Phát triển kinh tế gia đình
Bản Chùa, xã Cam Tuyền là địa phương duy nhất của huyện Cam Lộ có 100% đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều sinh sống. Trong ký ức những người cao tuổi ở bản, những năm 60 của thế kỷ trước, đế quốc Mỹ thả quân lên đỉnh Phu Lơ xây cứ điểm. Chúng đặt hỏa lực để khống chế một vùng vành đai từ phía Tây Gio Linh đến phía Bắc đường 9, rồi thả cơ man nào là đạn bom, chất độc hóa học phủ xuống rẻo đất lành dưới chân núi.
Dẫu vậy, hơn 100% dân bản Chùa vẫn bám trụ quê hương, quyết không một người nào đi theo giặc. Thanh niên đến tuổi là xung phong theo cách mạng, vào du kích, kháng chiến.
Năm 1972, Cam Lộ được giải phóng, hòa bình đã trở về với người dân bản Chùa. Từ đống hoang tàn đổ nát, lớp trước dìu lớp sau, đồng bào Bru Vân Kiều từng bước từ bỏ phương thức sản xuất lạc hậu “phát, đốt, cốt, trỉa” để tìm đường lên no ấm.
Muốn đồng bào tin, phải làm cho đồng bào thấy, nghĩ vậy nên tôi đã phải mạnh dạn làm trước. Bây giờ thì dễ nói rồi, vì hiệu quả trồng cây dược liệu đồng bào đã thấy rõ”.
Hồ Văn Một, Bí thư Chi bộ, Người có uy tín bản Chùa
Người có uy tín Hồ Văn Một sinh ra và lớn lên ở bản Chùa. Anh kể, từ sau giải phóng Quảng Trị (1972), tiếp nối truyền thống cha anh, sau khi tốt nghiệp THPT, anh lên đường nhập ngũ. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Hồ Văn Một trở về bản Chùa tham gia công tác Đoàn, rồi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hiện nay, anh Hồ Văn Một là Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn, Người có uy tín của bản Chùa.
Với cương vị Bí thư Chi bộ, Người có uy tín ở bản, Hồ Văn Một đã đi đầu làm gương trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Sau nhiều tháng tự tìm hiểu và đi tham quan học tập mô hình trồng cây dược liệu ở Xứ Cùa, Người có uy tín Hồ Văn Một nhận định ở bản cũng có chất đất và điều kiện tự nhiên tương đồng. Nghĩ rồi làm, anh quyết định đưa cây dược liệu về trồng ở bản Chùa.
Đến nay, gia đình anh Một có 5ha cây cà gai leo, 4 sào cây thìa canh, 1 sào tía tô… Ngoài ra, gia đình anh còn có cả trang trại nuôi lợn, trồng keo. Nguồn thu từ cây dược liệu, trồng rừng và chăn nuôi, mỗi năm có tổng thu nhập trên 100 triệu đồng.
Chia sẻ với phóng viên, Bí thư Chi bộ, Người có uy tín bản Chùa Hồ Văn Một chia sẻ: “Muốn đồng bào tin, phải làm cho đồng bào thấy, nghĩ vậy nên tôi đã phải mạnh dạn làm trước. Bây giờ thì dễ nói rồi, vì hiệu quả trồng cây dược liệu đồng bào đã thấy rõ”.
Làm giàu cùng quê hương
Thành công trong phát triển kinh tế hộ gia đình, Người có uy tín Hồ Văn Một bắt tay vào vận động đồng bào cùng trồng cây dược liệu trên diện rộng để trở thành hàng hóa. Khi mắt thấy tai nghe nên đồng bào đồng tình hưởng ứng. Đến nay, đồng bào Bru Vân Kiều ở bản Chùa đã trồng được gần 3ha cây chè vằng và trồng thêm cây cà gai leo, tía tô và cây thìa canh.
Để đồng hành với đồng bào đưa cây dược liệu phát triển theo chuỗi giá trị, Công ty TNHH Dược liệu Xuân An đã hỗ trợ 32 hộ đồng bào Bru Vân Kiều ở bản Chùa mở rộng diện tích trồng cây dược liệu. Theo đó, Công ty hỗ trợ cây giống, phân bón và kỹ thuật trồng cây dược liệu theo tiêu chuẩn. Đặc biệt toàn bộ sản phẩm được Công ty cam kết thu mua ngay tại ruộng với giá cao hơn giá thị trường. Đến nay Công ty TNHH Dược liệu Xuân An đã hỗ trợ giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm cho 3ha cây dược liệu ở bản Chùa.
Bên cạnh đó, UBND xã Cam Tuyền cũng vào cuộc cùng đồng hành với doanh nghiệp và bà con. Xã Cam Tuyền đã tranh thủ nguồn hỗ trợ của Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học tại Quảng Trị tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực về trồng và sơ chế dược liệu theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “thực hành tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu” (GACP - WHO) cho trên 40 hộ dân bản Chùa.
Từ người “đi đầu” Hồ Văn Một, nghề trồng cây dược liệu ở bản Chùa đã phát triển thành chuỗi sản phẩm. Quy mô trồng cây dược liệu đã vượt ra khỏi mô hình của Bí thư Chi bộ, Người có uy tín Hồ Văn Một mà đã lan ra trên 50% số hộ Bru Vân Kiều ở bản Chùa tham gia chuỗi giá trị.
Không chỉ tạo sinh kế “trồng cây dược liệu” hiệu quả kinh tế, Hồ Văn Một còn góp phần thay đổi quan niệm “tự sản tự tiêu” đã ăn sâu vào tiềm thức của người Bru Vân Kiều ở bản Chùa sang nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Không dừng lại ở đó, đồng bào Bru Vân Kiều còn mở rộng quy mô trồng cây lâm nghiệp lên 125ha; hơn 15ha cây cao su, 12,5ha dứa, gần 40ha cây hoa màu khác. Ngoài ra, bà con còn nuôi thêm hàng trăm con trâu, bò, góp phần vươn lên làm giàu bền vững.