Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Người mang “cây vàng, cây bạc” về Tênh Phông

Song An - 00:49, 05/05/2023

“Đầu những năm 90 trở về trước, đất Tênh Phông còn bạt ngàn cây thuốc phiện. Nhà nhà trồng, người người hút. Không ai ngờ được rằng, chỉ chục năm sau, những mảnh nương từng trồng thứ cây giết người ấy đã được phủ kín bằng thảo quả”, ông Vừ Khua Xá, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên bộc bạch.

Ông Vừ Khua Xá chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.
Ông Vừ Khua Xá chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình

Những ngày gian nan

Nằm ở độ cao trung bình từ 1.200 - 1.800 m so với mực nước biển, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) là thủ phủ của rừng và cây dược liệu. Trong đó, thảo quả được bà con địa phương xem là thứ “cây vàng, cây bạc” giúp nhiều gia đình “đổi đời”.

Nhắc đến giống cây này, người Tênh Phông cũng không quên kể câu chuyện về ông Vừ Khua Xá - nguyên Bí thư Đảng ủy xã từ những năm 90. Theo chỉ dẫn, chúng tôi xuôi núi về xã Pú Nhung tìm gặp người đàn ông đặc biệt này.

Căn nhà gỗ khang trang của vợ chồng ông Xá nằm giữa vườn cây trái rộng mênh mông. Trò chuyện với chúng tôi, ông Xá cho biết, ông sinh ra ở Pú Nhung và trở thành cán bộ MTTQ xã này. Nhờ nhiệt tình trong công tác, không nề hà bất cứ việc gì mà tổ chức giao, nên ông được huyện quan tâm cử đi học, rồi về nhận nhiệm vụ tại Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tuần Giáo. Đầu những năm 90, tổ chức điều động ông lên vùng cao Tênh Phông làm Bí thư Đảng ủy xã 2 nhiệm kỳ, trước khi chính thức nghỉ hưu.

Tênh Phông từng là một trong những thủ phủ cây thuốc phiện của Tuần Giáo. Xóa bỏ được loài cây này là cả một kỳ tích. Bởi vậy, chúng tôi sẽ quyết tâm gìn giữ và phát huy thật tốt thành quả ấy. Thoát khỏi đói nghèo, cuộc sống no ấm hơn thì không lý do gì bà con quay lại thời kỳ tăm tối trước kia”.

Ông Mùa A DụaChủ tịch UBND xã Tênh Phông

Ngày mới lên nhận nhiệm vụ, đi khắp các thôn, bản, gần như ghé nhà nào ông Xá cũng thấy có người chìm đắm trong làn khói trắng. Các mảnh nương phủ đầy thuốc phiện. Chỉ sau vài tuần đầu, ông đã hiểu vì sao bà con ở đây cứ mãi nghèo, khổ đến thế. Và ông cũng phần nào hiểu lý do huyện điều động ông về đây công tác.

Trước trăn trở làm gì để bà con thoát nghèo, chấm dứt cuộc sống tối tăm, cơ cực, ông Xá nghĩ: “Chỉ có xóa bỏ thuốc phiện”. Vừa hay, dịp này ông có chuyến công tác tại huyện Phong Thổ (nay thuộc tỉnh Lai Châu). Khi thấy dưới tán rừng xanh tốt bạt ngàn thứ quả đỏ rúc rích phủ kín đất, ông Xá “mắt tròn mắt dẹt”. Càng ngỡ ngàng hơn khi ông nghe câu chuyện nhờ loại quả đó mà hộ này, hộ kia thu cả chục triệu đồng sau mỗi vụ. Số tiền mà ngày ấy có thể sắm được cả cơ ngơi.

“Người dân ở đó gọi chúng là cây thảo quả. Ngay lập tức tôi đã nghĩ về đất Tênh Phông. Rừng nhiều, khí hậu, thổ nhưỡng lại không khác gì. Thế là tôi quyết định vác cây giống về trồng thử. Trước tiên thì cứ thí điểm trên mảnh nương của người thân, hỏng mình chịu mà được thì sẽ hướng dẫn bà con làm theo”, ông Xá nhớ lại.

