Thời gian qua, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Chiêm Hoá đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ lao động. Công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phù hợp, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn ngành nghề.
Theo đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hoá đã chủ động phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện và chính quyền các xã, thị trấn rà soát số lượng lao động đã và chưa qua đào tạo, tìm hiểu về nhu cầu học nghề của người lao động. Từ đó giúp các học viên phát triển các nghề đã học để tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững.
Với sự chủ động, tích cực nói trên trong năm 2023, huyện Chiêm Hoá đã dậy nghề cho gần 600 lao động nông thôn, học sinh các xã, thị trấn trên địa bàn; trong đó trên 90% học viên được dậy nghề là người DTTS. Các học viên được đào tạo các nghề như: Kỹ thuật chăn nuôi thú y, phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân đến khâu thu hoạch và hoạch toán kinh tế đối với các loại cây ăn quả có múi; trồng nấm, trồng dưa chuột; trồng ớt; mở các lớp Cơ khí hàn, kỹ thuật máy nông nghiệp…
Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn tham gia các lớp dạy nghề, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hoá đã mở các lớp dạy nghề tại các xã, thôn bản. Bên cạnh việc giảng dạy về lý thuyết, các học viên còn được thực hành thông qua các mô hình trình diễn ngay trên lớp và tại các cánh đồng của các học viên. Sau khi hoàn thành các khóa học, nhiều học viên được hỗ trợ tìm kiếm việc làm ở trong và ngoài tỉnh với mức thu nhập ổn định. Việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh ngày càng gắn với nhu cầu xã hội và phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương đã giúp nhiều lao động trên địa bàn tỉnh có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình.
Anh Chu Văn Linh, dân tộc Dao ở xã Tri Phú (Chiêm Hóa) sau khi hoàn thành lớp học vận hành máy thi công nền tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hoá đã tìm được công việc ổn định với thu nhập khá cao. Anh Linh phấn khởi chia sẻ: “sau khi ra trường, tôi xin làm việc tại một doanh nghiệp xây dựng ở Hải Phòng với mức thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng”.
Theo anh Linh, mặc dù được tạo điều kiện thuận lợi để học nghề, nhưng người lao động cũng nên suy nghĩ kĩ trước khi lựa chọn đi học nghề. Bản thân mỗi học viên phải tìm hiểu thực tế nhu cầu thực tế của xã hội hiện nay, cái gì đang cần thì học, như thế vừa giúp tiết kiệm thời gian và phát huy hiệu quả ngành nghề đã học, tránh lãng phí.
Chị Nông Thị Ngà, xã Yên Nguyên (Chiêm Hoá), sau khi được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường chị cũng đã mạnh dạn cải tạo gần 3 sào đất của gia đình để trồng rau màu. Trên cơ sở được sự định hướng của cán bộ nông nghiệp địa phương, chị Ngà đã tập trung vào sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đang được thị trường ưa chuộng là đậu Hà Lan, cà chua, bắp cải. Tất cả đều được chị Ngà triển khai theo hướng an toàn sinh thái.
Chị Ngà cho biết những thay đổi trong phương thức canh tác không chỉ giúp gia đình chị giảm công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mà còn ổn định thị trường tiêu thụ, giá bán cao hơn so với rau đại trà 1,5 - 3 lần. Hiện, mỗi vụ rau, chị Ngà đều có thu nhập khoảng 20 triệu đồng.
Bên cạnh việc mở rộng các lớp đào tạo nghề, huyện Chiêm Hoá cũng đang đẩy mạnh tư vấn việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động người DTTS. Theo đó, trong năm 2023, UBND huyện Chiêm Hoá đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, xã, thị trấn thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, kế hoạch giải quyết việc làm cho người lao động. Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động luôn được quan tâm, đổi mới, mang tính thiết thực, hiệu quả hơn.
Các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức như: Tổ chức giới thiệu việc làm qua các phiên giao dịch việc làm tại các xã, thị trấn; hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động. Phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tư vấn - giới thiệu việc làm trực tiếp tại các thôn. Tổ chức cho người lao động đi thực tế tại các đơn vị doanh nghiệp thực hiện công tác giải quyết việc làm. Theo đó, trong năm 2023, huyện Chiêm Hoá đã giải quyết việc làm mới cho hơn 3 nghìn lao động; tư vấn việc làm cho trên 5 nghìn người. Trong đó chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm cho đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động là người DTTS.
Việc đa dạng hóa công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề của huyện Chiêm Hóa đã giúp người lao động nông thôn, đặc biệt là lao động người DTTS được tiếp cận, tìm hiểu, cập nhật thông tin thị trường lao động để định hướng và chọn lựa ngành học, việc làm phù hợp.
Bà Ma Thị Nhung, Trưởng phòng Dân tộc huyện Chiêm Hoá cho biết, triển khai Dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi về “Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, huyện Chiêm Hoá được đầu tư hơn 23 tỷ đồng để hỗ trợ chuyển đổi số và mua sắm trang thiết bị dạy học; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng đồng bào DTTS… Đến nay, nguồn vốn được giải ngân đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Hiện, huyện Chiêm Hoá đã áp dụng thực hiện mô hình đào tạo nghề lưu động mang lại hiệu quả cao. Mở rộng triển khai áp dụng, đưa toàn bộ nội dung, hình thức giảng dạy đến tận các xã từ việc chọn lựa mời giáo viên đến liên kết các trường để thực hiện. Nhận thức của người dân về học nghề ngày càng tích cực hơn, lao động nông thôn đã hiểu rõ được lợi ích của việc học nghề để có tay nghề vững chắc, có thêm nhiều cơ hội về việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Nhiều lao động nông thôn đã tự trang trải kinh phí để học nghề theo nhu cầu. Số người thoát nghèo, có thu nhập khá tăng lên. Điều đó càng khẳng định công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trong những năm qua đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tại huyện Chiêm Hóa.