Trở lại thị trấn Phước Dân đầu tháng 5/2025, chúng tôi gặp Nghệ nhân Trượng Thị Gạch miệt mài biểu diễn chế tác gốm phục vụ du khách tại HTX Gốm Chăm Bàu Trúc. Ở tuổi gần 80, bà vẫn nhanh nhẹn, đôi tay khéo léo nặn đất thành những dáng gốm duyên dáng, có hồn, khiến ai chứng kiến cũng ngưỡng mộ.
Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, HTX đón từ 1.500 đến 2.000 lượt khách mỗi ngày, nhiều đoàn yêu cầu được xem bà Gạch biểu diễn nặn gốm thủ công - kỹ thuật truyền thống “nặn bằng tay, xoay bằng chân” đã gắn bó với bà hơn 60 năm. Chỉ trong vài phút, bà có thể tạo nên một chiếc bình tai bèo mộc mạc, truyền cảm hứng cho du khách mạnh dạn trải nghiệm và lưu giữ sản phẩm kỷ niệm. HTX tại Nhà trưng bày gốm Chăm Bàu Trúc – nơi được mệnh danh là “bảo tàng sống” nhờ đó trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn, nơi các nghệ nhân như bà Gạch góp phần làm sống dậy tinh hoa gốm Chăm giữa lòng du khách bốn phương.
Ông Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc HTX Gốm Chăm Bàu Trúc trao đổi kỹ thuật chế tác bình gốm theo yêu cầu của khách hàngChị Bùi Ngọc Huyền, du khách đến từ Đắk Lắk vui vẻ chia sẻ: “Nhờ sự thân thiện và hướng dẫn tận tình của Nghệ nhân Trượng Thị Gạch, em đã mạnh dạn trải nghiệm nặn gốm lần đầu tiên. Tuy còn bỡ ngỡ với đôi tay lấm lem đất sét, nhưng em rất vui vì đã hoàn thành được một chiếc bình cắm hoa nhờ sự chỉ dẫn kiên nhẫn của bà. Đây là một kỷ niệm đẹp và đáng nhớ trong kỳ nghỉ lễ khi em có dịp trở về vùng đất Chăm Ninh Thuận - nơi Di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp từ tháng 11/2022”.
Tranh thủ thời gian nghỉ tay giữa lúc vắng khách tham quan, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng Nghệ nhân Trượng Thị Gạch – người thợ gốm kỳ cựu của làng Bàu Trúc. Bà sinh năm Ất Dậu 1945, trong một gia đình có truyền thống làm gốm lâu đời. Năm 15 tuổi, bà bắt đầu học nghề từ mẹ ruột là Nghệ nhân Quảng Thị Hoa, từ kỹ thuật ủ đất, pha trộn đất sét với cát trắng sông Quao theo tỉ lệ 6:4, cho đến công đoạn nặn, tạo dáng, phơi khô, chất lò và canh lửa đốt gốm suốt 6–8 tiếng để cho ra sản phẩm chắc, bền và đẹp.
Nghệ nhân Trượng Thị Gạch chế tác gốm phục vụ du khách tham quan trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2025Thuở trẻ, bà thường phải đi bộ hơn ba cây số đến cánh đồng đất sét Nú-Lanh, gánh từng gùi đất về nhà chế tác. Với bàn tay điêu luyện và tình yêu dành cho nghề, các sản phẩm gốm của bà Gạch luôn toát lên vẻ duyên dáng, mộc mạc và đầy “chất hồn” như chính con người bà. Bà từng đoạt giải “Bàn tay vàng” tại Hội thi nghề do làng Bàu Trúc tổ chức dịp Lễ hội Katê năm 2016.
Một trong những kỷ niệm đáng tự hào là ngày 23/9/2024, bà vinh dự được biểu diễn nặn gốm phục vụ Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc (nay là Bộ Dân tộc và Tôn giáo), do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh (nay là Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang) – về thăm làng gốm Bàu Trúc. Nghệ nhân Trượng Thị Gạch luôn tận tâm truyền dạy nghề gốm cho bà con trong tộc họ và phụ nữ địa phương, với mong muốn gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của dân tộc Chăm. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của bà, nhiều phụ nữ ở làng Bàu Trúc đã trở thành những nghệ nhân gốm giỏi, tiêu biểu như các chị: Quảng Thị Kim Nông, Quảng Thị Phô, Trượng Thị Bến, Ngụy Thị Thơ, Châu Thị Kim Oanh…
Nghệ nhân Trượng Thị Gạch hướng dẫn du khách trải nghiệm chế tác gốm Bàu Trúc. “Còn sức khỏe là tôi còn nặn gốm phục vụ bà con, du khách gần xa đến tham quan làng nghề Bàu Trúc. Tôi cũng mong muốn nêu gương người cao tuổi gắn bó với nghề mẹ truyền con nối, để con cháu trong tộc họ noi theo, tiếp tục giữ gìn vốn quý của làng”, Nghệ nhân Trượng Thị Gạch chia sẻ.
Ông Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc HTX Gốm Chăm Bàu Trúc cho biết: Nghệ nhân Trượng Thị Gạch là thành viên gắn bó với HTX ngay từ những năm đầu thành lập (năm 2008) đến nay. Bà hiện là Nghệ nhân làm gốm cao tuổi nhất của làng Bàu Trúc, được ví như “cây cao bóng cả” trong làng nghề - người luôn tích cực gìn giữ ngọn lửa truyền thống, truyền cảm hứng và tinh thần yêu nghề cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân Trượng Thị Gạch làm đất nguyên liệu chế tác gốm Bàu TrúcBằng sự tận tâm, bà Gạch không chỉ là tấm gương sáng về lòng yêu nghề mà còn góp phần tạo không khí gắn kết, lan tỏa niềm vui lao động, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và phục vụ tốt nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Ghi nhận những đóng góp đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng hồ sơ đề nghị xét phong tặng bà danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian – Di sản văn hóa phi vật thể.