Tuổi 94, dáng vóc nhỏ bé, Nghệ nhân K’Gioong vẫn minh mẫn, hoạt bát, như vọng từ ký ức, thi thoảng ông lại nhẩm theo một làn điệu yalyao trên nhịp phách những bản cồng chiêng mà ông thuộc làu từ thuở bé.
Ka Să K’Gioong kể, ông chưa một ngày nào học đánh cồng chiêng. Lớn lên trong không gian xưa, những ngày chăn trâu, mỗi khi nghe trong làng có tiếng chiêng tấu lên là K’Gioong cột trâu, rồi đi về phía ấy, say sưa xem các cụ diễn tấu thực hiện nghi thức mùa màng, vòng đời. “Nghe hoài rồi quen tai, tiếng chiêng như thấm vào mình từ hồi nào không biết. Từng bài bản, từng âm điệu, nghe riết rồi nhớ”. Để rồi đến một ngày, các cụ trong làng dần lần lượt về với ông bà tổ tiên, nhìn lại chỉ còn thế hệ của mình là già nhất, cùng nhau đứng dàn hàng 6 người, cùng tấu lên bộ chiêng 6 của người Cơ Ho, tiếng chiêng từ lâu như ngấm vào trong máu cứ thế mà tuôn ra, thành bài thành bản giống như các cụ ngày xưa.
Cùng với sự phát triển, các nghi lễ mùa màng cũng dần mất đi, hoạt động văn hóa, tín ngưỡng liên quan tới cồng chiêng ngày càng ít được sử dụng trong đời sống cộng đồng; thế hệ trẻ vì thế ít có điều kiện được học, được sử dụng cồng chiêng.
Tham gia lớp truyền dạy cồng chiêng cho 30 thanh niên tuổi từ 14 - 30 trong xã vừa diễn ra, nghệ nhân K’Gioong đã dành hết tâm huyết, nhiệt tình truyền dạy những bài bản chiêng mình biết cho những người trẻ. Không chỉ truyền dạy cách thức diễn tấu, các điệu thức cồng chiêng, ông còn truyền cả tình yêu, niềm đam mê, trách nhiệm gìn giữ văn hóa dân tộc.
Nhiều bạn trẻ chưa bao giờ cầm đến chiêng, nhưng khi được nghệ nhân K’Gioong tận tình cầm tay dạy gõ từng nhịp phách, cách đánh làm cho tiếng chiêng ngân vang, nên chỉ sau 25 ngày đã thành thục các bài bản chiêng cổ truyền. Với nghệ nhân K’Gioong, được trao truyền vốn quý của cha ông để lại là vinh dự, tự hào, là cơ hội để góp sức gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Ông mong muốn được truyền dạy cồng chiêng cho thêm nhiều bạn trẻ, các bạn truyền dạy cho nhau để trong làng, trong xã người Cơ Ho ai cũng biết sử dụng cồng chiêng và tiếp tục truyền lại cho con cháu thế hệ sau nữa, làm cho cồng chiêng không bị mai một thất truyền, ông mới yên tâm về với ông bà, tổ tiên.