Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Nghệ nhân với văn hóa truyền thống

Ngọc Lê - Ngọc Chí - 05:09, 28/11/2023

Trong công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, các nghệ nhân dân gian chính là những người "giữ lửa", "truyền lửa" tình yêu văn hóa dân tộc cho cộng đồng. Họ có đóng góp to lớn trong việc khôi phục, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Nghệ nhân Phạm Vũ Vượng, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn đồng bào đánh cồng, chiêng Mường
Nghệ nhân Phạm Vũ Vượng, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn đồng bào đánh cồng, chiêng Mường

“Truyền lửa” tình yêu cồng, chiêng Mường

Khi nhắc đến cồng, chiêng của đồng bào Mường ở Thanh Hóa, không thể không nhắc tới nghệ nhân Phạm Vũ Vượng ở xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc. Ông có nhiều đóng góp trong việc sưu tầm cồng chiêng, cũng như lưu giữ cách đánh cồng, chiêng của người Mường ở xứ Thanh.

Đã gần 80 tuổi song ông Vượng vẫn luôn rực cháy trong mình ngọn lửa đam mê văn hóa cồng, chiêng. Từ khi lên 8 tuổi ông đã được bố truyền dạy đánh cồng, chiêng, 15 tuổi ông đã đánh thành thạo cồng chiêng. Ông Vượng cho biết: Người Mường tin rằng không có âm thanh nào vang xa bằng tiếng cồng, chiêng và lúc sống cũng như lúc mất, tiếng cồng, chiêng luôn trong tâm thức của họ.

Đau đáu trước nguy cơ văn hóa truyền thống dần mai một, ông Vượng đã miệt mài thực hành và “truyền lửa” cho các thế hệ con cháu. Ông đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người để tìm hiểu, sưu tầm những nét tinh hoa nhất về văn hóa cồng, chiêng của người Mường. Ông đã lưu giữ các ghi chép về cồng, chiêng và sưu tập được 18 bộ cồng chiêng.

Để thanh âm cồng, chiêng không bị mất đi, ông vận động người dân tham gia đánh cồng, chiêng. Ai có đam mê và nhu cầu học cồng, chiêng đều được ông Vượng truyền dạy. Ông đã mạnh dạn đề nghị với chính quyền địa phương thành lập câu lạc bộ cồng, chiêng. Hơn 13 năm hoạt động, câu lạc bộ cồng, chiêng xã Quang Trung vẫn được duy trì và thu hút đông đảo người dân tham gia. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa - văn nghệ mà còn là nơi tập luyện, truyền dạy các bài cồng, chiêng cho lớp trẻ.

(CĐ BĐT - CÓ VIDEO - ĐÃ BT)  Những người “giữ lửa” và “truyền lửa văn hóa truyền thống 1

Gần 80 tuổi vẫn miệt mài truyền dạy hát Then

Cộng đồng người Tày tại xã vùng cao Điền Xá, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) không ai là không biết Nghệ nhân Nông Thị Hang, dù đã gần 80 tuổi nhưng bà vẫn tổ chức thực hành, bảo tồn và truyền dạy hát Then.

26 tuổi bà Hang đã thành thục Then nghi lễ và thường xuyên được mời đi Lẩu Then. Khi lập gia đình, bà theo chồng về định cư ở xã Điền Xá, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) và vẫn tiếp tục thực hành nghi lễ Then tại đây. Từ thời điểm đó đến nay, bà trở thành một bà Then có uy tín, thường xuyên đi làm lễ cầu phúc, cầu an cho bà con người Tày trong vùng. Ngoài các bài Then cổ, bà Hang còn sưu tập được vài chục bài Then mới có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, đổi mới, tinh thần đoàn kết của bà con dân tộc làm phong phú thêm các làn điệu Then.

Để gìn gữ, bảo vệ nét văn hóa, bà Hang đã tập hợp những người yêu thích hát Then chuyền dạy kiến thức và những làn điệu Then cho người dân trong vùng, tổ chức vào các buổi tối tại nhà văn hóa của thôn hoặc ngay tại sân nhà bà. Đến nay bà Hang đã truyền dạy cho vài chục học trò, trong đó những học trò xuất sắc tiếp thu tốt, nay đã biết đàn biết hát. Với những đóng góp của mình, năm 2013 bà được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian.

Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih biểu diễn đàn kơ ní trên sân khấu tại Sydney. Ảnh nhân vật cung cấp.
Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih biểu diễn đàn kơ ní trên sân khấu tại Sydney. Ảnh nhân vật cung cấp.

Đưa nhạc cụ dân tộc ra thế giới

Nghệ nhân ưu tú Rơ Châm Tih, làng Jút 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai nổi tiếng khắp buôn làng Tây Nguyên với tài chế tác nhạc cụ dân tộc độc đáo cùng niềm đam truyền cảm hứng âm nhạc truyền thống cho cộng đồng.

Đối với đồng bào Gia Rai ở Tây Nguyên, các nhạc cụ làm từ tre, nứa, đá... đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần. Đây còn là những công cụ để kết nối với thần linh trong dịp lễ hội của đồng bào Gia Rai. Từ nhỏ, anh Tih đã gắn liền với nhiều lễ hội văn hóa, lớn lên trong tiếng đàn goong, đàn glơng glơh, sáo Bru. Cứ thế, tình yêu âm nhạc truyền thống lớn dần lên trong anh. Ngày ngày, anh cần mẫn theo già làng học hỏi, anh được chỉ cách sử dụng, chế tác hầu hết các nhạc cụ truyền thống của dân tộc.

Từ tre, nứa…, dưới bàn tay tài hoa, khéo léo của nghệ nhân Rơ Châm Tih đã trở thành nhạc cụ dân tộc nổi tiếng như: đàn T'rưng, đàn Goong, đàn Ting ning,… Không chỉ tạo ra nhạc cụ, anh Tih còn sử dụng được rất nhiều loại nhạc cụ. Tiếng đàn, sáo, nhịp gõ T’rưng… Những nhạc cụ này luôn thu hút niềm đam mê của thanh niên trong làng. Nhiều người tìm đến anh để học cách làm và chơi nhạc cụ dân tộc.

Đặc biệt, nghệ nhân Rơ Châm Tih thường xuyên góp mặt trong đoàn nghệ thuật của Việt Nam đến nhiều nước biểu diễn như: Úc, Phần Lan, Campuchia, Vương quốc Anh… Anh đem âm thanh mộc mạc phát ra từ quả bầu khô, ống lồ ô, tre nứa, khi trong trẻo, nhịp nhàng như tiếng chày giã gạo bên dòng suối róc rách dịu êm của nhạc cụ Tây Nguyên để trình diễn, mê hoặc khán giả.

Sau những lần công diễn, nghệ nhân người Gia Rai này vẫn luôn canh cánh trong lòng về bảo tồn văn hoá dân tộc trước cuộc sống hiện đại. Anh Tih mong muốn con cháu đời sau sẽ tiếp tục giữ được nghề làm nhạc cụ dân tộc, gìn giữ văn hoá. Đồng thời, sẵn lòng chỉ dạy để lưu giữ nét đẹp văn hóa này.

Nghệ nhân Rơ Châm Til (bên trái) đang hướng dẫn một du khách nước ngoài sử dụng nhạc cụ truyền thống Jrai
Nghệ nhân Rơ Châm Til (bên trái) hướng dẫn một du khách nước ngoài sử dụng nhạc cụ truyền thống Jrai

Nhìn nhận đúng vai trò của nghệ nhân dân gian

Hiện nay, cùng với quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, các yếu tố văn hóa của người dân Việt Nam nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng có xu hướng biến đổi, văn hóa dân gian bị mờ nhạt, mất bản sắc, thậm chí không còn lưu giữ được. Ðứng trước những nguy cơ đó, những nghệ nhân sẽ là "sợi dây" níu giữ các yếu tố văn hóa dân gian truyền thống, trao truyền cho thế hệ sau.

Việc nhìn nhận đúng vai trò của nghệ nhân trong bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể càng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam nói chung và đồng bào DTTS nói riêng.

Triển khai Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tôc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trong đó có nội dung Xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận; đã thêm nguồn lực hỗ trợ cho công tác bảo tồn văn hóa; tiếp thêm động lực để động viên, khích lệ các nghệ nhân tiếp tục cống hiến, có những đóng góp cho cộng đồng trong việc bảo tồn, phục dựng văn hóa truyền thống.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.