Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Người lái đò trên dòng Nậm Mu

Hà Minh Hưng - 12:40, 01/08/2021

Đã gần 30 năm, ban đầu là con thuyền độc mộc, rồi đến thuyền sắt gắn động cơ có mái che, dù ngày mưa cũng như ngày nắng, chưa khi nào ông trễ hẹn đưa đón các em học sinh qua dòng Nậm Mu. Ông là Lò Văn San, dân tộc Thái, ở bản Hì, xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu). Từ lâu, bến sông nơi đây được bà con gọi với cái tên “Bến đò ông San”.

Ông San lái đò đưa các em học sinh qua sông Nậm Mu. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Ông San lái đò đưa các em học sinh qua sông Nậm Mu. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

“Thấy các cháu ham học mà thương!”

Xã Ta Gia, huyện Than Uyên có 12 bản, thì có đến 6 bản thuộc Dự án di dân tái định cư thủy điện Huội Quảng. Xã có bản Noong Quà của người Mông nằm tách biệt phía bên kia sông Nậm Mu. Đã từ lâu, con thuyền của ông San là phương tiện duy nhất giúp bà con và các em học sinh nơi đây đi lại qua sông.

Chúng tôi theo chân các thầy, cô giáo xã Ta Gia, đưa các em học sinh xuống bến thuyền về bản. Biết chúng tôi muốn hỏi chuyện, ông cười bảo chờ chút. Sau khi đưa các em cập bến an toàn, ông đánh lái trở lại tiếp chúng tôi. Từ lâu, khoang thuyền là ngôi nhà thứ hai của gia đình ông. Nhấp ngụm nước đun sôi để nguội đựng trong chai nhựa, ông trải lòng: “Đời mình không biết mặt cái chữ khổ lắm, thấy chúng ham học mà thương! Mùa cạn thì không sao, chứ lũ về nhìn chúng nó qua sông bằng bè mảng nguy hiểm, không an toàn. Đành lòng sao được, chúng cũng như con cháu mình mà!”.

Ngày cuối tuần, các thầy cô giáo xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu) đưa các em về bản trên con thuyền của ông San. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Ngày cuối tuần, các thầy cô giáo xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu) đưa các em về bản trên con thuyền của ông San. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Không nhớ nổi mình đã gắn bó với con thuyền và bến sông này từ bao giờ, chỉ biết rằng chàng thanh niên người Thái, nhà vốn nghèo, đông miệng ăn. Tuổi thơ của ông San đã gắn liền với con thuyền, bến sông để mưu sinh, nên chẳng có cơ hội được đến trường. Ngày trước Nậm Mu chưa làm thủy điện, bà con người Thái định cư quây quần cả ở ven sông này. Nói là sông, chứ mặt nước cũng chỉ nhỉnh hơn con suối to một chút. Bởi đây là dòng phụ lưu từ sông Đà chảy ra. Mùa cạn bà con vẫn lội qua sông đi nương, đi rẫy, chỉ khi lũ về mới đi thuyền, bơi mảng.

Cũng như bao hộ ở bản Hì, gia đình ông San có lán nương phía bên kia sông, ban đầu thuyền chỉ là phương tiện di chuyển của gia đình. Sau này nhu cầu bà con đi lại nhiều, nên ông quyết định chuyên chở dịch vụ, riêng với các em học sinh, chưa khi nào ông thu tiền cả.

Bất kể thời tiết, đến trường học cái chữ giờ đây là niềm vui của các em học sinh người Mông bên kia dòng Nậm Mu. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Bất kể thời tiết, đến trường học cái chữ giờ đây là niềm vui của các em học sinh người Mông bên kia dòng Nậm Mu. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Niềm vui cập bến an toàn

Sau khi bản Mì lên nơi ở mới theo Chương trình tái định cư Thủy điện Huội Quảng. Nước dâng cao, mặt sông sâu và rộng đi thuyền gỗ mất nhiều thời gian, lượng người qua sông ngày càng nhiều. Năm 2014, Công an huyện Than Uyên hỗ trợ cho Ta Gia một chiếc thuyền máy để đưa đón nhóm học sinh ở bản Noong Quài đi học. Được bà con tín nhiệm, chính quyền xã quyết định bàn giao con thuyền cho cha con ông San quản lý. Nhìn cảnh ông San và các thầy, cô giáo khẩn trương giúp các em mặc áo phao xuống thuyền về bản, chúng tôi thật sự khâm phục công việc hằng ngày của ông, cũng như hành trình đến với con chữ của các em học sinh nơi đây.

Thầy giáo Hoàng Quang Hưng, Bí thư Chi bộ - Hiệu trưởng Trường THCS xã Ta Gia, người gần 15 găn bó với giáo dục vùng cao, mỗi khi nhắc chuyện về bản vận động học sinh, những kỉ niệm trong anh lại ùa về. “Vào thời điểm tựu trường nước sông chảy dữ lắm. Nhiều em ngại đi học, giáo viên chúng tôi cắm bản thường xuyên đến để vận động các em ra lớp, ra trường. Có đận mưa to, không về được, thầy, cô phải trú tại lán nương. Cứ thấy phía bên này sông kêu lớn “đò ơi…” là bác San có mặt ngay. Không kể thời gian, thời tiết, chưa khi nào bác San lỡ hẹn. Cũng may nhờ có bác, nên thầy trò cũng yên tâm hơn mỗi lần qua sông”, thầy Hưng chia sẻ.

Con đường xuống "Bến đò ông San" với học sinh bản Noong Quài, xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu) đã trở nên quen thuộc. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Con đường xuống "Bến đò ông San" với học sinh bản Noong Quài, xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu) đã trở nên quen thuộc. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Năm học 2020 - 2021, toàn xã có 712 học sinh ở nội trú tại trường từ chiều Chủ nhật đến chiều thứ Sáu tuần sau, riêng điểm bản Noong Quài có 64 học sinh. "Lúc đầu xã giao thuyền cho cha con ông ấy cũng lo lo, vì từ trước tới giờ chỉ thấy ông quen với thuyền gỗ và mái chèo. Nhưng sau khi được tập huấn cách vận hành thuyền máy và nghiệp vụ, kỹ năng khi tham gia giao thông đường thủy, giờ ông San không những điều khiển phương tiện thành thạo mà luôn bảo đảm thời gian, sự an toàn cho các em học sinh và bà con”, Chủ tịch UBND xã Ta Gia Lò Văn Chài chia sẻ.

Ông San chỉ tay về phía tả bờ sông, nơi có con thuyền sắt đang phơi mình trên cát. Thì ra, đó là chiếc thuyền Nhà nước giao, nhưng nay đã hỏng, thủng nhiều chỗ. Để vận chuyển hàng hóa, cũng như phục vụ chở khách, vừa rồi gia đình ông đã quyết định đầu tư một con thuyền mới gần 100 triệu đồng. Khi được hỏi khi nào ông thôi lái thuyền, ông bộc bạch: “Tôi sẽ lái thuyền phục vụ bà con và các cháu học sinh đến bao giờ sức khỏe không cho phép. Khi đó đã có các con thay mình lái. Thấy con em hăng say đến trường học chữ là mình vui rồi!”.

Tin cùng chuyên mục
Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Trải qua những năm tháng khó khăn, bất ổn, được sự quan tâm chăm lo đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; tinh thần trách nhiệm của các cấp, lực lượng chức năng... diện mạo cơ sở hạ tầng, đời sống của đồng bào DTTS ở những bản làng vùng biên giới nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc hôm nay đã và đang ngày càng khởi sắc.