Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Ngành chế biến gỗ: Định hình hướng đi trong khó khăn

Hoàng Quý - 09:53, 06/05/2020

Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã và đang tác động hết sức tiêu cực đến sự phát triển của ngành Chế biến và Xuất khẩu gỗ. Mặc dù vậy, các khó khăn này lại đang mở ra hướng đi mới, hé lộ một số thị trường tiềm năng đối với ngành chế biến gỗ trong nước.

Từ khó khăn do dịch Covid-19, Ngành chế biến gỗ Việt Nam đang định hình lại hướng phát triển
Từ khó khăn do dịch Covid-19, Ngành chế biến gỗ Việt Nam đang định hình lại hướng phát triển

Gặp khó trong xuất, nhập khẩu 

Hơn 3 tháng nay, Công ty TNHH Doanh Mùi (Yên Bái), với mặt hàng sản xuất chủ yếu là ván gỗ ép đã phải hoạt động cầm chừng, lượng hàng sản xuất hằng ngày giảm 30 - 40%. Nguyên liệu sản xuất của Công ty chủ yếu nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc, thế nhưng do dịch Covid-19 bùng phát khiến rất khó nhập về.

Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Doanh Mùi chia sẻ: “Hiện nay, Công ty chỉ sản xuất cầm chừng, duy trì để tạo việc làm cho hơn 100 công nhân. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, cầm chừng được đến bao giờ cũng khó nói trước được”.

Không chỉ việc NK đang gặp khó khăn, mà vấn đề xuất khẩu (XK) sản phẩm từ gỗ cũng đang là mối lo của các doanh nghiệp (DN) gỗ. Nhiều DN bị báo hoãn hoặc hủy đơn hàng, dẫn tới nguy cơ dừng hoạt động hàng loạt.

Điển hình như Công ty TNHH Minh Thành (Hà Nội). Trước đây, bình quân mỗi tháng, Công ty XK sản phẩm sang thị trường Mỹ với giá trị kim ngạch bình quân khoảng 2,5 triệu USD. Thế nhưng tính đến hết tháng 3/2020, số đơn hàng bị hủy của Công ty đã lên tới khoảng 3 triệu USD và số đơn hàng bị hoãn cũng khoảng 2 triệu USD.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ tháng 4, có khoảng 80% các đơn hàng bị tạm dừng, chưa tìm được đơn hàng mới. Trong khi đó, các thị trường NK gỗ lớn như Mỹ chiếm 51%, EU chiếm 39% kim ngạch XK gỗ gần như đóng băng. Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ còn lác đác những đơn hàng. Đối với thị trường trong nước, các làng nghề truyền thống sản xuất đồ gỗ thì có đến 70 - 80% không tiêu thụ được. Các sản phẩm gỗ chế biến cao cấp cho các công trình lớn giảm 90% doanh thu so với cùng kỳ năm 2019.

Biến nguy thành cơ hội

Hiện nay, thị trường nội địa của Việt Nam đang có nhiều sản phẩm được NK từ Trung Quốc. Dưới sự tác động của dịch Covid-19 có thể tạo ra những đứt gãy trong NK các sản phẩm này vào Việt Nam. Điều này có thể tạo ra những cơ hội cho các DN Việt trong việc chiếm lĩnh thị trường.

Một tín hiệu vui đối với ngành chế biến gỗ, là từ năm 2020, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và châu Âu (EVFTA) có hiệu lực. Với việc các dòng thuế được hạ xuống và một số mặt hàng giảm về 0% theo lộ trình sẽ tạo thuận lợi cho những DN XK. Điều này đồng nghĩa với việc các mặt hàng gỗ Việt Nam có thể dễ dàng cạnh tranh tại thị trường châu Âu.

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), Bộ đang xây dựng nghị định quy định về hệ thống gỗ hợp pháp Việt Nam; Nghị định về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp. Theo đó, ngành Lâm nghiệp sẽ tổ chức tốt việc thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT (Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản) để đến đầu năm 2021 sẽ có lô hàng đầu tiên được cấp giấy phép VPA/FLEGT khi XK gỗ vào EU. Khi đó, con đường của gỗ Việt đến với EU sẽ hoàn toàn rộng mở.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.