Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người cất giữ 4 chiếc mã la của tộc họ Mai

Sơn Ngọc - 17:59, 28/07/2023

Khi chúng tôi đến thôn Ma Oai, xã Phước Thắng, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, Nghệ nhân Ưu tú Mai Thấm (dân tộc Raglay) đang ngồi trước hiên nhà tỉ mẩn cân chỉnh âm thanh mã la để chuẩn bị truyền dạy biểu diễn nhạc cụ cho các cháu học sinh trong kỳ nghỉ Hè.

Người cất giữ 4 chiếc mã la của tộc họ Mai
Người cất giữ 4 chiếc mã la của tộc họ Mai

Ngừng tay cân chỉnh âm thanh chiếc mã la, nghệ nhân Mai Thấm pha ấm trà ngon mời khách và chia sẻ câu chuyện về nhạc cụ dân tộc. Nghệ nhân Mai Thấm cho biết, ông bà tộc họ Mai xã Phước Thắng để lại cho con cháu 4 chiếc mã la. Ông là người được thừa kế, cất giữ báu vật mã la của tộc họ.

Tuy nhiên, khi chơi mã la, cần có 8 chiếc mới bày tỏ hết lời ăn tiếng nói tình cảm của đồng bào Raglay kết nối với hồn thiêng sông núi, với tổ tiên. Vì vậy, ông Mai Thấm dắt 2 con trâu đi bộ hơn ba chục cây số ra Cam Ranh (Khánh Hòa) đổi 4 chiếc mã la gùi về làng.

Ông say mê giới thiệu với chúng tôi về vị trí của từng chiếc mã la trong dàn “đồng thanh” của núi rừng Bác Ái. Trong đó quan trọng nhất là chiếc mã la “mẹ” giữ nhịp cho các mã la con cất tiếng, làm nên bản hòa âm đặc sắc của núi rừng trong các dịp mừng đón lễ hội, vui mùa lúa mới, cưới hỏi, bỏ mả... Nhờ có bộ mã la này, ông đã truyền dạy cho trên 60 người biểu diễn thành thục nhạc cụ truyền thống của dân tộc Raglay. Trong đó có 2 đội mã la là học sinh Trường THCS Lê Lợi và Trường Phổ thông DTNT Pi Năng Tắc.

Tháng 11/2015, ông Mai Thấm vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.

Nghệ nhân ưu tú Mai Thấm cân chỉnh mã la
Nghệ nhân ưu tú Mai Thấm cân chỉnh mã la

Phát huy vai trò của Nghệ nhân Ưu tú, ông Mai Thấm động viên con cháu nỗ lực làm ăn, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Raglay; nghiên cứu truyền dạy mã la, kèn bầu và chế tác đàn chapi phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách đến với tỉnh Ninh Thuận.

Chỉ tay vào 5 chiếc đàn chapi màu vàng óng vừa hoàn thành, Nghệ nhân Ưu tú Mai Thấm cho biết, những chiếc đàn này ông chuẩn bị giao cho khách hàng. Mỗi chiếc đàn chapi có giá 200 ngàn đồng, mỗi tháng làm được chục chiếc đàn cũng giúp ông có thêm thu nhập, bảo đảm cuộc sống.

Để chế tác chiếc đàn chapi bền đẹp, Nghệ nhân Ưu tú Mai Thấm phải lên núi cao chọn đốn cây tre già, lóng dài, không bị nứt. Cây tre mang về để trong bóng râm mát khoảng 2 tháng cho khô mới đưa ra làm đàn. Các công đoạn làm đàn cũng tỉ mẩn, kỳ công từ khâu làm dây đàn, đặt chốt, cân chỉnh âm thanh cho đàn chapi có “hồn vía”.

Trong mùa Hè năm nay, Nghệ nhân Ưu tú Mai Thấm được Phòng Văn hóa huyện mời tham gia truyền dạy lớp biểu diễn mã la cho 30 học viên, khai giảng vào đầu tháng 8/2023 sắp tới. Với đồng bào Raglay ở xã Phước Thắng, nghệ nhân Mai Thấm chính là “báu vật sống” của bản làng.

"Toàn huyện hiện có 5 Nghệ nhân Ưu tú đã tích cực góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Raglay. Trong đó, Nghệ nhân Ưu tú Mai Thấm đã phát huy tốt vai trò người truyền dạy mã la và chế tác đàn chapi cho thế hệ trẻ”.

Ông Trần Văn Toàn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bác Ái.

Tin cùng chuyên mục
Ra mắt mô hình văn hóa cồng chiêng phục vụ du lịch ở Đà Lạt

Ra mắt mô hình văn hóa cồng chiêng phục vụ du lịch ở Đà Lạt

Câu lạc bộ văn hóa cồng chiêng của người Cơ Ho - một dân tộc sinh sống lâu đời nhất ở Tp. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vừa được hình thành và ra mắt tại xã Tà Nung, hứa hẹn có nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút du khách.