Sự kiện diễn ra tại Sân vận động trung tâm huyện Mèo Vạc, với chuỗi các hoạt động: Lễ hội, trò chơi dân gian, trải nghiệm không gian văn hóa của đồng bào Mông nơi đây. Lễ Khai mạc gắn với Lễ hội Gầu tào và biểu diễn khèn Mông. Chương trình nghệ thuật với các tiết mục mang đậm màu sắc dân tộc Mông. Các hoạt động đặc trưng truyền thống của đồng bào gồm: Ném còn, dệt vải lanh, đan quẩy tấu, xay ngô, tung ngô vào quẩy tấu, đánh sảng, vật tay, địu ngô đi cà kheo, địu nước qua cầu, bịt mắt bắt vịt, kéo co, thi chim họa mi hót…
Ngoài ra, tại Ngày hội, Nhân dân địa phương cùng du khách còn được tham gia trải nghiệm các hoạt động: Chế tác khèn Mông, trò chơi cắt mía, làm bánh tam giác mạch, bánh ngô nếp; thưởng thức các món ăn, mua sắm các sản phẩm đặc trưng của đồng bào; tham quan triển lãm ảnh “Đất và Người Mèo Vạc”; tham quan tường rào đá thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi; thăm Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi; không gian Chợ phiên thị trấn Mèo Vạc; chụp ảnh tại vườn đào thôn Thào Chứ Lủng, xã Tả Lủng…
Việc tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông và Festival khèn Mông huyện Mèo Vạc nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Mèo Vạc nói chung và văn hóa dân tộc Mông nói riêng.
Đặc biệt, đây cũng là dịp để đồng bào cả nước nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng có ý thức trách nhiệm với văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh khối Đại đoàn kết dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng vùng địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.