Năm đầu tiên thử nghiệm, ông thất bại thảm hại. Thực tế ấy càng đẩy hoài nghi của người dân lên cao. Nhiều đêm trăn trở đến mất ngủ, ông Xá nghĩ: “Cây rất ưa đất nên mới cho quả sai rúc rích như thế. Lỗi chỉ bởi đầu ra, chẳng biết bán đi đâu. Đi tìm thương lái thì bị họ ép giá”. Vậy nên, ông vẫn quyết tâm động viên bà con trồng và liều mình cam kết: “Không ai mua, tôi sẽ mua!”.

Năm đầu sau cam kết, đúng là ông tự bỏ tiền túi ra mua cho bà con. Rồi túc tắc tự xuôi núi chở từng bao thảo quả xuống thị trấn bán. 2 năm sau, ông Xá trúng quả lớn. Thảo quả được mùa, được giá, thương lái về tận bản mua. Vừa bán quả, vừa bán cây giống, lần đầu trong đời ông ôm trong tay số tiền 50 triệu đồng.

Thấy ông thu về cả một gia tài như thế, bà con ồ ạt tìm đến hỏi cây giống. Người có tiền ông bán giống, hộ nghèo thì cho không, rồi chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc. Ông bảo: “Mình đang khuyến khích bà con trồng mà. Họ làm được, tôi là lãnh đạo cũng thơm lây”.

Người dân Tênh Phông chăm sóc thảo quả.
Người dân Tênh Phông chăm sóc thảo quả

Thảo quả đẩy lùi thuốc phiện

Khi những hoài nghi, ngờ vực được xóa bỏ bằng thực tế, phong trào trồng thảo quả bắt đầu khởi động mạnh mẽ từ bản Ten Hon. Rồi nhanh chóng lan dần sang Há Dùa, Xá Tự… Bà con ở các thung sâu bảo nhau nhổ thuốc phiện để dành toàn bộ đất cho thảo quả phát triển. Cho đến nay, 125/128 hộ ở Ten Hon đã trồng và sống bằng thảo quả, với tổng diện tích hơn 30 ha.

Tương tự, tại bản Há Dùa, 22 ha thảo quả hiện cũng đang là nguồn thu chính của 47/49 hộ dân. Trưởng bản Lầu A Di còn cho biết: Từ tiền bán thảo quả, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư trồng thử nghiệm thêm các cây dược liệu có giá trị khác. “Riêng gia đình tôi trồng 400 cây quế hiện đang phát triển rất tốt”, ông Di nói.

Còn với gia đình ông Lầu Vàng Páo, ngoài gần 3 ha thảo quả dưới tán rừng trồng từ năm 2003, đầu năm 2022 đã đầu tư trồng thêm 2.000 cây hồi. “Trong kế hoạch, tôi tính năm nay khi có tiền bán thảo quả (khoảng 100 triệu đồng) thì sẽ tiếp tục đầu tư trồng hồi hoặc sâm để tăng nguồn thu mới”, ông Páo cho hay.

Theo ông Mùa A Dụa - Chủ tịch UBND xã Tênh Phông, chính nhờ ông Xá và các thế hệ đầu tiên mạnh dạn đưa cây thảo quả lên, mà đời sống bà con đã bước sang trang mới. Đến nay, toàn xã có trên 83 ha, trong đó hộ ít cũng duy trì vài trăm m2 dưới tán rừng. Tuy nhiên, theo đánh giá, trong tổng số hơn hơn 2.350 ha rừng hiện có, thì số diện tích có thể nhân rộng thảo quả không còn nhiều. Do loại cây này chỉ phù hợp trồng gần các khe nước, đất ẩm. Bởi vậy những năm gần đây, chính quyền địa phương đang định hướng cho bà con phát triển thêm một số loại cây dược liệu khác, như: Sâm, tam thất, hồi, sa nhân…

“Tênh Phông từng là một trong những thủ phủ cây thuốc phiện của Tuần Giáo. Xóa bỏ được loài cây này là cả một kỳ tích. Bởi vậy, chúng tôi sẽ quyết tâm gìn giữ và phát huy thật tốt thành quả ấy. Thoát khỏi đói nghèo, cuộc sống no ấm hơn, thì không lý do gì bà con quay lại thời kỳ tăm tối trước kia”, ông Dụa khẳng định.

Tin cùng chuyên mục