Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người đàn ông Bru Vân Kiều mang "duyên nợ " với nghề dệt thổ cẩm

Tiêu Dao - 09:08, 06/08/2024

Nghề dệt thổ cẩm xưa nay chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm. Thế nhưng ở miền Tây tỉnh Quảng Trị có một người đàn ông đã dành gần 30 năm tìm tòi, nghiên cứu, gìn giữ nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Bru Vân Kiều. Ông không chỉ giỏi dệt thổ cẩm, mà còn cần mẫn đi đến từng bản làng truyền dạy nghề dệt cho nhiều người. Ông là Nghệ nhân Hồ Văn Hồi ở bản Pa Nho, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Nghệ nhân Hồ Văn Hồi, dân tộc Bru Vân Kiều đã có gần 30 năm gìn giữ, phát triển nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình.
Nghệ nhân Hồ Văn Hồi, dân tộc Bru Vân Kiều đã có gần 30 năm gìn giữ, phát triển nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình.

Nhiều năm trước đây, do tác động của nền kinh tế thị trường ảnh hưởng đến các bản làng khiến nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Bru Vân Kiều, người Pa Cô ở bên dãy núi Trường Sơn dần mai một. Hình ảnh người phụ nữ ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm đã vắng dần ở các bản làng vùng cao. 

Thế nhưng tại bản Pa Nho, Nghệ nhân Hồ Văn Hồi vẫn ngày đêm miệt mài bên khung cửi, nhằm gìn giữ nghề truyền thống của đồng bào mình. “Ngày trước, cũng có nhiều người trong xã biết dệt thổ cẩm. Áo quần, khăn váy đều do bàn tay khéo léo của nghệ nhân trong bản làm ra. Nhưng rồi cuộc sống hối hả khiến không ai mê cái công việc tỉ mỉ này nữa!”, ông Hồi cảm thán.

Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự tích lũy kinh nghiệm. Ngay cả với nghệ nhân Hồ Văn Hồi cũng mất gần 10 năm mới thuần thục được tay nghề. Ông cho biết, để dệt một tấm thổ cẩm đẹp, người nghệ nhân cần có sự tỉ mỉ, tư thế ngồi song song với khung dệt, chân phải đạp mạnh, tay chắc để cho tấm vải bền và cứng. Ngoài ra, tùy năng khiếu, sở thích của từng người, mỗi tấm thổ cẩm có nét hoa văn riêng. Để làm ra một tấm thổ cẩm đẹp thì người thợ phải nắm được kỹ thuật dệt các hoa văn truyền thống, trên cơ sở đó sáng tạo ra những hoa văn mới lạ, độc đáo, mang ý nghĩa biểu trưng cao.

Phụ nữ dân tộc Bru - Vân Kiều gia công lại những bộ trang phục thổ cẩm trước khi đưa đến tay khách hàng - Ảnh: T.L
Phụ nữ dân tộc Bru Vân Kiều gia công lại những bộ trang phục thổ cẩm trước khi đưa đến tay khách hàng - Ảnh: T.L

Phải làm sao để người Bru Vân Kiều mình biết quý trọng, có ý thức gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình? Phải làm sao để thổ cẩm hồi sinh, phát triển thành sản phẩm hàng hóa phục vụ chính bà con dân tộc và cả khách du lịch hoặc ứng dụng vào thời trang hiện đại? Những suy nghĩ ấy cứ làm ông Hồi trăn trở mãi. Để vực dậy nghề truyền thống, ông Hồi xác định điều quan trọng nhất chính là tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm. Theo đó, hơn 3 năm qua, ông Hồi đã thử nghiệm nhiều cách, trong đó có việc đưa sản phẩm mình làm ra đăng lên mạng xã hội.

Điều khiến ông Hồi rất mừng là hình ảnh những chiếc áo, xấn, khăn... mà ông chia sẻ, giới thiệu trên trang Fabook, Zalo đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Từ đây, ông đã nhận được nhiều đơn hàng hơn. “Từ ngày đưa sản phẩm lên mạng xã hội, tôi phải thu xếp nhiều thời gian mới hoàn thành đủ và kịp tiến độ các đơn hàng. Dù giá mỗi một bộ thổ cẩm khá cao, giao động từ 600 ngàn đến gần 1 triệu đồng nhưng các khách hàng vẫn đặt mua. Trung bình mỗi tháng, tôi cung ứng được vài chục bộ thổ cẩm đến tay khách hàng. Nếu có chính sách đầu tư hợp lý của Nhà nước cùng những giải pháp thiết thực sẽ tạo được đầu ra tốt cho sản phẩm. Nghề dệt thổ cẩm mới thu hút được nhiều nghệ nhân, nhất là những người trẻ”, ông Hồi cho biết.

Nghệ nhân Hồ Văn Hồi truyền dạy nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng cho các học viên.
Nghệ nhân Hồ Văn Hồi (người thứ ba từ phải qua trái) truyền dạy nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng cho các học viên.

Để phục hồi nghề dệt thổ cẩm của người Bru Vân Kiều, ông Hồi đã dành nhiều thời gian đến nhiều bản làng trên địa bàn huyện Đakrông và huyện Hướng Hóa để dạy nghề cho bà con. Nhờ có ông hướng dẫn kỹ thuật và truyền cảm hứng, nhiều phụ nữ Bru Vân Kiều đã quay trở lại với nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình.

Không chỉ giỏi nghề dệt, ông Hồi cũng là một tay chơi thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc. Ông cùng các nghệ nhân ở huyện Hướng Hóa đã trực tiếp tham gia truyền dạy kỹ năng biểu diễn cồng chiêng và các loại nhạc cụ, điệu múa truyền thống do địa phương tổ chức; tham gia giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các CLB văn nghệ truyền thống. Qua đó, từng bước khôi phục và phát huy nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng trong cộng đồng người DTTS. 

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.