Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đặc sắc những điệu múa của người Cao Lan

Giang Lam - 13:13, 09/11/2019

Điệu múa của người Cao Lan rất phong phú và đặc sắc. Các điệu múa đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng; cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, thể hiện khát vọng, ước nguyện của những người dân lao động.

Điệu múa pâng loóng của người Cao Lan xã Kim Phú, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).
Điệu múa pâng loóng của người Cao Lan xã Kim Phú, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).

Ông Lâm Văn Minh, thôn 15, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) là một người am hiểu văn hóa Cao Lan cho biết, người Cao Lan có hàng trăm điệu múa khác nhau. Trong đó chia làm 2 nhóm: Múa trong các nghi lễ tín ngưỡng và múa văn nghệ kết hợp hát sình ca. Trước hết, đó là các điệu múa biểu diễn tại các nghi lễ thờ cúng tế lễ thần thánh, cầu an, giải hạn… Các điệu múa chủ yếu thể hiện cử chỉ ngoại hình của thánh thần, thể hiện niềm vui đón chào các vị thần.

Chẳng hạn như điệu múa “Sau quat”, miêu tả bàn tay Phật, “Phúi mạc lừ” - diễn tả đôi tai thần thánh, “bat bat hooc, bạt bạt hoi” - đóng cửa trời, mở cửa trời để thánh thần đi lại giao tiếp thế giới loài người; “Sìa cời” - gọi cờ múa cờ cho thánh thần… Các điệu múa này thực hiện khá nhiều kiểu cách, chi tiết cầu kỳ. Trong đó, có sự kết hợp tiếng trống, tiếng nhạc, tiếng hát cùng nhịp chân nhảy, tay múa uyển chuyển. 

Điệu múa “Cầu mùa” của người Cao Lan xã Thành Long, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang).
Điệu múa “Cầu mùa” của người Cao Lan xã Thành Long, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang).

Thông dụng nhất trong văn hóa Cao Lan, là các điệu múa gắn liền với sinh hoạt con người, được biểu diễn trong các dịp lễ hội. Bao gồm: Múa xúc tép, chim gâu, pâng loóng, múa cầu mùa, múa còn…

Đặc biệt, điệu múa pâng loóng ra đời từ rất lâu, đến nay vẫn được lưu truyền trong đồng bào dân tộc Cao Lan. Bà Lâm Thị Thức, thôn 8, Hợp Hòa, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) cho biết, đây là điệu múa mang tính ước lệ cao, miêu tả lại quá trình làm nương của người Cao Lan, từ lúc tra hạt cho đến lúc thu hoạch mang về giã thành gạo. Nhạc cụ sử dụng cho điệu múa này chủ yếu là bộ gõ, bao gồm trống và các ống tre. Loại nhạc cụ này tạo nên ấn tượng sôi động và khó quên trong lòng người xem. Tiếng gõ muống, tiếng nhạc đệm từ những nhạc cụ truyền thống, chính là một phần quan trọng tạo nên sự khác lạ, thu hút trong điệu múa pâng loóng. Người dân hò reo theo giai điệu rộn ràng làm cho không khí thêm náo nhiệt.

Điệu múa “Sau quat” của người Cao Lan xã Kim Phú huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).
Điệu múa “Sau quat” của người Cao Lan xã Kim Phú huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).

Bên cạnh đó, có điệu múa chim gâu được kết hợp trong các dịp hát sình ca của cặp trai gái. Cả điệu múa chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn một là đứng múa (nội lau thượng) khi múa thể hiện như hai người đang làm quen nhau. Giai đoạn hai là ngồi múa (nội lau trung) thể hiện hai người bắt đầu nảy nở tình yêu. Giai đoạn ba vẫn là ngồi múa nhưng 2 tay giang ra như hai con chim gâu đang xòe cánh gù vào nhau (còn gọi là nội lau hạ), thể hiện tình yêu đã ở độ chín muồi. Đây là điệu múa có sự kết hợp khéo léo giữa người nam, người nữ và những thanh âm phát ra từ bộ gõ. Đối với nam thanh, nữ tú thì đây là cơ hội để tâm sự, hẹn hò và có nhiều đôi trai gái đã phải lòng nhau, rồi nên vợ nên chồng.

Múa xúc tép, tiếng Cao Lan gọi là “sọc cộng”. Điệu múa này thường có từ 3 người trở lên. Múa xúc tép diễn tả hoạt động của con người bắt cá làm thức ăn. Khi múa 2 tay cầm cán vợt xúc tép, cá đưa chéo xuống; 1 chân làm trụ 1 chân bước theo nhịp của trống, hai tay đưa vợt lên xuống làm động tác như đang xúc tép. Tất cả là sự kết hợp nhịp nhàng tiếng nhạc, trống và sự uyển chuyển hình thể của người biểu diễn. Múa xúc tép không hạn chế về số lượng, tuổi tác và giới tính nên mỗi dịp tổ chức múa đều tạo sự vui tươi, phấn khởi. 

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.