Huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai là một trong những địa bàn miền núi, đông đồng bào DTTS sinh sống, nhận thức của đồng bào về công tác bình đẳng giới còn hạn chế.
Theo bà Siu H’Thoan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Prông, triển khai thực hiện Dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" (Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi), Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Prông đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, khuôn mẫu giới, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi. Trong đó, việc nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín được xác định là nhiệm vụ quan trọng.
Thông qua Hội nghị tập huấn, đã trang bị và nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện tuyên truyền về bình đẳng giới cho già làng, trưởng buôn và Người có uy tín trong cộng đồng. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và thái độ thực hiện các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Ông Rah Lan Suyt, Người có uy tín làng Mui tại xã Bình Giáo, huyện Chư Prông cho biết: Được tham gia Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực thực hiện công tác bình đẳng giới, đã giúp ông có thêm nhiều kinh nghiệm, được trang bị và nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện tuyên truyền về bình đẳng giới trong cộng đồng.
Còn tại TP. Lào Cai, cũng từ các hội nghị tập huấn, nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho đội ngũ Người có uy tín đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới của địa phương.
Ông Tẩn Vần Vầy, Người có uy tín ở thôn Xéo Tả, xã Tả Phời, TP. Lào Cai chia sẻ: Trong thôn có 57 hộ đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Người Dao vẫn còn tình trạng lấy chồng, lấy vợ sớm. Thậm chí có những đôi trẻ đến với nhau không vì tình yêu, mà bởi cha mẹ nhờ thầy cúng xem lá số rồi “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy".
Khi được tập huấn nâng cao nhận thức về công tác bình đẳng giới, ông Tẩn Vần Vầy càng hiểu rõ hơn vai trò của mình, bằng uy tín của mình ông mong muốn tháo gỡ nếp suy nghĩ ăn sâu bao đời trong nhận thức của đồng bào.
Theo đó, ông Tẩn Vần Vầy đã tích cực tuyên truyền, vận động, giải thích để bà con cùng nghe, cùng hiểu và cùng hành động. Mỗi khi họp thôn, đến các hộ gia đình thăm nắm tình hình hay tham gia giải quyết các công việc chung của cộng đồng, ông Vầy đều cặn kẽ giải thích về nếp sống mới văn minh, vợ chồng cùng nhau chia sẻ các phần việc, nuôi dạy con cái, nhờ đó đã nâng cao nhận thức của bà con trong thôn về bình đẳng giới.
Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới, giai đoạn 2021-2023, các địa phương tổ chức 570 cuộc tập huấn dành cho 35.604 trưởng thôn, bản, ấp, buôn, Người có uy tín tại cộng đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, các cấp hội cũng đã tổ chức 180 cuộc tập huấn cho trưởng thôn/bản, Người có uy tín tại cộng đồng, nâng tổng số cuộc lên 750/1.600 cuộc tập huấn cho 41.614 người, đạt 46,8% chỉ tiêu giai đoạn 1.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, việc tập huấn, trang bị kiến thức về bình đẳng giới cho đội ngũ Người có uy tín, già làng, trưởng bản là một trong những nội dung quan trọng của Dự án 8. Qua đó, nhằm trang bị kiến thức, nâng cao năng lực tuyên truyền, kỹ năng lồng ghép giới của đội ngũ Người có uy tín trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy bình đằng giới ở vùng DTTS…