Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Nghị lực của một học sinh nghèo, khuyết tật người Mông

PV - 16:34, 09/11/2021

Từ nhỏ hai chân bị teo tóp và liệt, không mặc cảm, tự ti, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhà trường và bạn học, em Hờ Thị Sâu, học sinh lớp 7B, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Hang Chú (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) vẫn chăm chỉ đến lớp học, luôn là tấm gương đầy nghị lực trong học tập…

Hờ Thị Sâu luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các thầy, cô giáo và bạn học.
Hờ Thị Sâu luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các thầy, cô giáo và bạn học.

Có dịp trở lại xã vùng cao Hang Chú của huyện Bắc Yên, nơi quanh năm được bao bọc bởi những làn sương trắng bạc cùng với một khí hậu lạnh đặc trưng của vùng cao, chúng tôi đã được chứng kiến những hình ảnh đẹp, xúc động của tình bạn, tình thầy trò cùng nghị lực vươn lên trong học tập của một học sinh khuyết tật người dân tộc Mông.

Đi học bằng đôi chân của bạn

Hình ảnh một học sinh khuyết tật được các bạn học cùng lớp thay nhau cõng lên lớp, cõng đến nhà ăn bán trú vào các giờ ăn hay cõng đi tắm đã trở thành quen thuộc với thầy trò cũng như người dân xã Hang Chú trong nhiều năm qua.

Nữ học sinh này là em Hờ Thị Sâu, sinh năm 2003, dân tộc Mông. Sâu là con thứ 3 trong trong một gia đình có 5 anh chị em tại bản Pá Hốc, xã Hang Chú. Không được may mắn như các bạn cùng trang lứa, khi mới chào đời, Sâu đã có một cơ thể không lành lặn. Đôi chân của em bị teo tóp, cơ thể yếu và nước da tái nhợt.

Ngày mới chào đời, gia đình Sâu đã đưa em đi khám mới biết em bị khuyết tật bẩm sinh, cơ hội chữa trị bằng không. Do vậy, lớn lên, đôi chân em cứ thế teo dần, muốn di chuyển phải có người khác giúp đỡ bằng cách cõng hoặc không có người hỗ trợ thì Sâu phải dùng đôi tay của mình để di chuyển.

Chị Lầu Thị Súa, mẹ của em Hờ Thị Sâu, chia sẻ: Gia đình cũng đưa Sâu đi khám, điều trị các nơi nhưng bệnh của em không thể điều trị được. Do vậy, đến tuổi đi học, gia đình cũng để Sâu ở nhà mất mấy năm. Sau này, Sâu khóc và đòi đi học nên gia đình tôi đã cho cháu đến lớp. Thực lòng gia đình cho cháu đi học cũng bởi cháu thích đến lớp chứ không nghĩ con mình sẽ theo học được đến tận bây giờ.

Chia sẻ thêm, chị Lầu Thị Súa cho biết: Thời gian 3 năm học ở bản đưa đón cháu cũng rất vất vả. Do vậy, khi hết lớp 3 phải ra ngoài trung tâm học, gia đình tôi lo lắng lắm. Nhưng thấy cháu quyết tâm theo học tiếp và có sự hỗ trợ, động viên của nhà trường, đặc biệt là có các bạn học đã thay gia đình cõng cháu đến lớp nên gia đình cũng yên tâm cho cháu ra ngoài trung tâm học.

Cũng chính nhờ sự quan tâm của nhà trường, đặc biệt là sự hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp trong bao năm qua của các bạn học khi cõng Sâu đi học hay giúp Sâu trong sinh hoạt hằng ngày nên việc học của Sâu cũng vì thế giảm được nhiều khó khăn.

Theo thầy giáo Hoàng Văn Thực, chủ nhiệm lớp 7B, chính sự giúp đỡ của các bạn học Sồng Thị Tồng, Vừ Minh Ánh, Hờ Thị Linh… trong nhiều năm qua đã cõng em Sâu đi học, giúp việc học tập của Sâu được thuận tiện hơn. Đây là một học sinh khuyết tật nhưng rất nghị lực, em Sâu không ngại về thể trạng của mình mà dẫn đến tự ti, em rất ham học và chữ viết rất đẹp.

