Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Ngọc Lặc (Thanh Hóa): Giải quyết tình trạng cơ sở chế biến mủ cao su gây ô nhiễm môi trường

Quỳnh Trâm - 15:27, 17/11/2021

Với cách chế biến theo phương pháp thủ công, không có hệ thống xử lý nước thải, cơ sở chế biến mủ cao su tại xã Ngọc Trung, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đang khiến người dân trong khu vực bức xúc, vì tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài.

Hố chứa nước thải của cơ sở chế biến mủ cao su được che phủ bằng bạt sơ sài
Hố chứa nước thải của cơ sở chế biến mủ cao su được che phủ bằng bạt sơ sài

Ghi nhận tại cơ sở chế biến mủ cao su của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hằng, thôn Thọ Phú, xã Ngọc Trung, huyện Ngọc Lặc đang có nhiều loại máy móc hoạt động, thành phẩm cao su chất thành đống, nằm ngổn ngang. Nước thải bẩn có màu xám đục, đặc quánh và sủi bọt bốc mùi hôi thối, nồng nặc được chảy trực tiếp vào khu vực bể lắng xây dựng sơ sài, lộ thiên, nằm cách khu dân cư chỉ vài chục mét.

Do chế biến mủ cao su theo phương pháp thủ công, không đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý chất thải, nước xả thải còn chưa theo quy định bảo vệ môi trường, cộng với việc hoạt động hết công suất… dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài, khiến người dân địa phương bức xúc.

Một người dân sống gần khu vực trên cho biết, mùi hôi thối từ cơ sở này bốc lên cả ngày lẫn đêm, nên lúc nào nhà cũng phải đóng kín cửa. “Chúng tôi mất ăn mất ngủ vì mùi hôi thối. Lúc nào cũng cảm thấy chóng mặt, buồn nôn. Chỉ mong chính quyền sớm xử lý tình trạng này”.

Không những thế, tiếng ồn từ cơ sở cũng ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân xung quanh. Người dân trong thôn cũng nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên chính quyền địa phương, nhưng không được xử lý.

Cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hằng
Cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hằng

Ông Trương Công Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Trung cho biết: Xã đã đi kiểm tra, nhắc nhở hộ gia đình khắc phục bể nước thải, như xây dựng cao bể nước thải lên để mưa nước thải không bị tràn ra ngoài. Trước đây, xã quy hoạch cơ sở này vào khu vực chế biến lâm sản, nhưng lâu nay bà Hằng không chế biến lâm sản, mà chuyển sang làm chế biến mủ cao su.

Ông Đặng Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết, huyện đã nhận được thông tin phản ánh của báo chí về tình trạng gây ô nhiễm môi trường, từ cơ sở thu mua chế biến mủ cao su làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. UBND huyện Ngọc Lặc đã đề nghị hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hằng, cam kết tạm dừng hoạt động để khắc phục thiếu sót. Đồng thời, giao UBND xã Ngọc Trung tuyên truyền cho người dân khi vận chuyển mủ cao su đến nhập cho cơ sở của bà Nguyễn Thị Hằng phải che đậy các bao, thùng đựng, bảo đảm không phát tán mùi gây ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh, cũng như trong quá trình lưu thông vận chuyển...

Theo ông Quang, liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã chỉ đạo sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), kiểm tra tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hằng.

Sở TN&MT báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa về tình trạng ô nhiễm của cơ sở
Sở TN&MT báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa về tình trạng ô nhiễm của cơ sở

Theo kết quả kiểm tra của Sở TN&MT, trong quá trình hoạt động cơ sở chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp thu gom, xử lý chất thải. Cụ thể: Rác thải sinh hoạt chưa được thu gom đúng nơi quy định; hệ thống rãnh thu nước thải chưa có nắp đậy; bể xử lý nước thải, bể thu gom nước mưa chảy tràn chưa xây be bờ xung quanh, nắp đậy bằng bạt chưa bảo đảm theo quy định; chưa phân tách riêng nước thải với nước mưa chảy tràn. Bên cạnh đó, hoạt động vận chuyển mủ cao su và quá trình chế biến mủ phát sinh mùi hôi thối; nước thải chế biến mủ cao su không được xử lý đúng quy định đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.

Sở TN&MT đề nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc: Yêu cầu hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hằng tạm dừng hoạt động thu mua, chế biến mủ cao su; thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Cụ thể: Khẩn trương di chuyển nguyên liệu chưa chế biến ra khỏi phạm vi nhà xưởng, không thu mua nguyên liệu mới; thực hiện vệ sinh công nghiệp, thu gom chất thải tồn đọng trong nhà xưởng; xây dựng đầy đủ công trình xử lý chất thải theo nội dung Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận.

Chỉ đạo UBND xã Ngọc Trung giám sát việc tạm dừng hoạt động và khắc phục ô nhiễm môi trường của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hằng. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm trong trường hợp cơ sở không chấp hành các yêu cầu trên và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.