Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ nhân A Lip sứ giả văn hóa của buôn làng

Thùy Dung - 10:31, 18/03/2020

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa, từ thời niên thiếu, Nghệ nhân A Lip (dân tộc Ba Na, thôn Groi, xã Glar, huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã biết đánh chiêng, làm đàn, tạc tượng gỗ và chỉnh chiêng. Năm 2019, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian.

Nghệ nhân A Lip (trái) là người thầy truyền dạy cồng chiêng cho người dân và các thế hệ trẻ của huyện Đak Đoa.
Nghệ nhân A Lip (trái) là người thầy truyền dạy cồng chiêng cho người dân và các thế hệ trẻ của huyện Đak Đoa

Sứ giả văn hóa của buôn làng

Theo chân cán bộ Văn hóa xã Glar, chúng tôi tìm về nhà nghệ nhân A Lip ở thôn Groi (xã Glar, huyện Đăk Đoa). Trên nếp nhà sàn, người đàn ông nhanh tay rót chén trà mời khách, rồi say sưa nói về tình yêu của ông với cồng chiêng và khát khao lưu truyền, gìn giữ cồng chiêng trong cộng đồng DTTS ở địa phương.

Nghệ nhân A Lip sinh ra trong một gia đình có cái nôi của văn hóa truyền thống, cả gia đình ông đều biết đánh chiêng, chỉnh chiêng. Từ thuở lên 3, ông được cha địu trên vai tham gia vào các lễ hội của làng. Thuở lên 6, cha truyền lại cho A Lip cách đánh chiêng, thẩm âm. Nhờ vậy, lên 11 tuổi, A Lip đã chơi thành thạo các bài chiêng truyền thống của người Ba Na như Lễ mừng lúa mới… “Âm nhạc cồng chiêng ngấm vào trong hơi thở, cuộn chảy trong mạch máu mình cho đến tận bây giờ, thiếu nó mình không sống được đâu”, nghệ nhân A Lip bộc bạch.

Đưa đôi tay lau nhẹ lớp bụi vương trên những chiếc chiêng, nghệ nhân A Lip kể: Ngày trước thời cha mẹ, nhà ông có nhiều chiêng lắm. Sau này cha chết, ông có tâm nguyện chôn theo chiêng nên những bộ chiêng đó nằm ở trong nhà mồ cùng với cha. “Còn mình, có chút vốn liếng cha để lại, mình trồng lúa, nuôi bò để bán kiếm tiền mua chiêng. Mình sưu tập được 10 bộ chiêng quý, nhưng có mang đi tặng và một số bộ bị thất lạc, nên đến nay, nhà mình còn 3 bộ chiêng thôi. Mình dùng nó khi có lễ hội, đi giao lưu văn hóa và để dạy cho các cháu nhỏ ở trong làng”.

Không chỉ giỏi đánh chiêng, ông còn miệt mài học cách chỉnh chiêng, học đánh đàn t’rưng, gong kní, làm các loại đàn tính từ tre, trúc và tạc tượng gỗ của người Ba Na. Biết tay nghề của nghệ nhân A Líp, nhiều người đã tìm đền tận nhà ông đặt làm tượng gỗ, làm đàn, chuông gió để trang trí trong các quán ăn mang phong cách ẩm thực Tây Nguyên.

Giữ lửa văn hóa truyền thống

Xã hội phát triển, âm nhạc hiện đại len lỏi vào các thôn, làng đã làm cho âm thanh cồng chiêng mai một dần trong cộng đồng DTTS. Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình, nghệ nhân A Lip lại đi vận động người dân học đánh chiêng. Ông thành lập các lớp chiêng lớn, nhỏ trong làng để bảo tồn văn hóa truyền thống. Đến nay, làng Groi có 2 đội chiêng, đội chiêng lớn gồm 21 người, từ 23 tuổi đến 70 tuổi. Đội chiêng nhí gồm 20 người, từ 6 tuổi đến 12 tuổi. Hiện nay, đội chiêng của làng thường được mời đi biểu diễn trong các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng của khu vực Tây Nguyên và toàn quốc.

Ngoài ra, nghệ nhân A Líp còn phối hợp với Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Đak Đoa dạy chiêng cho học sinh nơi đây. Tính đến nay, ông đã dạy được cho khoảng hơn 100 người biết đánh chiêng trên địa bàn xã Glar và các xã lân cận như Ia Pêt, ADơk. 

Với những đóng góp của mình, nhiều năm qua, nghệ nhân A Lip đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp từ Trung ương đến địa phương. Năm 2011, ông được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cấp Bằng chứng nhận là nghệ nhân chỉnh chiêng, tạc tượng dân tộc Jrai, Ba Na. Tháng 3/2019, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian.

Tin cùng chuyên mục
Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Khi người trẻ đam mê cổ ngoạn (Bài 1)

Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Khi người trẻ đam mê cổ ngoạn (Bài 1)

Đam mê sưu tầm, lưu giữ các cổ vật văn hóa, những người trẻ với tư duy mới không giữ khư khư những bộ sưu tập cổ vật quý giá trong cánh cửa gia đình mình mà họ đã mang đi trưng bày, giới thiệu và chia sẻ với đông đảo công chúng để mọi người hiểu hơn, biết trân trọng hơn giá trị di sản của cha ông để lại.