Vượt lên chính mình
11 tuổi, Bàn Mùi Khe theo bố mẹ từ Cao Bằng vào Đắk Lắk lập nghiệp và tiếp tục được gia đình cho đi học. Tuy nhiên, năm Khe 13 tuổi, cậu em trai duy nhất đột ngột qua đời, cũng từ đó Khe không được đến trường nữa, mà phải ở nhà bắt chồng để có người làm nương rẫy.
Không chấp nhận làm vợ người đàn ông bố mẹ đã chọn làm chồng, năm lần bảy lượt Khe bỏ nhà đi làm thuê cho bà con đồng hương ở các xã lân cận, thậm chí bỏ đi khỏi tỉnh tìm việc làm. Sau nhiều lần đấu tranh, vượt qua bao thị phi, rào cản năm 16 tuổi, cô gái người Dao Bàn Mùi Khe chính thức bỏ chồng.
Chị Khe chia sẻ: Bỏ chồng là điều khó chấp nhận của phụ nữ người Dao, người ta đàm tiếu, lời ra tiếng vào nhiều, cuộc sống áp lực lắm, nhưng mình không trách họ. Mình tự nghĩ, mình làm tất cả mọi việc giỏi giang, thì không ai có thể nói được mình.
“Để chứng minh cho mọi người thấy quyết định của mình không sai, tôi cố gắng làm việc cho bằng một người đàn ông, tất cả việc nặng từ xẻ gỗ làm nhà, vác bao lúa, bốc vác phân bao, đẩy cày, đẩy xe cải tiến, nhấc đá… tôi đều làm hết mình. Thời gian trôi qua, gia đình, hàng xóm dần quên đi chuyện cũ và tin tưởng mình”, chị Khe nói.
Năm 18 tuổi, chị Khe được lựa chọn làm cộng tác viên dân số kế hoạch hóa gia đình kiêm Y tế thôn, sau đó đảm đương nhiều vị trí công tác khác, dù chị mới học đến lớp 6, nhưng lại là người duy nhất trong thôn biết chữ, nên cứ có việc cần đến chữ là hàng xóm tìm đến chị Khe, mọi người trong thôn nhờ viết thư về quê, rồi đọc thư ngoài quê vào cho bà con nghe. Năm 2014, chị Khe được bầu làm Người có uy tín trong đồng bào DTTS của thôn Đại Thành.
Từ khi tham gia công tác xã hội, chị Khe tham gia nhiều lớp tập huấn, học hỏi kỹ năng điều hành, tuyên truyền, khai thác thông tin trong Nhân dân và có thêm nhiều kiến thức, hiểu biết. Những kiến thức học hỏi được, trở về địa phương chị đều chia sẻ đến bà con, đặc biệt là tuyên truyền trẻ em vị thành niên không tảo hôn, không bỏ học. Đặc biệt, để giúp chị em biết chữ, chị đã đến từng nhà vận động phụ nữ tham gia lớp xóa mù chữ do chị Khe cùng với một thầy giáo trực tiếp tổ chức giảng dạy miễn phí.
“Không ai được chọn nơi mình sinh ra, nhưng tôi được chọn cách sống, sẵn sàng từ bỏ những thứ không phù hợp để góp sức mình xây dựng gia đình và cộng đồng phát triển”, chị Khe bày tỏ quan điểm.
Tiên phong mở đường phát triển kinh tế
Không chỉ làm tốt vai trò của một cán bộ thôn, chị Khe còn là người đi đầu, mở đường trong chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Trước đây, người dân thôn Đại Thành chỉ trồng cây ngắn ngày. Năm 2013, chị Khe mạnh dạn chuyển đổi 2 ha đất trồng bắp, mì sang trồng cà phê. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sau 3 năm, gia đình chị đã có thu nhập ổn định, do vậy, chị đã vận động bà con trong thôn chuyển đổi cây trồng. Thấy chị làm được, nhiều người dân trong thôn tìm đến học hỏi và chị Khe tận tình hướng dẫn. Chỉ trong vài năm, từ một địa bàn không có cây công nghiệp, nhờ chị Khe mà nay, cả thôn đã có hàng trăm ha cà phê. Đời sống kinh tế của bà con dân tộc Dao thôn Đại Thành vì thế cũng được nâng lên rõ rệt.
Ngoài ra, chị còn tuyên truyền vận động người dân trong thôn, thay đổi nhận thức, bỏ phong tục, tập quán lạc hậu. Chị Khe chia sẻ, năm 2016, trước thực trạng Đại Thành là thôn đứng đầu của huyện về tình trạng tảo hôn, chị đã cùng cán bộ thôn buôn, xã đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra gắt gao việc đăng ký kết hôn, xử lý, lập biên bản những cặp đôi chuẩn bị cưới mà chưa đủ tuổi. Bản thân chị luôn gần gũi tìm hiểu về cuộc sống của bà con, nên khi phát hiện trong thôn chuẩn bị có đám cưới tảo hôn, chị đã thông tin lại cho cán bộ xã, phối hợp cùng tham gia vận động, can thiệp kịp thời.
Bây giờ thôn Đại Thành không còn tảo hôn nhiều như trước, người lớn cũng không còn ép cưới, bọn trẻ ham học hơn không còn muốn lập gia đình sớm, người sinh con thứ 3 dường như cũng không còn.
Với ưu điểm là phụ nữ, còn trẻ, năng nổ nhiệt tình với công tác xã hội nên qua quá trình hoạt động, chị Khe đã tích lũy cho mình được nhiều thông tin nên chị còn mạnh dạn tham gia nhiều cuộc thi như: thôn nữ giỏi giang duyên dáng, dân vận khéo, tuyên truyền viên giỏi, thi trang phục truyền thống... mỗi cuộc thi chị đều được giải cao. Đặc biệt chị còn đạt giải là hòa giải viên giỏi cấp tỉnh.
Với những đóng góp trong suốt những năm tháng hoạt động, năm nào chị đã nhận được khen thưởng, biểu dương từ các cấp chính quyền. Chị cũng là nữ đại biểu 2 lần đi dự Đại hội DTTS của tỉnh.