Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Doanh nhân dân tộc

Người góp phần xây dựng thương hiệu chè Phổ Yên

PV - 16:27, 06/09/2021

Anh Nguyễn Huy Sơn (sinh năm 1972) ở xóm Tân Ấp 1, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên, Thái Nguyên), Giám đốc Công ty CP Ngoại thương Trà Việt Thái được giới kinh doanh chè cũng như nhiều người dân địa phương biết đến, bởi anh là người đã góp phần đưa thương hiệu chè Phổ Yên đến với người tiêu dùng.


Anh Nguyễn Huy Sơn (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn người dẫn kỹ thuật thu hái chè
Anh Nguyễn Huy Sơn (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn người dẫn kỹ thuật thu hái chè

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Huy Sơn cho biết: Năm 1978 anh theo bố mẹ từ Hà Nội lên xã Phúc Thuận lập nghiệp. Để có thêm thu nhập, năm 1990 anh bắt đầu thu gom búp chè tươi của người dân rồi mang về Hà Nội bán. Trong quá trình kinh doanh, anh luôn trăn trở tại sao khi nhắc đến chè Thái Nguyên, chè Phổ Yên không được nhiều người biết đến, trong khi ở đây chè cũng được trồng từ rất lâu đời, có vị đậm, ngọt tự nhiên. Sau một thời gian tìm hiểu, nhận thấy nếu biết cách chăm sóc và chế biến thì chè Phổ Yên sẽ được người tiêu dùng chấp nhận. Từ suy nghĩ này, năm 2009, anh đã thành lập Công ty CP Ngoại thương Trà Việt Thái và liên kết với một số hộ dân trồng chè trong vùng để sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu chè Phổ Yên.

Đến nay, Công ty đã liên kết với trên 50 hộ dân thuộc xóm Tân Ấp 1 và xóm 7, xã Phúc Thuận với diện tích 20ha. Bình quân, mỗi tháng anh xuất bán trên 10 tấn chè thành phẩm ra thị trường với 4 sản phẩm chính: Cao Sơn trà, Thiết Bảo trà, Tâm trà và Lộc trà. Các sản phẩm này đều được làm từ các giống chè: LDP1, Phúc Vân Tuyên, Bát Tiên và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Để người tiêu dùng biết đến sản phẩm trà của Công ty, ngoài việc giới thiệu, quảng bá trên các trang web, anh Sơn còn tích cực tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, thành lập gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm ngay tại nhà... Sau nhiều năm có mặt trên thị trường trong tỉnh và một số thị trường “khó tính” như: Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt… các sản phẩm của Công ty đã được người tiêu dùng biết đến và lựa chọn với số lượng tiêu thụ đạt 120 tấn/năm, doanh thu đạt gần 20 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2016, thông qua cửa hàng kinh doanh các sản phẩm chè của một người bạn tại nước Anh, 200kg Lộc trà của Công ty đã có mặt tại quốc gia này và được bán với giá 2 triệu đến 5 triệu đồng/kg (trong nước bán với giá từ 600.000 đồng đến 1,6 triệu đồng/kg), đến năm 2017, con số này đã tăng lên 400kg. 

Theo anh Sơn, để chiếm được cảm tình của khách hàng nước ngoài, sản phẩm Lộc trà ngoài việc được sản xuất theo quy trình khắt khe từ cách chăm sóc, thu hái đến chế biến thì bao bì cũng được thiết kế tinh xảo, thể hiện sự sang trọng. Theo đó, trà được đóng thành từng gói nhỏ xếp trong hộp gỗ mỹ nghệ, dán tem đồng và đựng trong túi giả da. Tuy số lượng vẫn còn khá khiêm tốn, song đây tín hiệu tích cực cho thấy, chè Phổ Yên đã từng bước có chỗ đứng ở thị trường châu Âu. Hiện, anh Sơn cũng đang chuẩn bị các bước để cho ra đời sản phẩm trà thực phẩm chức năng và trà làm đẹp, nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Không chỉ liên kết, xây dựng thương hiệu chè cho quê hương, là Tổ trưởng của Tổ sản xuất chè VietGAP xóm Tân Ấp 1, anh Sơn còn thường xuyên hướng dẫn, tư vấn cho bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè nhằm mang lại hiệu quả kinh tế. Đơn cử như việc anh đã thành lập nhóm yêu thích (gồm 10 người) cùng nhau tìm hiểu và tự chế biến phân hữu cơ vi sinh được làm từ các sản phẩm nông nghiệp để phổ biến cho bà con, nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Nhờ đó, diện tích chè ở xóm Tân Ấp 1 ngày càng được nhân rộng với diện tích gần 20ha (tăng trên 5ha so với 2016). Từ những đồi chè được đầu tư, chăm sóc kỹ lưỡng và được Công ty CP Ngoại thương Trà Việt Thái bao tiêu sản phẩm, sau khi trừ chi phí người dân thu lãi khoảng 70 triệu đồng/ha/năm. Anh Nguyễn Huy Hùng, người dân xóm Tân Ấp 1 chia sẻ: Trong quá trình làm chè, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật nhiệt tình từ anh Sơn. Điều chúng tôi khâm phục ở anh Sơn là sự kiên trì, ham học hỏi và không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng cũng như quảng bá thương hiệu chè Phổ Yên thông qua các sản phẩm trà của Công ty.

Theo ông Ôn Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận, là một đảng viên, bản thân anh Sơn không chỉ tiên phong, gương mẫu trong các phong trào chung mà còn sẵn sàng giúp đỡ người dân phát triển kinh tế bằng chính những hiểu biết, kinh nghiệm của mình. Thông qua Công ty CP Ngoại thương Trà Việt Thái, chè Phổ Yên nói chung và chè Phúc Thuận nói riêng đã được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến và tìm mua để uống, làm quà biếu. Từ những thuận lợi này, xã cũng khuyến khích các hộ có diện tích trồng chè lớn tại địa phương học hỏi kinh nghiệm từ mô hình của anh Sơn để nhân rộng thành các cơ sở chế biến chè tại gia đình, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.../


Tin cùng chuyên mục
CLB Doanh nhân trẻ 1983 Việt Nam tham gia đồng hành cùng chương trình Tình nguyện mùa Đông 2023 tại Điện Biên

CLB Doanh nhân trẻ 1983 Việt Nam tham gia đồng hành cùng chương trình Tình nguyện mùa Đông 2023 tại Điện Biên

Nhân dịp chào mừng Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các cấp, nhiệm kỳ 2024 - 2029, hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024), Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên TP. Hải Phòng khởi động chương trình “Tình nguyện mùa Đông 2023 - Xuân Tình nguyện năm 2024”.