Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Nghệ An: Khó thực hiện nội dung Đào tạo nghề theo Chương trình MTQG 1719 vì nhiều cái thiếu

Nguyễn Thanh - 07:24, 11/05/2024

Thiếu đối tượng học nghề, nhu cầu học nghề không nhiều, chưa kể hệ thống cơ sở vật chất, số lượng giáo viên dạy nghề không đủ đáp ứng… đang là thực tế. Đây là nguyên nhân tiểu dự án 3, Dự án 5 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) ở Nghệ An về hỗ trợ đào tạo nghề không thể giải ngân hết nguồn vốn được phân bổ.

Một lớp đào tạo nghề cơ khí tại trường Trung cấp dân tộc nội trú Nghệ An
Một lớp đào tạo nghề cơ khí tại trường Trung cấp dân tộc nội trú Nghệ An

Tại huyện Quỳ Hợp, nguồn vốn được giao thực hiện nội dung này trong năm 2022 – 2023 được phân bổ tương ứng với việc có thể mở được khoảng 110 lớp sơ cấp nghề dưới 3 tháng. Trên cơ sở này, UBND huyện Quỳ Hợp đã giao trách cho mỗi xã mở được từ 2-3 lớp đào tạo trình độ nghề sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trong năm 2023. Tuy nhiên, các xã không thực hiện được, do nhu cầu học nghề của người lao động không nhiều. Chưa kể, người lao động đăng ký học nhiều ngành nghề khác nhau gây khó khăn cho công tác tuyển sinh và mở lớp giảng dạy.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất, số lượng giáo viên dạy nghề của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên còn thiếu so với quy định, nếu mở được lớp đào tạo nghề thì sẽ khó đáp ứng yêu cầu cho công tác giảng dạy.

Vướng mắc khác nữa là Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đang không có chức năng đào tạo nghề dưới 3 tháng. Trong khi đó, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp không có các trường giáo dục nghề nghiệp để đào tạo. Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên, theo lãnh đạo phòng Lao động TB&XH huyện, thì phòng đã tham mưu liên hệ với các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh để phối hợp cùng tuyển sinh, đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, nhưng cũng không thực hiện được do không có học viên tham gia học nghề.

Tạp huấn, đào tạo nghề trồng nấm ở huyện Nghĩa Đàn
Các học viên tham gia lớp tập huấn, đào tạo nghề trồng nấm ở huyện Nghĩa Đàn

Nằm ở vùng rẻo cao giáp biên, huyện Kỳ Sơn cũng không thể giải ngân hết nguồn vốn hỗ trợ theo nội dung đào tạo nghề theo tiểu dự án 3, thuộc Dự án 5 của chương trình MTQG 1719.

Thực tế hiện nay ở huyện Kỳ Sơn, đội ngũ giáo viên dạy nghề của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đang không đáp ứng được yêu cầu về số lượng và các tiêu chuẩn, các quy định theo văn bản hiện hành. Nếu điều khó khăn này có thể khắc phục bằng việc thuê mượn giáo viên, thuê mượn cơ sở vật chất hoặc liên kết đào tạo; thì vẫn vấp phải khó khăn, là nhu cầu học nghề tại các xã ít, đa số người học trong độ tuổi lao động đều đang đi làm việc tại các công ty, các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. 

Để thực hiện nội dung đào tạo nghề, UBND huyện Thanh Chương đã chỉ đạo các phòng ban, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tiếp tục tuyên truyền vận động người lao động đi học nghề. Nhưng phần lớn người lao động đã được học qua các nghề chăn nuôi, trồng trọt.

Ông Lang Văn Hoài -, Phó chánh văn phòng UBND huyện Thanh Chương

Một vướng mắc nữa, là nguồn vốn được giao thực hiện rất lớn, nhưng đơn giá hỗ trợ người đi học, đơn giá hợp đồng giáo viên, đơn giá mua nguyên vật liệu, vật tư phục vụ đào tạo… theo quy định là thấp nhưng trên thực tế lại cao nên rất khó thực hiện.

Kỳ Sơn là huyện miền núi cao, không có các nhà máy, các khu công nghiệp. Trong khi, đất đai, khí hậu thổ nhưỡng lại không thuận lợi để phát triển đa dạng các loại ngành, nghề đào tạo nghề khác; ngoại trừ hai ngành nghề đào tạo chủ lực hiện nay là chăn nuôi và trồng trọt. Trong việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào, có một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp có khả năng triển khai được như mây tre đan, dệt thổ cẩm, thêu ren tay, nghề rèn của người Mông… lại không có giáo viên đủ điều kiện để hợp đồng giảng dạy.

Thực hiện nội dung về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS&MN, qua 2 năm, huyện Thanh Chương đã mở được 4 lớp đào tạo nghề và hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động. 

Tuy nhiên, theo ông Lang Văn Hoài, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Thanh Chương, để thực hiện nội dung đào tạo nghề, UBND huyện Thanh Chương đã chỉ đạo các phòng ban, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tiếp tục tuyên truyền vận động người lao động đi học nghề. Nhưng phần lớn, người lao động đã được học qua các nghề chăn nuôi, trồng trọt. Hiện nay, không có lao động nào đăng ký học nghề, đồng thời nguồn kinh phí cấp quá lớn, trong lúc đối tượng thụ hưởng ít nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp và không thể giải ngân hết.

Trao chứng chỉ cho các học viên hoàn thành khóa học nghề mây tre đan tại xã Yên Na huyện Tương Dương
Một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp có khả năng triển khai như mây tre đan, dệt thổ cẩm, thêu ren tay, nghề rèn của người Mông… nhưng lại không có giáo viên đủ điều kiện để hợp đồng giảng dạy. (Trong ảnh: Trao chứng chỉ cho các học viên hoàn thành khóa học nghề mây tre đan tại xã Yên Na, huyện Tương Dương)

Câu chuyện khó khăn trong thực hiện nội dung đào tạo nghề từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, đang trở thành vấn đề "đau đầu" ở nhiều địa phương tại Nghệ An. Theo như thông tin của các địa phương, ngoài thiếu đối tượng học nghề, nhu cầu học nghề không nhiều, hệ thống cơ sở vật chất, số lượng giáo viên dạy nghề không đủ đáp ứng…; cũng cần phải xem xét đến việc chất lượng giảng dạy nghề đã thực sự hấp dẫn người học hay chưa, ngành nghề đào tạo đã bắt kịp xu thế phát triển hiện nay chưa…

Chừng nào các vấn đề này chậm giải quyết, nhất là việc người lao động sau học nghề không thể sống được bằng nghề đã học… thì câu chuyện khó thu hút học viên, khó mở lớp học nghề tại các vùng nông thôn sẽ vẫn còn tiếp diễn./.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nhiều dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 khó triển khai vì vướng mắc đất rừng

Nghệ An: Nhiều dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 khó triển khai vì vướng mắc đất rừng

Chưa thể thi công, có nguy cơ vỡ tiến độ… là thực tế đang diễn ra tại một số dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) ở Nghệ An. Những dự án này, chủ yếu là còn vướng mắc diện tích đất rừng nhưng chưa chuyển đổi xong mục đích sử dụng, chưa hoàn thiện đánh giá tác động môi trường…