Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Người góp công đưa Diềm Bày thành điểm sáng

Phạm Việt Thắng - 10:37, 24/11/2020

Nếu như 15 năm trước, bản Diềm Bày, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), được biết đến bởi sự nghèo nàn và lạc hậu … thì nay, Diềm Bày đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tể-xã hội, xây dựng NTM, đẩy lùi hủ tục lạc hậu... Để có được kết quả này, ông Quán Vy Chung, Người có uy tín của bản đã có sự đóng góp không nhỏ...

Ông Quán Vy Chung bên hàng cây bằng lăng vừa mới được trồng trên con đường dẫn vào bản
Ông Quán Vy Chung bên hàng cây bằng lăng vừa mới được trồng

Rời quân ngũ, ông Quán Vy Chung được bà con bầu làm Trưởng bản. Mang trọng trách với bản làng, ông Chung không thôi trăn trở, làm sao để quê hương thoát nghèo, làm sao để các hủ tục lạc hậu không còn đeo bám bà con.

Nhìn những cánh đồng bỏ hoang vụ đông, trong lúc cái đói, cái nghèo cứ thường trực trong mỗi nhà, ông Chung bỏ công đi tìm hiểu cách thức tăng canh. Ngô vụ đông là mô hình được cho là phù hợp với thổ nhưỡng ở Diềm Bày. Nhưng làm sao để bà con dám bỏ công, bỏ của để thực hiện? 

Để trả lời câu hỏi này, ông vận động một số hộ khá giả cùng với gia đình mình thực hiện trước. Những nương ngô xanh mướt của vụ đầu tiên là minh chứng cho hành động đúng đắn và tấm lòng vì bà con của ông. Vụ ngô đông sau đó, cả bản Diềm Bày không còn một đám đất trống.

“Mình nói thì phải làm, làm có hiệu quả bà con mới tin theo”, ông Chung khẳng định.

Một trong những nguyên nhân nữa dẫn đến đói nghèo mà ông Chung đã nhận ra từ lâu là các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin. Những trâu, bò, lợn, gà… được mổ thịt để ăn uống linh đình hết ngày này qua ngày khác thế này thì làm sao mà tiến bộ được. 

Bằng cách nào? Người trưởng bản ấy đã “xoáy” vào lớp trẻ. Ông nói, thanh niên dễ tiếp thu cái mới, phải từ thanh niên, từ tuổi trẻ để xoá đi những thứ lạc hậu, cổ hủ. Ông liên tục tham dự các buổi sinh hoạt Chi đoàn Thanh niên, bàn với các cháu về tổ chức đám cưới theo nếp sống mới, không bày vẽ cỗ bàn linh đình, mà tổ chức đám cưới tại nhà văn hoá.

Ông kể: Các cháu thì hưởng ứng, nhưng khó nhất là bố mẹ, dòng họ, ai cũng muốn đám cưới thật to, thật oai, thật nhiều khách… Thế là các tổ chức, đoàn thể của bản cùng vào cuộc. Từ vận động, tuyên truyền đến cả rỉ tai to, nhỏ… đều được ông và các “cộng sự” vận dụng triệt để. 

“Thành công đầu tiên là đám cưới cháu Sầm Văn Huế. Lễ thành hôn diễn ra ở nhà văn hoá bản, thật giản dị nhưng cũng rất ấm cúng. Ở nhà cũng thế, hai họ chỉ làm vài mâm cơm gọn nhẹ, không mổ trâu, mổ bò linh đình. Sau đám cưới, những trâu, bò, lợn… mà cha mẹ chuẩn bị để đãi khách được tặng cho vợ chồng trẻ để làm vốn lập nghiệp. Nhờ thế mà các cháu đỡ khó khăn, có điều kiện và động lực để vươn lên”, ông Chung rạng ngời nét mặt.

“Khó nhất là việc huỷ bỏ các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi của đồng bào, thế mà anh Chung đã làm được. Làm được việc đó thì không có gì là khó với anh ấy cả. Anh Chung là người ít nói, nhưng đã nói là làm bằng được, miệng nói tay làm, không quản khó khăn, gian khổ. Anh xứng đáng với suy tôn của bà con là Người có uy tín của bản”.

Ông Sầm Văn Thuỷ - Trưởng Ban công tác mặt trận xã Châu Quang


Xong đám cưới, ông Chung lại bắt tay vào vận động bà con bỏ đi những hủ tục trong đám ma. Người chết thay vì để những 7 ngày thì nên an táng trong vòng 36 tiếng đồng hồ. Các lễ cúng tế mất thì giờ, linh đình, tốn kém cũng phải rút gọn lại, đặc biệt là việc ăn uống trong đám tang phải ở mức tiết kiệm nhất. 

Vừa vận động bà con, ông Chung vừa có sáng kiến “làm việc” với các thầy mo, nói với họ về ích lợi kinh tế, về vệ sinh môi trường và nhất là đối với sức khoẻ của cộng đồng, trong đó có sức khoẻ của các thầy mo… Khi cả “hai mũi giáp công” đã “thủng”, bà con lần lươt hưởng ứng.

Ông Chung hào hứng: “Đám tang cụ Lê Văn Chước là đám tang đầu tiên bỏ các hủ tục. Chưa đầy 36 tiếng đồng hồ sau khi qua đời, cụ đã được dân làng an táng với nghi thức trang trọng, ấm áp tình làm nghĩa xóm. Lễ vật cúng tế chủ yếu là hoa quả, không làm gà, làm lợn cúng mả như trước đây nữa, nhất là chấm dứt việc ăn uống tốn kém”.

Giọng ông Chung hơi chùng xuống khi nói về “công cuộc” giải phóng mặt bằng để mở rộng con đường liên xã, đi qua bản Diềm Bày. Ông tâm sự, tấc đất, tấc vàng mà, có ai muốn mất đất đâu. Trước khi to nhỏ với bà con về lợi ích của việc mở đường, tôi đã phá dỡ tường rào nhà mình để làm gương. Dần dần vài ba nhà khác cũng làm theo, rồi thành phong trào của cả bản. 

“Anh thấy đấy, đường vào bản chúng tôi chẳng khác gì ở phố, thẳng tắp, rộng rãi”, ông Chung hãnh diện lắm.

Xong đường, ông lại kêu gọi bà con gióp công, góp của để trồng cây xanh, làm đường cờ. Giai đoạn một, bản Diềm Bày đã trồng được gần 100 cây bằng lăng hai bên đường vào bản. Rồi ông lên mạng, viết thư kêu gọi con em của bản đi xa giúp sức để làm đường cờ trong bản. 172 cột cờ đã dựng xong, phấp phới trong gió thu lồng lộng.

Bên gốc bằng lăng non xanh, ông Chung nhỏ nhẹ: “Muốn bà con tin theo thì nói phải đi đôi với làm, thậm chí phải làm trước, nói sau và phải biết hi sinh lợi ích cá nhân vì việc chung”.

Tin cùng chuyên mục