồng thời, thực hiện các bước để xây dựng Chỉ dẫn địa lý cà phê Đắk Nông.

Đắk Nông hướng tới sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao
Đắk Nông hướng tới sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao

Theo ông Lê Quang Dần - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, hiện nay, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Đắk Nông được đầu tư thực hiện với quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những kết quả đạt được lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đắk Nông có tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào các DTTS trong tỉnh; xây dựng được nền tảng phát triển quan trọng, tạo đà cho những năm tiếp theo. Đạt được những kết quả này là bởi nhận thức của chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp về vai trò, đóng góp của khoa học - công nghệ đối với sản xuất nông nghiệp ngày càng nâng cao.

Để nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng cà phê, tỉnh Đắk Nông phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng cà phê đặc sản của tỉnh đạt khoảng 1.000ha, sản lượng cà phê nhân đạt chuẩn hơn 500 tấn và đến năm 2030, diện tích là 2.000ha, sản lượng đạt hơn 1.500 tấn; Phấn đấu diện tích trồng cà phê đặc sản được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý đạt 100% và nông dân tham gia sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương thức sản xuất truyền thống.