Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nhiều mô hình hay đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Hoàng Thùy - 17:26, 23/12/2020

Trong những năm qua, tỉnh Đăk Lăk đã chú trọng triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng các hoạt động tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông,... để nâng cao nhận thức người dân. Các hoạt động bước đầu đã mang lại hiệu ứng tích cực.

Truyền thông về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong trường học
Truyền thông về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong trường học

CLB Phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ nói không với tảo hôn, kết hôn cận huyết thống” được thành lập từ tháng 3/2018, tại Chi hội phụ nữ buôn A2, thị trấn Ea Súp, với 80 hội viên tham gia. Trong mỗi buổi sinh hoạt, Ban chủ nhiệm CLB tuyên truyền, phổ biến đến các thành viên Luật Hôn nhân và Gia đình; nguy cơ, hậu quả của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; các kỹ năng chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên; cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan… bằng ngôn ngữ nói và các hình ảnh trực quan sinh động để hội viên dễ hiểu, dễ nắm bắt.

Chị H’Sân Noi Siu, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ buôn A2, cho biết: Những năm trước, trong buôn còn nhiều trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trẻ gái mới 13 - 14 tuổi đã lấy chồng, nhiều đứa trẻ sinh ra sức khỏe yếu thậm chí mắc bệnh bẩm sinh vì cha mẹ kết hôn sớm và cận huyết thống. Chúng tôi đi vận động người dân không nên cho con cái kết hôn sớm, ít nhất phải đủ 19 tuổi trở lên mới được kết hôn và không để xảy ra kết hôn cận huyết thống vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của thế hệ sau. Điều đáng mừng, từ khi triển khai mô hình đến nay, số trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm hẳn, đầu năm 2020 đến nay không có trường hợp nào xảy ra.

Sau gần 3 năm triển khai, mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với tảo hôn, kết hôn cận huyết thống” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk đã được nhân rộng đến 60% chi hội, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Theo bà Phạm Thị Anh Minh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ea Súp, từ thành công của mô hình tại buôn A2, đến nay mô hình đã được nhân rộng ra nhiều xã, với 60% tổng số xã trên địa bàn huyện đã triển khai. Tảo hôn ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản của phụ nữ, nhất là trẻ em gái. Còn kết hôn cận huyết thống lại làm suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp gen mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi.

Bên cạnh nhân rộng mô hình, Hội LHPN huyện Ea Súp đang đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để mỗi hội viên, là một tuyên truyền viên ticshh cực nâng cao nhận thức cho người dân nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Ea Súp là huyện vùng sâu vùng xa, đông đồng bào DTTS sinh sống, trong đó 3 xã tập trung chủ yếu đồng bào di cư tự do. Sắp tới, CLB sẽ tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền tại các xã có đông đồng bào di cư này bằng những hình thức phù hợp.

Truyền thông trong trường học

Đầu năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc miền núi (HRC) phối hợp với Phòng Giáo dục, Phòng Dân tộc huyện Cư M’Gar triển khai Chương trình truyền thông “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết” tại 22 trường THCS trên địa bàn huyện. Theo đó, các trường đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho học sinh.

Buổi sinh hoạt của một CLB phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở Ea Súp
Buổi sinh hoạt của một CLB phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở Ea Súp

Cụ thể, tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, thuyết trình, kể chuyện, tiểu phẩm kịch nói; cung cấp tài liệu, thông tin về giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên cho học sinh; chiếu các đoạn phim tài liệu, phóng sự về thực trạng và hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết; dán tranh cổ động tại các lớp học; phát tờ rơi, treo băng rôn, áp phích tại các khu dân cư; thành lập các ban chỉ đạo, tổ tư vấn tâm lý học đường; đăng tải trên trang web của trường những thông tin về quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, vai trò của chính quyền cơ sở trong công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết…

Ngoài công tác dạy học, các trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề “Vì em là con gái”, “Bình đẳng giới”; hội thi vẽ tranh, kể chuyện, hùng biện, diễn kịch hay ngày hội đọc sách liên quan đến nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết… nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi, tích cực rèn luyện, học tập và nâng cao kỹ năng sống, thực hành văn hóa truyền thống cho các em học sinh. Qua đó, các em học sinh đã được cung cấp kiến thức, nâng cao hiểu biết về tảo hôn, hôn nhân cận huyết và hướng tới thay đổi hành vi.

Ông Lê Hữu Quynh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cư M’gar cho biết: Để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong cộng đồng dân cư tiến đến chấm dứt nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn huyện, thời gian tới các trường sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về hệ lụy của vấn nạn này, thông qua các buổi sinh hoạt tập thể ngoài giờ lên lớp, chào cờ đầu tuần; tích hợp giảng dạy trong các bộ môn như Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân, Ngữ văn… Các em học sinh sẽ đóng vai trò là “những đại sứ nhỏ” để tiếp tục tuyên truyền, vận động bạn bè, gia đình, người thân thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết, từ đó góp phần tác động tích cực tới toàn xã hội.