Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ nhân nặng lòng với Then ở Nà Làng

Long Vũ - 10:02, 24/03/2020

Mặc dù tuổi đã cao nhưng Nghệ nhân Hoàng Thị Viên (SN 1957), thôn Nà Làng, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) vẫn miệt mài đóng góp vào việc giữ gìn và phát huy vốn văn hóa Then cổ của cha ông để lại.

Bà Hoàng Thị Viên (hàng đầu, thứ 2 bên trái) đang cùng các hội viên trong CLB biểu diễn hát Then
Bà Hoàng Thị Viên (hàng đầu, thứ 2 bên trái) đang cùng các hội viên trong CLB biểu diễn hát Then

Ngôi nhà nhỏ của Nghệ nhân Hoàng Thị Viên nằm trên một con đồi nhỏ nhìn xuống khe suối trước bản. Khi chúng tôi đến, bà đang bộn bề, ngổn ngang với những tài liệu, bản thảo nghiên cứu về gốc tích các bài Then, làn điệu Then của dân tộc Tày.

Là người con của dân tộc Tày, sinh ra trong cái nôi văn hóa của vùng Đông Bắc, bà rất vui và hạnh phúc khi được làm công việc sưu tầm, truyền dạy văn hóa người Tày, đặc biệt là các bài Then của dân tộc mình.

Nghệ nhân cho biết hát Then có nhiều thể loại như: Hát Then mùa Xuân; hát Then trong lao động sản xuất; hát Then trong lễ cầu mùa, mừng nhà mới, lễ cầu an… Tất cả các bài hát Then đều mang ý nghĩa giáo dục, răn dạy con người hướng tới những điều tốt đẹp, tình yêu và cả những kinh nghiệm của người xưa….

Cũng theo bà Viên chia sẻ, có một thời điểm hát Then đã có nguy cơ bị mai một dần trong đời sống văn hóa tinh thần của người Tày ở Bình Liêu. Để kịp thời gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa quý giá ấy, những người nghệ nhân chung thủy với Then đã dành tất cả niềm đam mê, tâm huyết để đưa hát Then sống lại trong đời sống cộng đồng. Và nghệ nhân Hoàng Thị Viên đã ý thức sâu sắc về trách nhiệm nặng nề đó.

Hiện tại, nghệ nhân Hoàng Thị Viên còn là Chủ nhiệm CLB đàn Tính, hát Then thôn Nà Làng, xã Tình Húc với trên 40 thành viên tham gia. Nhiều thành viên nhỏ tuổi đã được bà truyền dạy hát Then, đàn Tính, qua đó, giúp các em thêm yêu và có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Em Lý Thị Nương (10 tuổi) là một trong những học trò trẻ tuổi nhất của bà Viên nhưng đã thành thạo cách đánh đàn Tính, thuộc 16 bài hát Then, trong đó có cả những bài Then cổ. Em Nương bộc bạch: “Bà Viên đã chỉ dạy cho chúng em rất tỉ mỉ, sau khi học xong đàn thì mới học hát. Khi biết đánh đàn và hát thành thạo nhiều bài Then, em và các bạn rất thích, càng say mê tập luyện hơn. Vui nhất là những lúc chúng em cùng các thành viên trong CLB biểu diễn phục vụ người dân địa phương”.

Ông Ngô Bảo Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tình Húc cho biết, xã luôn tạo điều kiện tốt nhất để Câu lạc bộ hát Then luyện tập và sinh hoạt theo định kỳ; khuyến khích bà Hoàng Thị Viên tiếp tục truyền dạy cho bà con cũng như các em nhỏ để có thể duy trì, bảo tồn làn điệu Then truyền thống.

Không chỉ làm nhiệm vụ truyền dạy lại cho lớp trẻ nét đẹp văn hóa truyền thống của người Tày, bà Hoàng Thị Viên còn đang mày mò, sáng tác những làn điệu, những bài hát mới, từ đó góp phần làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật hát Then của dân tộc Tày. 

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.