Nhận xét thêm về em Hờ Thị Sâu, thầy giáo Dương Duy Tấn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, nhà trường rất tự hào về tinh thần học tập của em Hờ Thị Sâu. Là một học sinh khuyết tật nhưng em đã vượt lên hoàn cảnh để theo học. Trường luôn lấy gương em Sâu để giáo dục các em khác. Với một học sinh như em mà học tập được như vậy là rất đáng biểu dương. Nhà trường đã tạo mọi điều kiện cho em đến lớp và cũng đã có nhiều hình thức khen thưởng, động viên tinh thần học tập của em Sâu và các bạn đã cõng Sâu đến lớp.

Ước mơ trở thành cô giáo

Bất kỳ ai khi được chứng kiến một giờ học của thầy trò lớp 7B, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hang Chú sẽ được bắt gặp hình ảnh một cô bé học trò khuyết tật ngồi ngay đầu bàn có một tinh thần học rất sôi nổi và nghiêm túc. Bất kỳ là giờ học môn gì, Sâu đều là một trong số những học sinh thường xuyên giơ tay xin phát biểu sau mỗi câu hỏi của thầy, cô giáo.

Trong lớp học, Hờ Thị Sâu được đánh giá là chăm chỉ và luôn mạnh dạn phát biểu.
Trong lớp học, Hờ Thị Sâu được đánh giá là chăm chỉ và luôn mạnh dạn phát biểu.

Thân hình thì nhỏ bé so với tuổi 18 và chỉ nặng chưa đến 20kg nhưng tinh thần học tập, ý thức trong giờ học của em Hờ Thị Sâu luôn được các thầy, cô giáo đánh giá rất cao. Bất kể mưa hay nắng hầu như em Sâu không nghỉ học ngày nào. Ở lớp em luôn chú ý nghe thầy, cô giáo giảng bài, chỗ nào chưa hiểu em luôn hỏi cô và các bạn để tìm lời giải.

Em Sồng Thị Tồng, một trong ba bạn cõng Sâu đi học, cho biết: Trong lớp ai cũng yêu quý và sẵn sàng giúp đỡ bạn Sâu. Mặc dù hơn tuổi chúng em nhưng trong lớp ai cũng đều gọi bằng bạn. Bạn ấy luôn hòa đồng cùng chúng em, mọi phong trào của trường, lớp tổ chức bạn Sâu đều có mặt.

Ngoài việc được các bạn học cõng đi học hay hỗ trợ trong sinh hoạt hằng ngày, Sâu còn được các thầy, cô giáo thường xuyên động viên và giúp đỡ khi thay nhau đến phòng bán trú của em để chỉ bảo thêm kiến thức bài giảng hay những lúc ốm cần bàn tay của người lớn.

Ông Mùa A Dủa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hang Chú, thông tin, Hờ Thị Sâu là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Bố thì bỏ đi lấy vợ khác nên tất cả mọi thứ đều đổ dồn lên vai mẹ của em. Xã cũng đã thường xuyên phối hợp nhà trường để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho em Sâu được theo học. Đây cũng là trường hợp được xã chỉ đạo phải đặc biệt quan tâm để em hoàn thành được việc học tập của mình.

Chia sẻ về ước mơ của mình, Hờ Thị Sâu tâm sự: "Em sẽ cố gắng chăm chỉ học tập để sau này kiếm được việc làm ổn định hỗ trợ cho gia đình và không phụ lòng mong mỏi của các thầy, cô giáo và các bạn. Em ước mơ sau này sẽ trở thành một cô giáo để được dạy lại các em nhỏ cũng có hoàn cảnh khó khăn như em".

Ước mơ trở thành cô giáo của cô học trò đặc biệt Hờ Thị Sâu còn đó những thử thách và chông gai, nhưng với ý chí, nghị lực cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhà trường, bạn học trong nhiều năm qua, tin rằng Sâu sẽ thực hiện được ước mơ trở thành cô giáo để dạy lại các em nhỏ có hoàn cảnh như mình.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.