Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Ngày Xuân nói về mỹ tục ở xứ Tuyên

Giang Lam - 14:00, 11/02/2021

Theo dòng chảy thời gian và sự phát triển của xã hội, trong các gia đình người Tày, Dao, Nùng, Mông, Cao Lan… ở Tuyên Quang có sự giao thoa về văn hóa hiện đại. Tuy nhiên, đồng bào nơi đây vẫn luôn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa, mỹ tục tốt đẹp của dân tộc mình…

Câu lạc bộ nói tiếng dân tộc Dao ở xã Tân Long (Yên Sơn).
Câu lạc bộ nói tiếng dân tộc Dao ở xã Tân Long (Yên Sơn).

Nét đẹp trong ứng xử

Bản Khăm Kheo, xã Công Đa (huyện Yên Sơn) có 40 hộ, nằm khuất sau dãy núi, nơi đây còn mang đậm nét văn hóa của người Nùng. Đặc biệt, là mỹ tục trọng vợ vẫn còn lưu giữ, tạo nếp sống hòa thuận trong bao thế hệ. Trưởng thôn Lý Văn Sính chia sẻ, trong gia đình người Nùng, vai trò phụ nữ luôn được ghi nhận. Tới thăm bất cứ ngôi nhà nào, cũng có thể cảm nhận được sự tôn trọng với người phụ nữ trong gia đình, được thể hiện trong những cử chỉ, lời nói, thể hiện trong giao tiếp, sinh hoạt hay những bữa ăn thường ngày.

Theo anh Nông Văn Linh, cán bộ văn hóa xã Công Đa (Yên Sơn) thì, bao năm qua, Khăm Kheo chưa ghi nhận trường hợp nào bạo lực gia đình, ly hôn nào. Đây là một tập tục tiến bộ đáng trân trọng.

Đồng bào người Tày, người Dao ở xứ Tuyên vẫn giữ một tập tục giàu tính nhân văn- tục ở rể. Người Dao luôn quan niệm, lấy được chàng trai nào ở rể là một điều may mắn, là phúc lớn của gia đình. Anh Hoàng Văn Hiếu, dân tộc Tày ở thôn Bản Va, xã Yên Hoa (Na Hang) ở rể trong một gia đình người Dao cho biết, anh thấy rất thoải mái khi ở rể, bởi bố mẹ vợ, anh em họ mạc coi anh như người nhà. Hiện, vợ chồng anh đã sinh một bé trai. Anh đã làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con và con anh mang họ Phùng (họ nhà gái). Anh dự định bé thứ hai sẽ mang cả hai họ Phùng và Hoàng để tình cảm gia đình, dòng tộc thêm bền chặt.

Theo Nghệ nhân Nhân dân Ma Văn Đức thì, phong tục ở rể người Tày giải quyết được những hệ lụy xã hội phức tạp mà một số tộc người khác đã và đang vấp phải. Đó chính là vấn đề khao khát tìm con trai nối dõi tông đường, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” ảnh hưởng đến đời sống xã hội và chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Người Mông thôn Nà Cào, xã Thượng Nông, huyện Nà Hang giữ gìn nghề thêu truyền thống.
Người Mông thôn Nà Cào, xã Thượng Nông, huyện Nà Hang giữ gìn nghề thêu truyền thống.

Đến nét đẹp ngày Xuân

Từ bao đời nay, người Tày ở Chiêm Hóa đón Tết không thể thiếu cây nêu dựng trước nhà. Theo quan niệm của người Tày, cắm cây nêu để loại trừ ma quỷ, giữ đất, giữ nhà và mang lại may mắn, an lành cho năm mới. Cây nêu tiếng Tày gọi là “mạy nêu”. “Mạy nêu” phải bảo đảm các điều kiện: Thẳng đẹp, gióng đều, tròn lẳn, ngọn phải có túm lá xanh mướt.

Đúng vào chiều 30 Tết, đích thân người đàn ông trụ cột của gia đình sẽ dựng cây nêu ngay trước nhà. Sau khi lựa chọn cây tre ưng ý đẹp mắt, chủ nhà buộc cây vầu nhỏ có ngọn lá xanh mướt và treo thêm một lá cờ Tổ quốc đỏ thắm. Có nơi lại cầu kỳ hơn treo giấy đỏ, 3 nén hương, 1 cái bánh chưng xanh lên thân cây nêu. Với quan niệm, giấy đỏ và nén hương xua tà ma, còn bánh chưng xanh nói lên ước nguyện. Đó là cầu mong cho một năm mới no đủ, nhà nhà yên vui.

Vào ngày Tết, những ngôi nhà ở bản làng người Nùng huyện Yên Sơn lại bừng sáng trong sắc đỏ. Theo quan niệm của người Nùng, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành và tượng trưng cho khí dương, ánh nắng mặt trời. Đây cũng là dịp để gia chủ tri ân “người bạn” trong lao động sản xuất. Những dụng cụ như cày, cuốc, xẻng... sẽ được rửa sạch sẽ, dán giấy đỏ. Bởi vào ngày lễ Tết, con người được nghỉ và vui chơi thì các dụng cụ cũng cần được nghỉ ngơi. Có như vậy, năm mới sẽ làm việc tốt hơn, mùa màng bội thu.

Tết Nguyên đán của người Cao Lan thường được bắt đầu từ 25 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng. Đêm giao thừa, chủ nhà thường pha một ấm trà, rót ra chén, để ở các ban thờ mời tổ tiên (thường gọi là tục lệ cúng nước mới). Nước pha trà phải lấy đúng giờ sang canh năm mới, nước ở giếng sâu hoặc trong khe đá. Nước phải trong veo, sạch sẽ như thể hiện được tấm lòng của chủ nhà.

Hội thi hát dân ca tại thôn Y Nhân, xã Đồng Thọ (Sơn Dương) thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.
Hội thi hát dân ca tại thôn Y Nhân, xã Đồng Thọ (Sơn Dương) thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.

Khi đi lấy nước thì người lấy phải thật thành tâm, sau đó đốt giấy hoặc để vài đồng tiền rồi mới được phép mang nước về nấu để mời tổ tiên. Những việc làm này thể hiện tấm lòng tôn kính của chủ nhà với tổ tiên để cầu may, sức khỏe cho gia đình.

Trước Tết cả tháng, các gia đình người Dao trong thôn đã chuẩn bị lợn, gà, gạo nếp ngon và lá dong để gói bánh chưng gù… và một phần không thể thiếu được đó là củi đun. Mỗi gia đình đều chuẩn bị 3 đoạn củi to bằng loại gỗ rắn chắc để khi đun, đoạn củi có thể cháy suốt 3 ngày Tết mà không cháy hết và tắt lửa. Bếp lửa vừa để giữ ấm trong những ngày giá rét, vừa mang ý nghĩa tượng trưng cho một gia đình hạnh phúc, hòa thuận, êm ấm, cuộc sống no đủ, sung túc trong cả năm…

Có thể thấy, những mỹ tục truyền thống trong ứng xử ngày Xuân góp phần tạo nên giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi gia đình của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam./.

Tin cùng chuyên mục
Khai mạc Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2024

Khai mạc Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2024

Với chủ đề “Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ”, tối 20/12, tỉnh Lai Châu đã tổ chức Khai mạc Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2024. Tham dự Chương trình khai mạc có lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, lãnh đạo một số tỉnh trong khu vực và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái; lãnh đạo huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; cùng đông đảo Nhân dân và du khách.