Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Cô gái Cao Lan tỏa sáng trên sân khấu cải lương

Hồng Minh - 15:25, 22/03/2020

Là người Cao Lan (nhóm địa phương của dân tộc Sán Chay), sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền núi phía Bắc nhưng Ninh Thị Như Quỳnh lại say mê môn nghệ thuật cải lương. Niềm đam mê ấy đã đưa cô đến với Nhà hát cải lương Việt Nam và toả sáng qua nhiều vai diễn.

Như Quỳnh (bên trái) trong vai Nàng Út, trong vở “Chuyện Tình Khau Vai”
Như Quỳnh (bên trái) trong vai Nàng Út, trong vở “Chuyện Tình Khau Vai”

Sinh ra ở xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, từ ngày còn ấu thơ, Như Quỳnh đã say mê viết văn, ước mơ sẽ theo nghiệp viết lách khi trưởng thành. Những bài tản văn đầu tiên của Như Quỳnh từng được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, lúc đó cô đã được bố tặng cho một chiếc đài.

Với cô bé học sinh lớn lên ở vùng núi, cuộc sống còn nhiều khó khăn thì chiếc đài nhỏ là cả một “gia sản”. “Nhờ có chiếc đài bố tặng mà tôi thường hay nghe các chương trình dân ca, dân nhạc cổ truyền phát trên Đài. Những làn điệu dân ca cổ truyền ngấm dần vào tâm trí của tôi từ lúc nào không hay”, Quỳnh kể lại.

Thế rồi khi tốt nghiệp THPT, Như Quỳnh đã làm hồ sơ thi vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, ngành Cải lương, Khoa Kịch hát dân tộc. Quyết định của Quỳnh khiến thầy cô, bạn bè đều ngỡ ngàng bởi trước đó, mọi người đều biết Quỳnh có năng khiếu viết lách và ước mơ trở thành nhà báo.

Ngày đi thi, Quỳnh kể, bố dẫn cô về Hà Nội, trước các vị giám khảo khó tính, Quỳnh lấy hết sức bình tĩnh hát bài “Sương chiều”, sau đó được kiểm tra hình thể, thẩm âm. Kết quả Quỳnh đã đỗ vào đại học.

Ròng rã 4 năm đèn sách ở Thủ đô, năm 2008, Quỳnh tốt nghiệp, lúc này cô may mắn được nhận về Nhà hát Cải lương Việt Nam. Vì mới ra trường nên thời gian đầu, Như Quỳnh cũng chỉ nhận được những vai nhỏ, vai phụ trong các vở diễn.

Trái ngược với một Như Quỳnh nhẹ nhàng và có phần hơi nhút nhát, rụt rè trong cuộc sống, Như Quỳnh trong nghề nghiệp lại là người rất mạnh mẽ và dám dấn thân, chấp nhận thử thách để được hóa thân vào nhân vật. Bao nhiêu cố gắng, nỗ lực, cuối cùng cô gái người Cao Lan cũng nhận được những “trái ngọt” đầu tiên. Năm 2009, Như Quỳnh được nhận vai công chúa trong vở “Trời Nam”. Nhưng phải đến năm 2011 với vai Hồng Hà, Quỳnh mới có được vai nặng ký đầu tiên trong vở “Lời thỉnh cầu của dòng sông”.

Như Quỳnh (bên trái) trong vai Nàng Út vở Chuyện Tình Khau Vai
Như Quỳnh (bên trái) trong vai Nàng Út vở Chuyện Tình Khau Vai

Dấu mốc quan trọng đó đã giúp cô liên tục được nhận những vai chính và dành được nhiều giải thưởng tại các cuộc liên hoan. Một số vai diễn để lại dấu ấn và tạo được tiếng vang trong làng cải lương của Như Quỳnh phải kể tới như vai Hoa trong vở “Mê cung” (đoạt HCB Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc 2012); vai Nàng Út trong vở “Chuyện tình Khau Vai” (cuối 2013); vai nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai trong vở “Hừng đông”. Ấn tượng hơn cả, năm 2017, Như Quỳnh vào vai phu nhân Macbeth trong vở “Macbeth” tại cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc.

Hóa thân vào nhiều vai diễn, nhưng với Quỳnh, vai Nàng Út trong vở “Chuyện tình Khau Vai” là cô yêu thích nhất. Với diễn viên khác khi vào vai đó sẽ phải vất vả lên miền núi tìm hiểu phong tục, tập quán để diễn cho có hồn thì Quỳnh lại nhập vào nhân vật một cách dễ dàng. “Bởi tôi vốn sinh ra ở vùng núi nên những hình ảnh trong vở diễn vốn đã quen thuộc với cuộc sống”, Quỳnh chia sẻ.

Gắn bó với nghệ thuật hơn 15 năm, đã cùng anh chị em trong Nhà hát Cải lương Việt Nam đến nhiều vùng miền trên khắp cả nước lưu diễn, nhưng Quỳnh chưa có cơ hội được biểu diễn phục vụ tại quê nhà. Quỳnh mong một ngày gần nhất những làn điệu cải lương do chính cô hát sẽ vang trên những đồng ruộng bậc thang, những khe suối giữa núi rừng Sơn Dương bạt ngàn của quê hương...  

Tin cùng chuyên mục
Hai Nghệ nhân Nhân dân tiêu biểu của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng

Hai Nghệ nhân Nhân dân tiêu biểu của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh tập trung khá đông đồng bào Khmer sinh sống (tỷ lệ trên 30%). Đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, giàu bản sắc, được truyền nối qua nhiều thế hệ. Trong cộng đồng có những hạt nhân ưu tú đã và đang miệt mài, cần mẫn đóng góp tâm sức để làm giàu cho kho tàng di sản văn hóa dân tộc, tiêu biểu như hai Nghệ nhân Nhân dân Châu Ôn và Lý Lết.