Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Người hết lòng với việc làng, việc bản

Giang Lam - 11:59, 14/06/2023

“Nhân chi sơ tính bản thiện” là bài học đầu tiên mà người thầy dân tộc Dao Đặng Văn Xuân (SN 1955) thôn Bản Pình, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) dạy các học trò của mình. Cách ông Xuân giảng giải dễ hiểu, tận tình khiến người đứng ngoài lớp học cũng phải dừng việc đang làm để chăm chú lắng nghe...

Ông Đặng Văn Xuân (ngồi giữa) thực hiện soạn bài giảng về chữ Nôm Dao trên máy tính.
Ông Đặng Văn Xuân (ngồi giữa) thực hiện soạn bài giảng về chữ Nôm Dao trên máy tính.

Người tiên phong của bản

Ông Đặng Văn Xuân được coi là “của hiếm” của Bản Pình khi là y sĩ đầu tiên của xã và cũng là đảng viên đầu tiên làm việc tại Trạm Y tế xã Trung Minh. Ông được kết nạp Đảng từ năm 20 tuổi. Niềm vinh dự đó cũng là trách nhiệm lớn lao để người đảng viên trẻ tiên phong cống hiến cho bản làng.

Ngày đó, dịch bệnh sốt rét hoành hành, cứ vài ba ngày lại có người mất vì sốt rét. Họ mời thầy mo đến làm lễ cúng, dùng bùa ngải để trị bệnh. Ông Xuân cùng cán bộ trong trạm xá ngày đêm bám bản, phát thuốc, tuyên truyền giải thích để dân bản xóa bỏ dần các hủ tục.

Rồi quan niệm sinh đẻ tại nhà, nhiều chị em chưa biết tự chăm sóc sức khỏe, chẳng dự đoán được ngày sinh. Nên khi có những chị đang đi làm nương phải vội về vì có dấu hiệu chuyển dạ, y sĩ Xuân lại tức tốc đến hỗ trợ, hướng dẫn sản phụ qua cơn vượt cạn... Bằng sự nhiệt tình và trách nhiệm, ông Xuân nhanh chóng chiếm được cảm tình của bà con dân bản.

Ông Xuân luôn tâm niệm, là đảng viên phải tiên phong trong mọi việc. Do Trạm Y tế xã Trung Minh chưa đủ điều kiện để thành lập chi bộ nên ông phải sinh hoạt ghép với Chi bộ thôn Bản Pình. Đó là hành trình để người đảng viên Đặng Văn Xuân nỗ lực, đồng hành cùng Ban Chi ủy trong việc phát triển Đảng và nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ. Chi bộ hiện nay có 15 đảng viên. Trong các cuộc họp Chi bộ, đảng viên Xuân thường xuyên đóng góp nhiều ý kiến để nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ.

U70 dạy chữ Nôm Dao bằng máy tính

Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn hết lòng vì việc làng, việc bản. Ví như việc làm thông tỏ tư tưởng bà con về tảo hôn, không cho đẻ nhiều, không thách cưới cao, giảm bớt lễ nghi trong ma chay cưới hỏi, cấp sắc… Ông Xuân gắn cho mình trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa người Dao. Ông hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc thôn bản Pình, xã Trung Minh. Ông chịu trách nhiệm cố vấn, tức là giúp cho mỗi thành viên tập luyện thành thục các điệu múa, lời ca của dân tộc.

Với ông Xuân, học chữ Nôm Dao không chỉ để mọi người hiểu về ngôn ngữ, chữ viết mà còn giúp mọi người hiểu về nhân nghĩa, hiểu đạo lý làm người, giúp con người hướng thiện, tránh xa điều tà ác. Bài học vỡ lòng ông luôn dạy các học trò là “Nhân chi sơ tính bản thiện”.

Lớp học của ông thu hút nhiều người. Người Dao ở Chiêm Hóa, Hàm Yên, Bắc Kạn… cũng “gõ cửa” xin nhập học. Anh Bàn Văn Minh bảo, cách dạy chữ của thầy dễ nhớ, dễ hiểu và khá là hiện đại nên đó là động lực để anh từ Chợ Đồn (Bắc Kạn) sang học chữ Nôm Dao.

Không dừng lại đó, ông Xuân cũng lập Facebook rồi thường xuyên trao đổi với cộng đồng người Dao trên cả nước về ý nghĩa các bộ chữ, giới thiệu các video dạy cách viết, các thành viên đều sôi nổi hưởng ứng…

Với sự tận tâm nhiệt huyết của mình, nhiều năm qua ông được bầu là Người có uy tín của thôn bản. Với ông đó cũng là động lực, trách nhiệm để ông một lòng trọn vẹn với Bản Pình.

Câu chuyện người giáo già U70 ngày ngày lọ mọ bên chiếc laptop cũ để soạn những bài giảng khiến cộng đồng người Dao trên mạng xã hội không khỏi trầm trồ. Ông Xuân bảo: “Công nghệ thông tin phát triển thì mình cũng phải bắt nhịp chứ. Là đảng viên thì dù tuổi nào thì cũng phải phát huy tiên phong”.

Tin cùng chuyên mục
Bước ra khỏi vùng an toàn để làm chủ doanh nghiệp

Bước ra khỏi vùng an toàn để làm chủ doanh nghiệp

Trong thời đại 4.0, ngày càng có nhiều chị em phụ nữ người DTTS đã mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn để thử sức ở những lĩnh vực mới mẻ. Với sự quyết tâm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, những nữ doanh nhân người DTTS đã tạo ra nhiều sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn lợi kinh tế cho doanh nghiệp, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho phụ nữ ở địa phương. Nữ doanh nhân Vương Thị Thương, dân tộc Tày ở thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn là một ví dụ.