Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Người đưa luồng gió mới đến Nà Cào

Giang Lam - 22:49, 23/07/2020

Ở tuổi 34, chàng trai người Mông Đào Văn Máy đã có hơn 10 năm làm cán bộ thôn. Năm 2011, anh trở thành Người có uy tín trẻ nhất xã Thượng Nông, huyện Na Hang (Tuyên Quang). Đối với Máy, đó là niềm vui và trách nhiệm để luôn một lòng trọn vẹn với Nà Cào.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Cào, xã Thượng Nông, huyện Na Hang (ngoài cùng bên trái) tuyên truyền chính sách pháp luật cho người dân.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Cào, xã Thượng Nông, huyện Na Hang (ngoài cùng bên trái) tuyên truyền chính sách pháp luật cho người dân.

Đảng viên đầu tiên được kết nạp tại Nà Cào

Ngày Máy mới làm cán bộ thôn, có lúc thấy chồng vất vả việc nhà, vườn đồi rồi việc làng bản, chị Đươ, vợ anh, bảo chồng mang chức Phó Trưởng thôn đi trả cho xã. Mỗi lần như thế, Máy luôn quả quyết với vợ: “Cái chức Phó Trưởng thôn hay Trưởng thôn không phải một tấm áo mà bỗng chốc mang đi trả. Đó là trách nhiệm. Dân bản đã tin mình, bầu mình làm thì phải làm cho tốt chứ!”.

Chẳng phải bỗng chốc chàng trai hơn 20 tuổi người Mông đã có được suy nghĩ đó. Máy bảo, năm 4 tuổi Máy theo bố mẹ cùng 20 hộ dân từ Cao Bằng đến Nà Cào. Ông Tu, bố Máy từng là bộ đội chiến đấu và bị thương ở chiến trường biên giới phía Bắc. Từ nhỏ, 6 anh em Máy được nghe bố kể chuyện đánh giặc, bảo ban việc học hành. Bố Máy bảo chỉ có học mới làm cái đầu sáng ra được! Thế nên dẫu gia cảnh khó khăn, nhưng anh em Máy đều được học đến THPT.

Ngày ấy, ông Tu là già làng, lời nói có “sức nặng” lắm! Khi Máy được làm Thôn đội trưởng kiêm Công an viên rồi Bí thư Chi đoàn Nà Cào, ông Tu chỉ nói một câu mà khiến Máy nhớ mãi: “Con trai Mông khôn lớn phải biết bước qua ngưỡng cửa, sợ vấp ngã mà chỉ đứng mãi một chỗ thì như con chim rừng gãy cánh thôi”.

Máy nghe lời bố, sợ bị ví như “con chim rừng gãy cánh” nên lúc nào cũng chuyên tâm việc làng, việc bản. Nhờ đó mà sau 2 năm phấn đấu, Máy là đảng viên đầu tiên được kết nạp Đảng tại Nà Cào. Máy kể, lúc đó bản chỉ có 2 đảng viên, cả 2 đều được kết nạp ở Cao Bằng. Sau 8 năm Nà Cào kết nạp đảng viên mới là Máy và anh Đào Văn Lý. Chi bộ có 4 đồng chí rồi, không phải “nhờ” đảng viên nơi khác về sinh hoạt nữa. Năm 2014, Máy được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ Nà Cào; sau đó bà con bầu Máy làm Trưởng thôn. Trách nhiệm, nhiệt huyết thôi thúc anh cán bộ trẻ người Mông có nhiều cách làm hay để giúp Nà Cào thoát khỏi tập quán, phong tục lạc hậu, tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế.

Xóa bỏ “ma men”

Trước đây, nhiều đàn ông Mông ở Nà Cào nghiện rượu. Họ nhịn cơn khát nước có khi còn dễ hơn cơn khát rượu. Uống xong có người đi ngủ, không chịu lao động; có người đánh vợ con, người quấy nhiễu làng xóm; cái nghèo, cái đói cứ thế đeo bám!

