Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

“Ngôi nhà hạnh phúc” của trẻ em dân tộc thiểu số mồ côi

PV - 17:37, 09/09/2021

“Chương trình “Ngôi nhà hạnh phúc” được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thực hiện, nhằm huy động nguồn lực ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để giúp đỡ xây dựng nhà ở cho các em học sinh mồ côi dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn, miền núi và biên giới. Đến nay, chương trình đã được sự hưởng ứng từ cộng đồng, đoàn viên, thanh niên trên cả nước, giúp đỡ nhiều học sinh vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập” - chị Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm tình nguyện Quốc gia, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khẳng định.

Lễ khởi công xây dựng “Ngôi nhà hạnh phúc” cho 2 chị em Quàng Thị Khôn và Quàng Thị Vân (xã Mường Sài, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La). Ảnh: Minh Lợi
Lễ khởi công xây dựng “Ngôi nhà hạnh phúc” cho 2 chị em Quàng Thị Khôn và Quàng Thị Vân (xã Mường Sài, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La). Ảnh: Minh Lợi

Chị Đỗ Thị Kim Hoa cho biết, chương trình “Ngôi nhà hạnh phúc” được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam triển khai giữa năm 2000. Đến thời điểm này, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị xây dựng 26 ngôi nhà tặng các em học sinh mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của 13 tỉnh trên cả nước. Mỗi ngôi nhà trị giá 80 triệu đồng, gồm 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 nhà vệ sinh với diện tích từ 40 - 50m2.

“Chương trình “Ngôi nhà hạnh phúc” đã mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không chỉ thể hiện sự chia sẻ, chung tay của những tấm lòng nhân ái của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí xây dựng nhà ở; mà đây là địa chỉ để tổ chức đoàn địa phương đỡ đầu học sinh mồ côi, thường xuyên thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các em trong học tập, cũng như sinh hoạt, giúp các em vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Chương trình còn kêu gọi Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhận đỡ đầu các em với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho đến năm các em 18 tuổi. Ngoài ra, khi khánh thành nhà mới, tổ chức đoàn, hội tại địa phương sẽ kêu gọi, huy động các tổ chức, cá nhân tặng đồ dùng học tập, vật dụng trong gia đình, lắp đặt bàn thờ để các em thờ cúng bố, mẹ không may đã qua đời” - chị Đỗ Thị Kim Hoa chia sẻ.

Gia đình 2 chị em Quàng Thị Khôn, học sinh lớp 6 và Quàng Thị Vân, học sinh lớp 4 (xã Mường Sài, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bố mắc bệnh hiểm nghèo, mất năm 2019. Để có tiền chữa bệnh cho bố, mẹ phải bán nhà, bán đất sản xuất, nên hiện nay, 3 mẹ con đành xin ở tạm nhà của người thân. Cuộc sống của 3 mẹ con thường xuyên rơi vào cảnh thiếu ăn, việc học tập của 2 chị em đều nhờ vào sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước.

Ngày khởi công xây dựng “Ngôi nhà hạnh phúc”, em Quàng Thị Khôn xúc động nói, đây là ước mơ lớn nhất của 3 mẹ con em khi có một mái ấm riêng cho mình. Từ ngày bố em mắc bệnh hiểm nghèo rồi mất, mẹ thường xuyên ốm đau, cuộc sống hết sức khó khăn, nhưng 2 chị em luôn động viên nhau cố gắng vươn lên trong cuộc sống, vừa học tập tốt, vừa giúp mẹ công việc nhà. Em rất mong đến ngày khánh thành ngôi nhà để 3 mẹ con em được sống trong một mái nhà kiên cố, hạnh phúc, tạo điều kiện để em viết tiếp giấc mơ học tập của mình.

Tỉnh đoàn Quảng Trị và Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị trao “Ngôi nhà hạnh phúc” cho học sinh mồ côi tại xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Minh Lợi
Tỉnh đoàn Quảng Trị và Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị trao “Ngôi nhà hạnh phúc” cho học sinh mồ côi tại xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Minh Lợi

Còn em Hồ Thị Chúc (học sinh lớp 5, xã Trà Phong, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi), sinh ra trong một gia đình với 4 anh em, Chúc là con thứ 3 trong gia đình, bố mất sớm, mẹ bỏ đi lấy chồng. Nhiều năm nay, Chúc cùng 3 anh em sống nương tựa vào nhau trong căn nhà dột nát, có nguy cơ sập xuống bất cứ lúc nào. Chỗ ngủ cũng phải dùng thân tre buộc lại, kê lên mấy viên gạch để làm giường.

Em Hồ Thị Chúc cho biết, 2 anh lớn vì hoàn cảnh quá khó khăn đã bỏ dở học hành, hàng ngày lên nương rẫy, ai thuê gì thì làm nấy, miễn là có tiền lo cho các em ăn học. Vì vậy, dù cuộc sống khó khăn, nhưng em phải cố gắng học tập để sau này có tương lai, đỡ đần 2 anh nuôi đứa em nhỏ. Nay, được các cô chú hỗ trợ xây dựng ngôi nhà mới, kiến cố, không sợ mưa gió nữa, em sẽ càng phải cố gắng học tập tốt hơn.

Nói về kế hoạch thực hiện chương trình “Ngôi nhà hạnh phúc” trong tương lai, chị Đỗ Thị Kim Hoa thông tin: “Địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới vẫn còn rất nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần sự giúp đỡ. Vì vậy, chúng tôi sẽ không ngừng cố gắng phối hợp với các tổ chức, cá nhân huy động nguồn lực từ xã hội xây dựng nhiều “Ngôi nhà hạnh phúc”, giúp các em học sinh nghèo có mái nhà kiên cố, để các em yên tâm học tập, có thể làm thay đổi cuộc sống sau này”.

“Trước mắt, hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10/1956 - 15/10/2021), Trung ương Hội sẽ phối hợp các tổ chức đoàn địa phương, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, đoàn viên thanh niên chung tay triển khai xây dựng, hoàn thành 65 “Ngôi nhà hạnh phúc” cho các em học sinh mồ côi dân tộc thiểu số. Còn về lâu dài, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam sẽ phối hợp với chương trình “Sức mạnh 2000” vận động nguồn lực xây dựng nhiều mái ấm hạnh phúc cho các em mồ côi dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Mặt khác, chúng tôi sẽ phối hợp với chương trình “Nuôi em” vận động Đoàn thanh niên, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp nhận đỡ đầu các em đến khi trưởng thành, giúp các em học sinh nghèo có chỗ dựa vững chắc, yên tâm cắp sách tới trường, xây dựng tương lai hạnh phúc sau này” - chị Đỗ Thị Kim Hoa khẳng định.