Hiệu quả gấp đôi cây lúa
Củ năng hữu cơ, là loại củ thủy sinh phù hợp trồng ở ruộng lúa, vùng thấp trũng, ẩm ướt. Sau thời gian học hỏi, tìm hiểu, nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Pró, huyện Đơn Dương đã chăm chỉ lao động xuống giống củ năng, sau khi thu hoạch xong vụ lúa.
Củ năng còn gọi là củ năn, mã thầy. Củ này có tên khoa học Eleocharis dulcis (Burm.f.), thuộc họ Cói (Cyperaceae). Đây là một loài cây thảo, sống lâu năm, cây có thân rễ nhỏ mọc bò. Rễ củ hình cầu dẹt, vỏ ngoài có vòng đốt rõ màu tím hoặc đen, ruột màu trắng. Thân hình trụ, mập, rỗng và có thể cao đến 1m. Mặt ngoài có rãnh, mặt trong có những vách ngang, khi khô trở nên xốp. Lá thoái hóa, gốc thân còn lại 2-3 lá chét, bẹ lá mỏng hay bị rách. Củ năng có tác dụng: Kháng khuẩn, bổ dưỡng, giải độc, mát gan, cầm máu, chống ô xy hóa, giải rượu, lợi tiểu…
Theo người dân địa phương, củ năng thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại huyện Đơn Dương. Cây sinh trưởng tốt ít sâu bệnh dễ chăm sóc, nên có một số bà con còn chuyển toàn bộ diện tích trồng lúa năng suất kém sang trồng củ năng, nhờ vậy đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Theo tìm hiểu, cứ vào đầu năm là người dân ở xã Pró bắt đầu cày xới đất và xuống giống rồi làm cỏ, bón phân chăm sóc. Sau khi thu hoạch xong vào tháng cao điểm 8, 9, 10, nhiều gia đình cũng tranh thủ cải tạo đất, rắc vôi khử khuẩn trồng tiếp một vụ lúa.
Có mặt tại ruộng năng, ông Kon Sơ Ha Nin, xã Pró cho biết, mỗi sào lúa gia đình ông chỉ thu về khoảng 7 tạ, sau khi trừ chi phí phân bón, ông chỉ còn trên dưới 5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi trồng củ năng, giá trị tăng gấp 2-3 lần trồng lúa.
“Trồng củ năng rất dễ, không phụ thuộc nhiều vào thuốc trừ sâu, nhưng sản lượng không giảm. Hiện tại, mỗi sào ruộng năng của gia đình tôi đạt khoảng 3 tấn, với giá 10.000 đồng/kg như hiện nay, có thể đạt 30 triệu đồng/vụ. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi khoảng 15 -17 triệu đồng/sào cao hơn trồng lúa rất nhiều”, ông Kon Sơ Ha Nin thông tin.
Không chỉ gia đình ông Kon Sơ Ha Nin, nhiều hộ dân trong vùng cũng chuyển đổi 1-2ha ruộng lúa sang trồng củ năng để có nguồn thu nhập ổn định, lâu dài.
Gia đình ông Bờ Nah Ria Ha Điu, ở thôn Bró Ngó trước đây trồng 5 sào lúa, nhưng nguồn thu chỉ đủ gạo ăn. Mỗi sào lúa gia đình ông đạt năng suất vài tạ đến 1 tấn mỗi vụ, thu về khoảng trên dưới 5 triệu đồng. Giờ chuyển qua trồng năng nên gia đình có nguồn thu nhập ổn định và cao hơn trồng lúa.
Hiện nay, gia đình Bờ Nah Ria Ha Điu chỉ sử dụng phân hữu cơ để chăm sóc, duy trì nguồn nước cho cây trồng, nhằm đảm bảo chất lượng sạch cung cấp cho người mua.
Mô hình được nhân rộng
Theo UBND xã Pró, củ năng được người dân đưa vào sản xuất khoảng 5-6 năm nay. Đến nay, cả xã hiện có khoảng trên 300ha, với sản lượng hàng năm lên đến 10.000 tấn, trồng củ năng đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Ông Tôn Trung Sơn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) củ năng Pró, huyện Đơn Dương cho biết, trong khoảng 300ha trồng củ năng của xã Pró, thì có khoảng 40ha của các xã viên HTX củ năng Pró. Diện tích này đang được HTX tổ chức sản xuất hữu cơ để nâng cao giá trị cho nông sản.
“HTX sẵn sàng đầu tư cho xã viên như cho mượn tiền cày đất, cung cấp giống, phân không lấy lãi, tới mùa thu hoạch xã viên cung cấp cho HTX rồi mới trừ số tiền còn thiếu. HTX thu mua theo giá thị trường”, ông Sơn thông tin.
Về thị trường, HTX củ năng Pró nói riêng và người dân sản xuất năng nói chung ở địa phương đã đạt được các hợp đồng bao tiêu với các cơ sở thu mua, doanh nghiệp đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ.
“Củ năng Pró được tiêu thụ dưới dạng củ tươi theo hình thức thu hoạch, rửa sạch, đóng gói và chuyển đến tay người tiêu dùng. Trong thời gian tới, để nâng cao giá trị cho sản phẩm, HTX củ năng Pró sẽ đầu tư máy móc, xây dựng thêm nhà xưởng, kho lạnh để chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, cung ứng ra thị trường”, ông Sơn nói.
Đặc biệt, củ năng sản xuất, sơ chế tại HTX củ năng Pró đã được xếp hạng OCOP 3 sao năm 2019; chứng nhận VietGAP năm 2020 và được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” năm 2021, đang trở thành sản phẩm mang lại lợi nhuận cao cho nông dân ở địa phương.