Việc xóa bỏ tệ nạn này là điều mà Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đào Văn Máy trăn trở nhất. Anh gặp gỡ riêng từng người để khuyên răn. Ban đầu, nhiều người hậm hực lắm. Họ “mượn rượu” đến tận nhà anh để gây chuyện. Người lớn tuổi tính hay tự ái, có người còn quy cho anh tội “vắt mũi chưa sạch” lại dám dạy khôn. Cách này không ổn thì Máy tìm cách khác tế nhị, dễ “lọt” tai hơn.

Vậy là, Trưởng thôn Máy và các đoàn thể trong thôn như: Chi đoàn Thanh niên, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân… cùng vào cuộc. Để tạo được sức mạnh tuyên truyền, tại các cuộc họp thôn bản, sinh hoạt hội viên, đoàn viên... Máy và cán bộ đoàn thể linh hoạt lồng ghép đưa ra dẫn chứng cụ thể tác hại của bia rượu, tuyệt đối không nhắc tên, tự khắc để người nghe ngẫm nghĩ.

Trưởng thôn trẻ còn tranh thủ uy tín từ các trưởng họ, người cao tuổi để cùng khuyên bảo. Tiếp đó, Máy khéo léo vận động vợ, con các đối tượng không được “tiếp tay” cung cấp rượu… Chính cách vận động linh hoạt, bền bỉ, sau một thời gian dài ý thức người dân dần thay đổi. Nay, nhiều người Nà Cao đã bỏ rượu, chí thú làm ăn. Đó là thành tích tuyệt vời nhất của cả bản.

Luồng gió mới...

Khi nói về Máy, anh Nguyễn Văn Cướng, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Cào vẫn còn nhắc câu chuyện thú vị. Để vận động bà con phát triển kinh tế từ trồng tre bát độ mà Máy đã phải mất mấy ngày lặn lội sang tận Đà Vị để quay Video, chụp ảnh mang về cho bà con trong thôn xem.

Máy cười lý giải, bà con Nà Cào vốn tính chắc ăn, cái gì cũng phải trông thấy tận mắt, xem người ta làm trước, có kết quả tốt rồi mới làm theo. Thế nên sau khi học hỏi mô hình trồng tre bát độ của Hợp tác xã nông nghiệp Đà Vị, Máy còn mang cả Smartphone đến quay Video mang về cho bà con nhìn tận mắt. Nào là quay vườn tre, lá tre, quay cả người Mông Đà Vị nói về cây tre nữa, đầu ra xuất bán lá tre, bán măng tre. Được nhìn thấy cây tre lớn, có người thu mua sản phẩm, kiếm được tiền… thế là người Nà Cào tin.

Để nêu gương, gia đình Máy trồng trước 100 cây. Sau đó 12 hộ nữa làm theo. Đến nay, toàn thôn có 13 hộ thực hiện mô hình trồng tre bát độ. Hiện nay đa số hộ dân Nà Cào đều trồng rừng với tổng diện tích hơn 30ha. Nhiều hộ phát triển kinh tế từ chăn nuôi trâu, có một số hộ sở hữu trên 10 con trâu. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như “luồng gió mới” làm thay cuộc sống của người dân nơi đây. Trước đây, cả thôn đều là hộ nghèo, nay tỷ lệ hộ nghèo còn 40%, hộ khá chiếm 20%.

“Nói được làm được”, giờ đây mỗi lời nói của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn trẻ Đào Văn Máy có “sức nặng” như đá. Mọi công to, việc lớn đều được anh lo chu toàn, khéo léo. Nà Cào năm nào cũng đạt “Khu dân cư văn hóa”; trên 90% số hộ đạt gia đình văn hóa, không có trẻ em bỏ học, không có tình trạng di cư tự do...

Nhiều năm liền Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đào Văn Máy là Người có uy tín của bản làng. Năm 2018, anh là một trong những đại diện trẻ của tỉnh được dự Lễ Tuyên dương Người có uy tín tiêu biểu các tỉnh vùng Tây Bắc. Đối với anh, đó là niềm vui và cũng là trách nhiệm để tiếp tục cống hiến sức trẻ cho quê hương.


Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.