Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Người dân huyện nghèo “đổi đời” nhờ cây trúc sào

Hà Anh - 07:43, 30/11/2023

Nhờ cây trúc sào, rất nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS huyện nghèo Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đã được “đổi đời”, vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương

Huyện Nguyên Bình đang đẩy mạnh phát triển cây trúc sào theo hướng sản xuất kết hợp du lịch
Huyện Nguyên Bình đang đẩy mạnh phát triển cây trúc sào theo hướng sản xuất kết hợp du lịch

Nguyên Bình là một trong 7 huyện nghèo của tỉnh Cao Bằng với 15 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 91,27%. Đến nay, huyện Nguyên Bình chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tính đến hết năm 2022, tổng số hộ nghèo 4.696 hộ, chiếm tỉ lệ 57,52%; hộ cận nghèo gần 1.400 hộ, tỷ lệ 15,32%; tỷ lệ nghèo đa chiều 72,57%. Chính vì thế đời sống của bà con vùng đồng bào DTTS tại đây còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển.

Cây trúc sào từ lâu đã gắn bó với mảnh đất huyện Nguyên Bình. Dọc theo Quốc lộ 34 từ huyện Nguyên Bình tới huyện Bảo Lạc, trúc sào được trồng bạt ngàn dọc hai bên đường, trên thung lũng, sườn đồi. Chỗ nào đất đồi dốc, cây trúc càng dễ dàng đâm chồi, sinh sôi. Đây là loại cây được coi như "xương sống", "trục đỡ" chính trong phát triển nông nghiệp của huyện.

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ cấp huyện đến cơ sở đã thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện tăng cường trồng và phát triển mạnh về sản xuất lâm nghiệp. Tận dụng và phát huy thế mạnh sẵn có, việc triển khai trồng và mở rộng, phát triển diện tích cây trúc sào được bà con các dân tộc tại huyện Nguyên Bình hưởng ứng.

Huyện Nguyên Bình có 16/17 xã, thị trấn trồng cây trúc sào, với tổng diện tích hiện có trên 2.300 ha, diện tích đang cho khai thác ổn định đạt trên 1.900 ha, trong đó vùng tập trung diện tích cây trúc lớn nhất là xã Ca Thành.

Ông Hoàng Tòn Sao, Chủ tịch UBND xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình cho biết: Mỗi ha trúc trên địa bàn có thể mang lại thu nhập 60 - 70 triệu đồng/ha từ việc khai thác, chặt tỉa cây trúc để bán ra thị trường. So với trồng lúa, ngô… thì trúc sào mang lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều. Nhờ đó mà đời sống của bà con được cải thiện rõ rệt.

Nhờ cây trúc sào, bà con DTTS đã thoát nghèo, cải thiện đời sống
Nhờ cây trúc sào, bà con DTTS đã thoát nghèo, cải thiện đời sống

Gia đình ông Lý Phương Sinh, dân tộc Mông ở xóm Xà Pèng, xã Ca Thành được người dân gọi với biệt danh "vua trúc sào". Bởi ông Sinh là người tiên phong trồng trúc từ những năm 2000 và hiện là hộ có diện tích trồng trúc nhiều nhất xã Ca Thành. Với 6ha trồng trúc sào, gia đình ông Sinh thu nhập từ khai thác theo chu kỳ đạt từ 300 - 400 triệu đồng.

Cây trúc sào tại Nguyên Bình nổi tiếng với đặc điểm thân thẳng, to, tròn đều, dẻo, dễ uốn, nên được ưa chuộng hơn so với những vùng khác. Cây trúc là nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như chiếu, bàn, ghế...

Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho cây trúc sào và chiếu trúc tỉnh Cao Bằng.

Năm 2021, huyện Nguyên Bình đạt doanh thu hơn 30 tỷ đồng từ bán cây trúc. Bộ mặt nông thôn được cải thiện, nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, “đổi đời” từ cây trúc.

Ông Dương Hiển Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình thông tin: Huyện đang khảo sát một số tuyến đường ở các xã Triệu Nguyên, Vũ Nông, Ca Thành nhằm có hướng đầu tư, cải tạo để bà con có thể vừa mở được diện tích, đồng thời vận chuyển sản phẩm cây trúc sào ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn ra trung tâm để bán cho nhà máy chế biến và các thương lái.

Huyện Nguyên Bình đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích trúc sào tại huyện sẽ đạt 2.500 ha, bên cạnh đó, tập trung thực hiện có hiệu quả việc chăm sóc, quản lý diện tích đã cho thu hoạch, tăng cường chăm sóc, bảo vệ diện tích trồng mới. Huyện cũng đang khai thác dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm từ những rừng trúc sào tự nhiên như điểm ngắm cảnh trải nghiệm vườn trúc sào tại xóm Bản Phường, khu du lịch Phia Oắc - Phia Đén...

Cây trúc sào là nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như chiếu, bàn, ghế...
Cây trúc sào là nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như chiếu, bàn, ghế...

Ông Dương Hiển Hòa cũng cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, năm 2022, huyện Nguyên Bình được giao vốn trên 82,620 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư 51,890 tỷ đồng thực hiện 76 dự án, công trình hạ tầng cơ sở; vốn sự nghiệp 30,730 tỷ đồng.

Riêng năm 2023, huyện được giao vốn đầu tư 83,274 tỷ đồng. Từ nguồn vốn được giao, huyện đã đầu tư hạ tầng cơ sở vùng đồng bào DTTS, phục vụ sản xuất, đời sống và hỗ trợ chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt phân tán, giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất cho đồng bào. Đồng thời hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong đó cây trúc sào được xác định là một trong những cây chủ lực.

Việc triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 1: 2021 - 2025 và các chính sách dân tộc khác đã góp phần giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của huyện. Năm 2022, huyện còn 4.707 hộ nghèo, chiếm 51,16%; 1.553 hộ cận nghèo, chiếm 16,88%. Kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi có bước phát triển đáng kể, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi cơ bản ổn định, quốc phòng - an ninh đảm bảo, giữ vững.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.