Tiên phong trong mọi phong trào
Toàn thôn Đăk Răng có 156 hộ, 820 khẩu với hơn 95% là người đồng bào DTTS. Công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm ở thôn gặp nhiều khó khăn do trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế. Theo lời già làng A Lào, nhiều năm qua, ông cùng với chính quyền, các đoàn thể ở xã, thôn đã có nhiều nỗ lực để người dân từ bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, làm ảnh hưởng đến đời sống của dân làng.
“Ngày trước, người dân trong thôn còn tin vào hủ tục như ốm đau không đến trạm xá, bệnh viện chữa bệnh mà mời thầy về nhà cúng. Để giúp người dân nâng cao nhận thức, từng bước bài trừ hủ tục, bản thân tôi cùng những người có uy tín trong làng phải đến từng nhà giải thích, vận động và kết hợp tuyên truyền trong những buổi họp thôn. Nhờ vậy đến nay, người dân đã biết đến bệnh viện để chữa trị khi bị ốm đau”.
Trong phong trào xây dựng NTM, già làng A Lào tiên phong hiến đất làm đường, chủ động phá bỏ 30 cây cà phê để làm đường dẫn vào khu sản xuất của người dân, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện. Hưởng ứng việc làm ý nghĩa này, trong thôn cũng có nhiều tấm gương hiến đất làm đường, tiêu biểu trong số đó có bà Y Nông đã hiến 120m2 đất để làm đường liên thôn. Già cũng đã tiên phong xây dựng 1 công trình nước giọt và sau đó được dân làng ủng hộ đóng góp để hoàn thiện công trình và đưa vào sử dụng.
Một nhiệm vụ quan trọng mà già làng A Lào đặc biệt quan tâm là công tác giữ gìn trật tự vùng biên. Pờ Y (huyện Ngọc Hồi) là xã biên giới ráp ranh với 2 nước Lào và Campuchia, vì vậy, ông luôn tích cực phối hợp với các cấp chính quyền trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, đặc biệt là về Luật biên giới quốc gia, quy chế biên giới...để giúp người dân nâng cao nhận thức pháp luật, chung tay giữ gìn khu vực biên giới hòa bình, ổn định.
Nhờ có già A Lào gương mẫu, đến nay đời sống người dân thôn Đăk Răng đã có nhiều thay đổi. Người dân tích cực tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế, toàn thôn chỉ còn 7 hộ nghèo. Người dân ốm đau thì đến trạm y tế xã để khám, chữa bệnh. Con trẻ thì được đến trường học cái chữ, tỷ lệ học sinh ra lớp đạt 100%... Các hủ tục lạc hậu đã được bài trừ hơn 70%. Tình hình ANTT luôn được bảo đảm.
Bảo tồn văn hóa truyền thống
Không chỉ tiên phong, đi đầu trong các công tác tại thôn, già A Lào còn rất tâm huyết với việc bảo tồn văn hóa truyền thống của người Ka Dong (một nhánh của người Xơ Đăng).
Già làng A Lào cũng rất am hiểu nét văn hóa đặc sắc của người Ka Dong như: Cúng mừng lúa mới, cúng bến nước, các bài chiêng truyền thống. Trong thôn, già là một trong những tay chiêng lão luyện, có mặt trong tất cả các lễ hội, sự kiện quan trọng của làng.
“Trong thôn, ai thích đánh chiêng thì tôi đều dạy cả. Khi có dịp lễ quan trọng, tôi sẽ đứng ra kêu gọi đội chiêng về tập luyện. Tôi thích dạy cho các thế hệ thanh, thiếu niên vì chúng học rất nhanh. Tôi mong văn hóa truyền thống của đồng bào mình được thế hệ trẻ tiếp nối, tiếp tục lưu truyền đến hàng ngàn đời sau”, già làng A Lào bộc bạch.
Với những đóng góp trong công tác tại thôn Đăk Răng, già làng A Lào vinh dự được nhận rất nhiều Bằng khen, Giấy khen từ Trung ương đến địa phương. Năm 2017, ông vinh dự được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc”. Năm 2020, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.